Để 'cát tặc' lộng hành: cách chức!

Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trong đó có các hình thức chế tài, kỷ luật người đứng đầu từ khiển trách đến cách chức nếu để “cát tặc” lộng hành, tuoitre đưa tin.
Sputnik

Ông Lại Hồng Thanh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN (Bộ TN-MT), trao đổi với Tuổi Trẻ về những quy định mới trong dự thảo nghị định.

Quản lý cát, sỏi theo lưu vực sông

* Nghị định lần này có quy định, giải pháp nào mang tính đột phá để ngăn ngừa tình trạng khai thác cát, sỏi nóng bỏng hiện nay, thưa ông?

— Có 5 chính sách lớn được cụ thể hóa vào trong dự thảo nghị định, đó là những chính sách lớn đã được Chính phủ thống nhất thông qua gần đây.

Thứ nhất, Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật khoáng sản.

Sự vận động, biến đổi của cát, sỏi lòng sông, khai thác cát, sỏi lòng sông liên quan trực tiếp đến mức độ bền vững của lòng, bờ, bãi sông. Do vậy, quản lý cát, sỏi lòng sông không thể tách rời với công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông cũng như các hoạt động khác có liên quan.

Thứ hai, Nhà nước quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông, đồng thời phân cấp gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương; của các bộ, ngành liên quan, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính của từng địa phương.

Thứ ba, Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành liên quan từ khi lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cho đến tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông.

Thứ tư, Nhà nước thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong cấp phép thăm dò, khai thác cát; đấu thầu thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch; đấu giá khối lượng cát, sỏi lòng sông thu hồi được.

Như vậy, khi nghị định này ban hành, có hiệu lực, 100% các địa phương sẽ cấp phép quyền khai thác thông qua đấu giá, sẽ giảm thiểu các hành vi tiêu cực, tăng thu cho địa phương.

Thứ năm, Nhà nước khuyến khích sử dụng các khoáng sản có thể sản xuất cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên; nghiêm cấm việc sử dụng cát, sỏi đủ chất lượng để xây dựng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng.

Bất ngờ phát hiện cán bộ cảnh sát môi trường tử vong sát nhà riêng

* Cùng một lưu vực sông nhưng mỗi địa phương quản lý, cấp phép khai thác một đoạn sông thuộc tỉnh nhà, gây sạt lở, ảnh hưởng tới các địa phương khác. Việc này sẽ được giải quyết ra sao?

— Đúng là có bất cập như vậy. Trong dự thảo nghị định có quy định về trách nhiệm phối hợp của UBND các tỉnh trên cùng một lưu vực sông. Ví như dòng sông Hồng chảy qua địa phận hàng chục tỉnh thành, vậy ai là trọng tài?

Vấn đề ở đây là cần một "trọng tài". Quy hoạch này chỉ là hợp phần của quy hoạch vùng của nhiều ngành khác nhau. Bản chất là điều tiết quy hoạch, cấp phép, sử dụng tài nguyên cát, sỏi lòng sông thông qua một loại hợp phần trong quy hoạch vùng.

Đó là quy hoạch quản lý cát, sỏi theo lưu vực sông, sử dụng cát, sỏi lòng sông theo lưu vực sông.

VN có hơn 300 lưu vực sông ngòi đi qua từ 2 tỉnh trở lên. Người đóng vai trò điều tiết là Chính phủ để tránh tình trạng cát cứ từng địa phương, từ đó quy định quy chế phối hợp giữa các địa phương.

Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch này là Thủ tướng, khi Thủ tướng đã phê duyệt thì các tỉnh sẽ phải tuân thủ theo quy hoạch đó.

Mặt khác, đã là quy hoạch mang tính liên tỉnh, tức là sẽ có đánh giá môi trường chiến lược, sẽ đánh giá tác động của hoạt động khai thác. Khi đó sẽ phải cân nhắc tỉnh nào khai thác nhiều, tỉnh nào khai thác ít.

Sẽ không còn chuyện địa phương này khai thác, địa phương kia không khai thác mà địa phương không khai thác lại chịu ảnh hưởng. Đích cuối ở đây là phải phục vụ mục đích quốc gia, vùng rồi mới tới các địa phương.

Bộ Tài nguyên Môi trường lý giải việc không thanh tra Formosa trong 2018

Chế tài từ khiển trách đến cách chức

* Lâu nay vẫn âm ỉ chuyện "cát tặc" được "bảo kê" nên mới lộng hành, không xử lý được dứt điểm. Trong dự thảo nghị định này, việc xem xét trách nhiệm, hình thức chế tài, kỷ luật với người đứng đầu được quy định ra sao, thưa ông?

— Trong dự thảo nghị định có riêng một điều về xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ liên quan đến trách nhiệm bảo vệ, quản lý thăm dò, khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn mà xử lý.

Có nhiều mức kỷ luật. Đó là khiển trách khi không làm tốt việc tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản, không xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác…

Thứ hai, kỷ luật cảnh cáo khi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông, các loại khoáng sản khác thuộc địa bàn quản lý.

Thứ ba, kỷ luật cách chức khi không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển trái phép cát, sỏi lòng sông, các loại khoáng sản khác thuộc địa bàn quản lý mà gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, dự thảo cũng nêu chủ tịch UBND cấp tỉnh theo thẩm quyền ban hành quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp huyện, cấp xã theo các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định.

* Với những giải pháp mạnh tay nêu trong dự thảo nghị định này, theo ông, tình trạng nhức nhối về "cát tặc" liệu có được xử lý triệt để?

— Chúng tôi chưa dám nói là có xử lý được triệt để hay không, nhưng công tác quản lý cát, sỏi lòng sông chắc chắn sẽ thay đổi, chuyển biến theo hướng tích cực.

Vì đã có quy hoạch có tính định hướng cho các địa phương; có cơ chế khâu nối toàn bộ quy trình quản lý cát, sỏi và đặt ra trách nhiệm người đứng đầu, kể cả điều kiện cấp phép khai thác cũng được thống nhất, minh bạch.

Vì vậy, có thể hi vọng công tác quản lý cát, sỏi lòng sông sẽ có chuyển biến tích cực.

Thảo luận