Trước thắc mắc về quy mô lớn của vụ án cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, tòa có tính tới việc áp dụng án lệ trong quá trình xét xử, ông Ngô Tố Dụng — Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ nói sẽ không áp dụng nhưng trong quá trình xét xử, một số nội dung của vụ án sẽ được đề xuất phát triển thành án lệ.
Về vấn đề này, ông Lê Thế Phúc — Trưởng phòng Án lệ (Tòa án Nhân dân tối cao) cho rằng, để công nhận bản án được là án lệ phải qua rất nhiều quy trình, từ việc Tòa án Nhân dân tối cao theo chức năng nhiệm vụ thực hiện khảo sát, xây dựng đề án, nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, đến ý kiến của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội đồng ý, Hội đồng thẩm phán cho ý kiến và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao công bố, lúc đó mới được gọi là án lệ.
"Tất cả những án lệ được lựa chọn phải được công bố ở rất nhiều hội đồng thẩm phán để xem xét thông qua, cho ý kiến rồi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao mới được công bố", ông Phúc nói.
Cơ quan tố tụng cáo buộc đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikv*p/Tip.c*ub do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao — CNC) cầm đầu.
Đường dây này gồm 25 đại lý cấp 1 cùng 5.877 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, doanh thu tổ chức đánh bạc lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Đồng thời, những người này cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) do Tổng cục Cảnh sát quản lý.
Điều này khiến các đơn vị chức năng lầm tưởng Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát để tạo vỏ bọc cho Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng Internet được thuận lợi.
Tuy nhiên, ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo, đến khi có văn bản lần thứ hai sau 50 ngày mới chỉ đạo C50 tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng báo cáo không đúng sự thật và không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc.