Triển lãm giới thiệu đồ dùng cá nhân, quân phục và trang thiết bị cho chiến sĩ và sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Hoa Kỳ, chiến sĩ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và các chuyên gia quân sự Liên Xô, cũng như bộ sưu tập chân dung của các cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh Nga.
Là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, St. Petersburg được mệnh danh là "thủ đô văn hóa" của Liên bang Nga do sự phong phú di tích kiến trúc, nghệ thuật kỹ thuật, nhà hát, bảo tàng, cơ sở giáo dục ở nơi đây.
Liền kề với pháo đài là Bảo tàng pháo binh, kỹ thuật và thông tin. Đây là cơ sở của Bộ Quốc phòng Nga, nhưng mở cửa cho tất cả mọi người. Gần lối vào bảo tàng và trên lãnh thổ của nó là cả một "công viên pháo", từ các khẩu pháo bằng gang và đồng cổ đại, cho đến các tổ hợp tên lửa Topol. Gần đó là tất cả các loại thiết bị kỹ thuật, máy móc thông tin và xe tăng T-80 — "người bản địa Petersburg", được chế tạo tại nhà máy Kirov nổi tiếng.
Tại một trong các Hội trường của Bảo tàng hiện đang diễn ra triển lãm nhân kỷ niệm 43 năm ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống |Mỹ của nhân dân Việt Nam và kỷ niệm 45 năm Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Một số nước đã trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới một trong những xung đột địa phương khốc liệt nhất nửa sau thế kỷ 20, trong đó có ba cường quốc lớn. Trên thực tế, tại Nga đã có một số triển lãm nói về cuộc chiến ở Việt Nam và về sự tham gia của những người lính Xô Viết trong cuộc chiến đó. Chỉ riêng ở St Petersburg đã có ba cuộc triển lãm như vậy. Nhưng cuộc triển lãm hiện nay thuộc loại đặc biệt. Trả lời phỏng vấn độc quyền Sputnik, người phụ trách triển lãm, thành viên của Hội Nghệ sĩ Nga Viktor Vasilyev đã nói:
"Đây là cuộc triển lãm thứ tư thuộc dự án nghệ thuật và tài liệu "Cuộc chiến của tôi", dành riêng cho chủ đề cựu chiến binh Liên Xô và Nga trong các cuộc chiến tranh địa phương. Cuộc chiến tranh mà người Nga không mấy khi nhắc đến. Trong số bạn bè của tôi có rất nhiều người đã trải qua chiến tranh Afghanistan và Chechnya. Tôi thấy rằng đôi khi những người này ở trong một tình huống không hề đơn giản. Chúng tôi quyết định một lần nữa kể về những người này, nhắc nhở để mọi người nhớ đến họ. Và đi sâu hơn, chúng tôi cố gắng nói về những đồng bào của chúng tôi đã thực sự chiến đấu ở Trung Đông, châu Phi và Việt Nam. Nói bằng ngôn ngữ triển lãm."
Triển lãm "Việt Nam" gồm một số phần. Ông Viktor Vasilyev nói với Sputnik:
"Phần đầu tiên là các tác phẩm ảnh và đồ họa của các họa sĩ Petersburg, mô tả cuộc chiến đó và những người tham gia ở cả hai phía. Phần thứ hai là ảnh gốc và tài liệu xác thực từ các bộ sưu tập cá nhân của cựu chiến binh, kể cả các cựu chiến binh Mỹ. Phần thứ ba là đồ dùng cá nhân, quân phục và trang bị cho binh lính và sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Hoa Kỳ, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và các chuyên gia quân sự Liên Xô. Phần thứ tư là bộ sưu tập chân dung các cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh Nga. Tại sao chúng tôi lại tập trung vào chủ đề Chiến tranh Việt Nam vào thời điểm hiện nay? Bởi vì chủ đề này trở nên cấp bách trong bối cảnh tình hình chính sách đối ngoại hiện tại, trong cuộc đối đầu mới giữa Nga và Mỹ. Chúng tôi quyết định nhắc tới việc xung đột đã nảy sinh như thế nào, phát triển và kết thúc ra sao. Ngoài ra, hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Giới trẻ Nga hiện nay hầu như không biết gì về cuộc chiến này. Và chúng tôi đang cố gắng nói về các thành viên của nó — những đồng bào của chúng tôi vẫn còn đang sống giữa chúng ta, nhưng trong nhiều năm họ đã bị "lãng quên". Triển lãm không những nói về sự kiện lịch sử, mà còn nói về con người. Thanh thiếu niên ngày nay nên biết những con người này đã chiến đấu, mất mát và đôi khi đã hy sinh như thế nào."
Cùng với Viktor Vasilyev, một nhân chứng thực sự, người từng tham gia trong các sự kiện hơn 40 năm trước, đại tá thông tin nghỉ hưu Alexei Skreblyukov cũng đã tham gia cuộc trò chuyện với phóng viên Sputnik. Hiện tại, ông là Tiến sĩ, Viện sĩ hàn lâm và là người đứng đầu chi nhánh St. Petersburg của Tổ chức cựu chiến binh Liên bang Nga tham gia cuộc chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Đánh giá các hiện vật triển lãm, ông Alexey Skreblyukov lưu ý:
"Triển lãm này chỉ là khởi đầu của những gì cần phải được thực hiện từ 45 năm trước. Thật đáng tiếc là ngay sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, ở Liên Xô người ta thích "quên đi" một số sự kiện quan trọng của cuộc chiến này. Về mặt chính thức, người ta cho rằng quân đội Liên Xô "không có mặt tại đó." Chỉ đến năm 1989, các cựu chiến binh Liên Xô tại Việt Nam mới được công nhận là đã từng tham gia vào cuộc chiến. Còn người Mỹ, tuy đã chịu thất bại thảm hại, nhưng họ đã nêu chủ đề cuộc chiến ở Việt Nam trong văn học và trong các hồi quân sự nghiêm túc. Và Hollywood đã cố gắng biết bao để thể hiện tiềm năng to lớn của quân đội Mỹ, "sự dũng cảm" và thậm chí là "sự cao thượng" của lính Mỹ, ca ngợi "sứ mệnh vĩ đại của nước Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản thế giới"! Họ đã trung thực khi thể hiện những điều kiện tự nhiên và tâm lý khó khăn mà người Mỹ phải trải qua trong cuộc chiến. Các nhà văn, đạo diễn Việt Nam cũng liên tục trở lại chủ đề chiến tranh trong văn học và phim ảnh. Một thế hệ người Việt lớn lên trong cuộc chiến đó. Còn ở Liên Xô, không thể hiểu nổi vì lý do gì mà lại im lặng như thể ngại ngùng! Tại sao lại phải ngại ngùng? Sau chiến tranh, tôi đã hai lần tới Việt Nam, và tôi cảm thấy thái độ ấm áp và cực kỳ thân thiện của người Việt đối với người Nga chúng ta, những người thực sự giúp họ chống sự xâm lăng của một cường quốc quân sự hùng mạnh. Không chỉ ở Hà Nội (điều này là dễ hiểu), mà trên các đường phố của Sài Gòn trước đây, dân chúng chào những người "Liên Xô" chúng tôi một cách thân thiện. Mặc dù không còn Liên Xô với tư cách là một quốc gia. Những thanh niên Việt Nam sinh ra sau chiến tranh cũng biết về điều đó, họ được dạy dỗ một cách đúng đắn!"
Năm 1989, khi Đại tá Skreblyukov phụ trách Tổ bộ môn tại Học viện Thông tin Quân sự, ông đã viết về việc tổ chức các hệ thống thông tin liên lạc trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Việt Nam. Sau khi hoàn thành công trình, ông nghĩ, tại sao không mô tả các sự kiện một cách chi tiết hơn?
"Sau khi xuất ngũ khỏi các lực lượng vũ trang, tôi đã viết một cuốn sách hồi ký nhỏ," — ông Alexey Skreblyukov nói. — Từ tháng 9 năm 1965 đến tháng 4 năm 1966, tôi phục vụ tại Việt Nam. Đó là một thời kỳ khó khăn. Mọi thứ đều phải được thực hiện từ số không. Thiết bị của chúng tôi mới bắt đầu đến Việt Nam, hầu hết vẫn còn ở các kho trong rừng hoặc thậm chí ở Trung Quốc. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa vì hồi đó quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc khá căng thẳng, mà một phần đáng kể trong ban lãnh đạo chính trị Việt Nam khi đó tập trung nhiều hơn vào Bắc Kinh hơn là vào Moskva. Các chuyên gia quân sự của Liên Xô khá khó khăn khi làm việc. Nhưng chúng tôi đã nhanh chóng chứng minh được với người Việt Nam, ai thực sự giúp họ bảo vệ bầu trời Việt Nam khỏi người Mỹ, và ai tham gia nhiều hơn vào những âm mưu chính trị. Tuy nhiên, không có kết nối đáng tin cậy, các hệ thống tên lửa phòng không chỉ là đống sắt chết.
Tôi đã làm điều ấy trong trung đoàn 382: Tôi phục vụ các trạm tiếp sóng vô tuyến P-401 và dạy cho các đồng nghiệp Việt Nam. Và sau đó dạy người Việt làm việc tại các đài phát R-824 ở sân bay, cung cấp kết nối giữa "mặt đất" và các phi công lái chiến đấu cơ. Tôi có thể nói rằng người Việt Nam cực kỳ chăm chỉ. Nhiều người trong số họ gặp không ít khó khăn khi làm chủ loại kỹ thuật phức tạp như vậy. Nhưng họ đã làm điều đó một cách tỉ mỉ, chi tiết đến nỗi tôi không biết có thể so sánh họ những dân tộc nào. Bốn năm trước, khi tới Việt Nam, tôi đã gặp Khoát, người phiên dịch trước đây của tôi, nay là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi có nhiều điều để nhớ về giai đoạn khi tôi còn là trung úy."
Triển lãm "Cuộc chiến của tôi" tại Bảo tàng Pháo binh St. Petersburg sẽ kéo dài cho đến tháng 2 năm 2019. Và đến tháng 5 năm 2019, tại thành phố trên sông Neva sẽ khai trương thêm một cuộc triển lãm khác về cuộc chiến ở Việt Nam. Chính xác hơn, các hiện vật trưng bày hiện nay sẽ được mở rộng với các tài liệu và hiện vật đến từ Bảo tàng Quân sự thành phố Hồ Chí Minh.