Ngày 2/11, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM xác nhận, Sở này không hay biết việc Bộ Công thương chỉ định tân Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM — ông Nguyễn Văn Bách (trước đó là Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM).
Ông cũng đề nghị PV liên hệ với Cục Quản lý thị trường TP.HCM đề tìm hiểu thông tin bởi hiện Cục Quản lý Thị trường đã giao về cho Bộ Công thương.
Trước đó, tại cuộc họp kinh tế, xã hội tháng 10 của UBND TP.HCM diễn ra ngày 1/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên có ý kiến với Bộ Công thương về việc chỉ định Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM.
Theo ông Phong, Bộ Công thương chỉ định Cục trưởng Quản lý thị trường TP.HCM mà không hiệp y với Đảng bộ TP, khi ông đọc báo thì mới hay tin.
"Chỉ định người mới làm Cục trưởng Cục Quản lý thị trường mà Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, thậm chí Sở Công thương cũng không biết. Làm như vậy là không đúng nguyên tắc", Chủ tịch UBND TP.HCM bức xúc.
Bình luận với Đất Việt về sự việc này, PGS.TS Ngô Thành Can, Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, gọi đây là "lỗi kỹ thuật" của Bộ Công thương.
Phân tích cụ thể, PGS.TS Ngô Thành Can cho biết, việc bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc phụ thuộc trước hết vào thiết kế bộ máy.
Bộ máy được thiết kế gồm cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, ở địa phương có cấp tỉnh, cấp huyện hoặc có thể đến cấp xã. Bên cạnh đó, có những loại cơ quan thiết kế theo ngành dọc, như ngành công an, ngành thuế.
"Trong vận hành bộ máy, thông thường, khi có sự thay đổi về nhân sự đều có sự hiệp y, làm việc giữa các đơn vị để thống nhất xem tổ chức bộ máy như thế nào cho phù hợp. Vừa rồi Bộ Công thương có một số ngành, đơn vị được tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại. Nếu đơn vị đó trực thuộc ở đâu thì nên có sự trao đổi thì hay hơn bởi thực tế, thời gian qua việc thiết kế, tổ chức lại bộ máy có nhiều chỗ chưa được mỹ mãn giữa cơ quan Trung ương và địa phương. Tôi cho rằng đây là lỗi kỹ thuật vì xưa nay chúng ta đều hiệp y, hoặc trao đổi với nhau, hoặc thông báo, tùy tính chất của loại đơn vị đó được thiết kế như thế nào, không phải đơn vị nào cũng giống nhau", PGS.TS Ngô Thành Can nhận xét.
"Có thể do vừa rồi Bộ Công thương thiết kế lại một số đơn vị, muốn đẩy nhanh quá trình cải cách nên có thể có sơ suất", ông nói.
Thông tin về sự việc nêu trên, ngày 2/11, Văn phòng Bộ Công thương cho biết, mô hình Tổng cục Quản lý thị trường được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo quy định tại Quyết định số 34/2018/QD-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý Thị trường trực thuộc Bộ Công thương. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/10/2018.
Trong thời gian đợi kiện toàn tổ chức Đảng tại cơ quan Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường địa phương, để tránh gián đoạn trong công tác điều hành cơ quan quản lý thị trường tại địa phương, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công thương tạm thời giao Quyền Cục trưởng các Cục Quản lý thị trường cho đến khi Bộ Công thương có quyết định bổ nhiệm chính thức Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tại các địa phương.
Sau khi kiện toàn tổ chức Đảng của lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công thương sẽ tiến hành làm việc với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về trình tự, thủ tục để bổ nhiệm chính thức các vị trí lãnh đạo của các Cục Quản lý thị trường địa phương.