Ngày 26/11, tờ SCMP dẫn nguồn tin từ các quan chức và nhà khoa học Trung Quốc cho biết, nước này đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ dưới đáy biển với các tàu ngầm không người lái nhằm phục vụ hoạt động khoa học và quân sự tại Biển Đông. Trung tâm này có thể trở thành căn cứ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương, thường là vực thẳm hình chữ V, ở độ sâu 6.000 tới 11.000 mét. Dự án sẽ tốn 1,1 tỷ nhân dân tệ (160 triệu USD).
Bình luận về thông tin đăng tải trên tờ SCMP, Ths Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho biết, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 vừa tổ chức hồi đầu tháng 11 tại Đà Nẵng, các học giả đều tỏ ý lo ngại về khả năng thời gian tới phương tiện không người lái sẽ xuất hiện ở khu vực Biển Đông cả trên không và dưới đáy biển. Trong khi đó, cho đến nay luật pháp quốc tế vẫn chưa có nhiều quy định cụ thể về vấn đề này.
"Các phương tiện không người lái ở trên không và dưới đáy biển khu vực Biển Đông sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, do đó việc Trung Quốc xây dựng một căn cứ trí tuệ nhân tạo dưới đáy Biển Đông hoàn toàn có thể xảy ra.
Cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn khác với các quốc gia khác. Nhiều quốc gia khác chỉ thuần túy vì mục đích khoa học hay phát triển khu vực nhưng Trung Quốc mang nhiều tham vọng về lãnh thổ.
Cho nên, hành động của Trung Quốc cộng với tham vọng lãnh thổ của họ khiến các quốc gia liên quan và có tranh chấp trên Biển Đông lo ngại thực sự", Ths Hoàng Việt chỉ rõ.
Cũng theo vị chuyên gia, với những thông tin đăng tải trên SCMP, chưa biết căn cứ trí tuệ nhân tạo mà Trung Quốc dự định xây dựng sẽ nằm ở vị trí nào dưới đáy Biển Đông.
"Chưa thể biết được căn cứ này có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia có liên quan hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, Trung Quốc phải thông qua Ủy ban quản lý đáy đại dương, theo Công ước Luật Biển 1982.
Tuy nhiên, cần lưu ý một chủ trương xuyên suốt của Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, đó là "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác" và Trung Quốc dùng nhiều cách để ép các nước thực hiện điều này.
Chẳng hạn, đối với Philippines, gần đây, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang Philippines, Trung Quốc và Philippines muốn có một thỏa thuận khai thác chung dầu mỏ giữa hai nước nhưng dưới sức ép của nội bộ Philippines, họ chưa làm được điều đó. Ban đầu, Chủ tịch Trung Quốc mang món quà 40 tỷ USD viện trợ cho Philippines phát triển kinh tế nhưng vì không ký kết được thỏa thuận nên họ không nhắc đến khoản viện trợ đó nữa", Ths Hoàng Việt phân tích.
Chẳng hạn, đầu tháng 4/2018, SCMP đăng tải thông tin cho biết Trung Quốc đã thành lập nhóm nghiên cứu về đường lưỡi bò vẽ liền nét thay vì 9 đoạn đứt khúc như trước đây.
Theo SCMP, các nhà khoa học Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm và tự tin cho rằng "bằng chứng không thể chối cãi khẳng định chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc" là một bản đồ phụ nằm ở góc của một bản đồ mang tên "Bản đồ phân khu hành chính toàn quốc" xuất bản năm 1951 bởi Quang Hoa và Hội Khoa học Địa chất.
"Bởi vậy, cần phải chờ xem thế nào nhưng rõ ràng chủ trương của Trung Quốc vẫn là muốn ép các quốc gia khác và gác tranh chấp, cùng khai thác, mà thực chất chủ trương này là khai thác trên các vùng thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia khác, không phải thuộc về Trung Quốc.
Điều đó sẽ rất nguy hại cho các quốc gia nếu ký kết thỏa thuận hợp tác như vậy với Trung Quốc.
Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, thời gian qua Biển Đông đã có sự thay đổi cơ bản, phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn trước và dễ xảy ra xung đột.
"Đây là mối quan tâm hàng đầu mà các cơ quan có trách nhiệm phải theo dõi cẩn trọng. Vừa qua đã có một số hội nghị về Biển Đông được tổ chức tốt để lắng nghe ý kiến của các bên, nhất là các học giả có uy tín trên thế giới, giúp Việt Nam có thêm dữ liệu để định hướng hành vi trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng Biển Đông cho phù hợp.
Nếu tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp thì có thể ảnh hưởng đến hiện trạng hiện nay. Chúng ta phải tính toán để lường trước kịch bản từ đó có hành động phù hợp, đồng thời phải kiên trì đấu tranh về ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội lưu ý.
"Nếu COC vẫn đi theo hướng giữ nguyên trạng thì bất lợi cho ASEAN và các nước có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ở Biển Đông. Khi đồng ý COC với những nội dung trước đây — khi chưa có chuyện Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo, lập căn cứ quân sự phi pháp ở một số thực thể trên Biển Đông thì chẳng khác nào chấp nhận sự thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. COC sẽ rất tích cực, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các bên có liên quan khi kế thừa những nội dung cũ và bổ sung thêm các nội dung mới, trong đó có sự ràng buộc giữa các bên. Còn việc ASEAN chưa thống nhất lập trường về Biển Đông là do mức độ liên quan trực tiếp, quyền lợi của mỗi nước ở Biển Đông là khác nhau. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam và các nước trong khối là tiếp tục đấu tranh, làm công tác chính trị, đối ngoại tốt hơn", ông Lê Việt Trường nói.