Đây là Kỳ họp cuối năm, thông thường, tại kỳ họp này luôn đặt trọng tâm vào kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 4 Nghị quyết về vấn đề này, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2019 từ 6,6-6,8% trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2019 bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Nền kinh tế Việt Nam năm 2019 thuận lợi gì?
Theo đánh giá của các quan chức, nhà nghiên cứu, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu và các yếu tố tích cực nội tại của nền kinh tế. Ví dụ: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ít nhiều được củng cố, vị thế của một nước thu nhập trung bình và ưu tiên thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ "kiến tạo" trong năm 2018 với các thành công, chắc chắn sẽ bản lĩnh hơn trong năm 2019.
Tuy nhiên, chính nội tại cũng rất nhiều thách thức, như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm, trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá, trong khi những lợi thế so sánh truyền thống của Việt Nam có xu hướng giảm dần.
Từ năm 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ… mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước.
Trong môi trường hội nhập, yếu tố nội tại và quốc tế tác động lẫn nhau; ví dụ: việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động CPI và sản xuất, làm giảm GDP năm 2019 (9 tháng đầu năm 2018, việc tăng giá xăng dầu là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên).
Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu và đứng thứ 5 về quy mô thương mại so với Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ — Trung Quốc "chưa thấy dấu hiệu dừng lại", rủi ro lớn nhất với Việt Nam là Mỹ đưa ra rào cản thuế, kỹ thuật. Khi hàng hoá các nước vào Mỹ bị áp thuế, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của rủi ro thương mại khi hàng hoá các nước núp bóng hàng sản xuất tại Việt Nam, điều này là lẽ đương nhiên.
Trong tình hình như vậy, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế… Chúng ta sẽ khó "làm chủ" tình hình và bảo đảm các "cân đối lớn" nếu nguồn thu bị phụ thuộc vào Samsung, Formosa và một số doanh nghiệp FDI khác.