Theo ông Baburoglu, các tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ý định của Ankara là tiến hành hoạt động mặt đất trong khu vực trong tương lai gần.
"Tuyên bố này được đưa ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Istanbul, trong đó phía Thổ Nhĩ Kỳ tập trung chú ý vào tầm quan trọng chiến lược của các vùng lãnh thổ phía đông Euphrates. Tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích vào các vị trí của Đảng Liên minh Dân chủ Kurd ở phía đông Euphrates, vùngKobani. Tất cả những sự kiện này cho thấy mức độ nghiêm túc và quyết tâm của Ankara trong vấn đề này. Mặc dù nhiều lần Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ những lo ngại và quan điểm cho rằng tình hình phía đông Euphrates thể hiện mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đất nước, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho lực lượng người Kurd. Trong những điều kiện này, tuyên bố trong ngày hôm qua của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nên được xem như là một tuyên bố về ý định tiến hành chiến dịch mặt đất tại khu vực trong tương lai", ông nói.
Khi nói về khả năng thời điểm băt đầu hoạt động, Baburoglu nhắc lại tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar về "kế hoạch dọn sạch lãnh thổ phía đông Euphrates sau khi thiết lập hệ thống quản lý ở Manbij": "Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đợi cho đến khi thực hiện xong "lộ trình" chung với Mỹ ở Manbij, và sau đó sẽ bắt đầu chiến dịch quân sự tại vùng lãnh thổ phía đông Euphrates. Quá trình này có lẽ sẽ kéo dài không lâu. Dường như lúc đầu Ankara dự định thảo luận về tình hình phía đông Euphrates với Hoa Kỳ tại bàn đàm phán — sau cuộc pháo kích gần đây vào Kobani, giữa Lầu Năm Góc và Ankara ít nhất sẽ phải có các cuộc đàm phán ở cấp độ kỹ thuật. Nếu có thể đạt được thỏa thuận với Washington về việc trung hòa lực lượng YPG của người Kurd trong khu vực, hoặc ít nhất là về việc di chuyển họ về phía nam Raqqa, thì lộ trình giống như Manbij có thể được thực hiện trong khu vực Kobani, Tel-Abyad và Kamyshly. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng "lộ trình" ở Manbidj vẫn chưa được thực hiện đầy đủ — hơn 7000 tay súng người Kurd tiếp tục hiện diện trong khu vực, họ vẫn chưa chịu giao nộp vũ khí do Mỹ cung cấp. Vì vậy rõ ràng là Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa của mình về Manbij. Và tôi không nghĩ là có thể duy trì điều này như một nguyên tắc, vì việc giải giáp các lực lượng người Kurd trong khu vực này không phải vì lợi ích của Hoa Kỳ. Người Mỹ, ngược lại, tăng cường vị thế của mình tại đó, xây dựng các căn cứ và sân bay mới, triển khai hệ thống radar. Tất cả những điều này cho thấy cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị buộc phải thực hiện các bước quyết định, và hoạt động của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực phía đông Euphrates sẽ là điều không thể tránh khỏi ", chuyên gia nhấn mạnh.
Nói rằng Hoa Kỳ sẽ không đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sẽ sử dụng binh lực người Kurd của PDS cho mục đích này, Babyroglu kết luận: "Hoa Kỳ sẽ cố gắng phản đối Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực một cách gián tiếp, sử dụng quân đội người Kurd của YPG hoặc lính đánh thuê cho việc này. Tuy nhiên, đối với Thổ Nhĩ Kỳ chiến dịch này là rất cần thiết. Khu vực này chiếm khoảng 30 phần trăm diện tích lãnh thổ Syria, và Hoa Kỳ đang cố gắng thiết lập quyền kiểm soát tại đây. Tôi tin rằng Nga và Iran, lo lắng về chính sách này của Washington, sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ sự hỗ trợ ngoại giao trong vấn đề này".