Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ dưới đáy biển với các tàu ngầm không người lái nhằm phục vụ hoạt động khoa học và quân sự tại Biển Đông. Trung tâm này có thể trở thành căn cứ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới, SCMP dẫn nguồn tin từ các quan chức và nhà khoa học liên quan tới kế hoạch cho biết.
Dự án có tên Hades, được khởi động tại Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh trong tháng này, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm một viện nghiên cứu biển ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam hồi tháng 4. Ông Tập đã kêu gọi các nhà khoa học và kỹ sư thực hiện một việc chưa từng có. "Không có con đường nào dưới đáy biển. Chúng ta không cần phải đuổi theo các nước khác, chúng ta là con đường", Chủ tịch Trung Quốc phát biểu.
Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương, thường là vực thẳm hình chữ V, ở độ sâu 6.000 tới 11.000 mét. Dự án sẽ tốn 1,1 tỷ nhân dân tệ (160 triệu USD), bằng một nửa chi phí cho kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới tại tỉnh Quý Châu, các nhà khoa học cho biết.
Giống như trạm vũ trụ, khu phức hợp dưới đáy biển này sẽ có chỗ để neo đậu. Vì vậy, các kỹ sư cần phát triển loại vật liệu đủ sức chịu đựng áp lực của nước ở độ sâu lớn. "Thử thách này giống như xây dựng một căn cứ ở hành tinh khác cho các cư dân robot với trí tuệ nhân tạo. Công nghệ có thể thay đổi thế giới", một nhà khoa học tham gia dự án mô tả.
Các tàu ngầm robot sẽ được dùng để khảo sát đáy biển, ghi lại các hình thái của sự sống để thống kê và thu thập các mẫu khoáng sản. Trung tâm sẽ phân tích các mẫu này và gửi báo cáo ra bên ngoài.
Trong khi hoạt động của căn cứ phụ thuộc vào các đường dây kết nối với tàu hoặc trạm năng lượng và liên lạc, cảm biến và "đầu não" của nó vẫn cho phép tiến hành những nhiệm vụ liên quan đến chính trị. Các nhà khoa học cũng bày tỏ hoài nghi về dự án, cho rằng các vấn đề chính trị và công nghệ sẽ đặt ra thách thức lớn.
Biển Đông là một trong những khu vực xung đột nhiều nhất thế giới, nơi Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách "đường 9 đoạn" để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể chia sẻ dữ liệu và công nghệ với các nước láng giềng để giành được sự ủng hộ.
Khu vực sâu dưới đáy biển có môi trường khắc nghiệt. Áp lực lớn, sự xói mòn, địa chất yếu và động đất có khả năng đe dọa bất cứ cấu trúc nào. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí có thể vượt xa bất cứ ước tính nào. Tiến sĩ Du Qinghai, nhà nghiên cứu tại Đại học Hải dương Thượng Hải, cho rằng khoản ngân sách 1,1 tỷ nhân dân tệ khá eo hẹp.
Trung Quốc còn đang đề xuất xây dựng một số cơ sở hàng hải khác, bao gồm trạm nghiên cứu dưới đáy biển do con người điều hành đầu tiên trên thế giới, hay 20 nhà máy điện hạt nhân nổi nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại và quân sự.