Phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ, đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa khoa học, quyết đoán và bản lĩnh; bên cạnh đó còn đưa ra các kiến nghị để các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án và hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như công tác quản lý về công nghệ thông tin, viễn thông.
Trong vụ án này, hầu hết các bị cáo đều cảm thấy ân hận, thấm thía về hành vi mình đã làm. Họ mong Tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ để được sớm trở về với gia đình, xã hội.
Phiên tòa công khai, khách quan, đảm bảo an ninh, trật tự
Vụ án đưa ra xét xử 92 bị cáo trong 6 nhóm tội danh được đánh giá là "phiên tòa lịch sử" trong ngành tố tụng của tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung.
Đây là vụ án có quy mô rộng, số lượng bị cáo lớn, mang tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có cả các bị cáo công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật, xảy ra ở Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.
Đây cũng là vụ án đầu tiên xét xử các đối tượng đánh bạc trực tuyến sử dụng công nghệ cao, với số lượng bị cáo đông, rất nhiều bị cáo là người có trình độ xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Quy mô đánh bạc xảy ra trên không gian mạng, không chỉ có trên phạm vi cả nước mà còn cả quốc tế. Tổng thu lời bất chính vào dịch vụ đánh bạc trái phép là hơn 9.000 tỷ đồng.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, thực tế thu hồi lại tiền, tài sản do phạm tội mà có lên đến mức kỷ lục tố tụng tư pháp Việt Nam, thu giữ hơn 1.300 tỷ đồng tiền mặt, kê biên hơn 240 tỷ đồng cùng nhiều tài sản, ô tô, sổ tiết kiệm.
Những người phạm tội trong vụ án đa dạng thành phần, từ không nghề nghiệp đến viên chức nhà nước. Ở giai đoạn 1 đã khởi tố 105 bị cáo ở 24 tỉnh từ Bắc đến Nam, từ trung du, miền núi đến đồng bằng; đã xét xử đối với 92 bị cáo. Để đưa đường dây đánh bạc này ra ánh sáng, riêng số lượng điều tra viên huy động tham gia hơn 100 người chưa kể hậu cần, thời gian điều tra kéo dài 12 tháng.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ, đây là vụ án có số lượng bị cáo rất đông, để đảm bảo công tác xét xử vụ án, ngay từ giai đoạn sau khi khởi tố vụ án, Tòa đã lựa chọn, bố trí các Thẩm phán đủ năng lực, trình độ, phẩm chất để trực tiếp làm việc với cơ quan điều tra, nắm bắt từ giai đoạn đầu, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để hiểu các vấn đề, tội danh liên quan đến vụ án. Qua đó giúp công tác tố tụng, xét xử được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo các quy định.
Và thực tế, dư luận, các bị cáo, và cả những Luật sư từng tham gia rất nhiều phiên tòa đều đánh giá Hội đồng xét xử và nữ Chủ tọa Nguyễn Thị Thùy Hương đã điều hành phiên tòa một cách khoa học, quyết đoán và bản lĩnh. Trong lời nói sau cùng, các bị cáo đều khẳng định phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ, đúng với tinh thần cải cách tư pháp.
Trong vụ án này, Tòa đưa ra xét xử hai bị cáo từng có cương vị cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong giai đoạn 2 của vụ án thể hiện sự kiên quyết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có vùng đặc quyền.
"Trong vụ án có 2 bị cáo từng giữ chức vụ cao trong ngành Công an, tuy nhiên quá trình tố tụng, xét xử, tất cả các bị cáo đều bình đẳng trước pháp luật. Hội đồng xét xử độc lập, luận tội, tuyên phạt căn cứ theo các chứng cứ, hồ sơ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt để áp dụng đúng theo các quy định của pháp luật. Qua đó đảm bảo hình phạt đối với các bị cáo tương xứng với hành vi và hậu quả xảy ra" — Phó Chánh án Vũ Anh Tuấn cho biết.
Các điều kiện, cơ sở vật chất để phục vụ công tác xét xử cũng được Tòa lên kế hoạch và bố trí, như: xây dựng phòng xét xử ngoài trời đảm bảo cho số lượng bị cáo đông, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh, màn hình led trình chiếu chứng cứ, tài liệu…
Bên cạnh đó, Tòa bố trí vị trí tác nghiệp cho báo chí và để người dân vào theo dõi, vì đây là vụ án rất được dư luận quan tâm. Ngoài ra, để đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt quá trình xét xử, Tòa đã phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ, các lực lượng chức năng khác lên các phương án bảo vệ và đảm bảo an ninh, trật tự tại phiên tòa.
Đại tá Phùng Đức Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ quyết định đưa ra xét xử vụ án, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiến hành khảo sát, xây dựng các kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự cho phiên tòa.
Trong số 92 bị cáo thì có 7 bị cáo đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, do đó việc dẫn giải các bị cáo đến phiên tòa và tham gia quá trình xét xử được đảm bảo nghiêm ngặt. Lãnh đạo Công an tỉnh cũng quán triệt tinh thần đến các cán bộ, chiến sỹ chấp hành đúng các quy định tại phiên tòa, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án và hoàn thiện các quy định pháp luật
Liên quan vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, qua quá trình xét xử vụ án, ngoài việc tuyên phạt các hình phạt thích đáng đối với 92 bị cáo, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đưa ra các kiến nghị để các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án và hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như công tác quản lý về công nghệ thông tin, viễn thông.
Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định, vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Công ty CNC), Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Công ty VTC Online) và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội, có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được Nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Từ đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù cùng về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Về hai tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền", bị cáo Nguyễn Văn Dương nhận tổng mức hình phạt 10 năm tù, Phan Sào Nam 5 năm tù. 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt tương xứng với hành vi và hậu quả về các tội: Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Ngoài phần tuyên các hình phạt, Hội đồng xét xử đã kiến nghị cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm các ngân hàng, các nhân viên ngân hàng liên quan trong việc thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua các tài khoản cá nhân với số lượng rất lớn để các đối tượng trong vụ án lợi dụng thanh toán doanh thu tổ chức đánh bạc, từ đó tìm ra kẽ hở của pháp luật trong phòng chống rửa tiền để kiến nghị khắc phục, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
Tòa sơ thẩm kiến nghị: tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 với các công ty, tập đoàn có liên quan hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam nếu có vi phạm xử lý theo quy định; cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sai phạm trong việc cho thuê chỗ đặt máy chủ để vận hành game bài Rikv*/Tipc*b của một số đơn vị, công ty viễn thông, nếu có vi phạm đề nghị xử lý nghiêm minh.
Hội đồng xét xử kiến nghị tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan liên quan có chức năng quản lý trong các lĩnh vực viễn thông nhưng không kiểm tra, phát hiện kịp thời, khi phát hiện không kiên quyết xử lý để đối tượng lợi dụng tổ chức đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài từ 2015-2017 gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Tòa kiến nghị: cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ trong giai đoạn hai của vụ án về tỷ lệ phân chia lợi nhuận kinh doanh của công ty CNC và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) theo bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh được ký kết giữa bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương ngày 10/10/2011; cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ lời khai của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương về việc đưa tiền, của cải cho các cán bộ của Tổng cục Cảnh sát, C50… Nếu có dấu hiệu tội "Nhận hối lộ" thì cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan tố tụng kiến nghị Bộ Công an có cơ chế tuyển chọn chặt chẽ các hoạt động của các công ty nghiệp vụ tránh lợi dụng ưu thế là công ty nghiệp vụ ngành công an để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; sắp xếp cơ cấu tổ chức hợp lý các cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác để phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tránh trường hợp như bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là Cục trưởng C50 nhưng không có trình độ về công nghệ thông tin.
Cơ quan tố tụng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý hoạt động phát hành thẻ cào viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông nhất là thẻ cào này còn sử dụng cho các dịch vụ ngoài lĩnh vực viễn thông.
Cấp sơ thẩm kiến nghị Chính phủ: chỉ đạo Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, tăng cường trách nhiệm quản lý với việc phát hành các loại thẻ có mệnh giá như thẻ game, thẻ đa năng đảm bảo phạm vi và mục đích sử dụng; chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hoàn thiện quy định pháp luật vào việc phối hợp quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán. Trong đó, đề xuất quy định chặt chẽ với việc thanh toán gạch thẻ.
Cuối cùng, Tòa kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý việc cấp phép trò chơi điện tử, quảng cáo trên mạng viễn thông.
Trao đổi với báo chí sau phần tuyên án, Luật sư tham gia phiên tòa — Hoàng Văn Hướng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng) đánh giá phiên tòa công khai, khách qua, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp, mang đậm tính nhân văn.
Bên cạnh đó, Luật sư nhấn mạnh những kiến nghị của bản án sơ thẩm về loại hình tội phạm mới — tội phạm sử dụng công nghệ cao, kiến nghị về các "lỗ hổng" của hệ thống pháp luật là cơ sở để nghiên cứu hoàn thiện luật pháp.