Nghĩ về “phương cách đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng

Chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, Uỷ Ban Kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn cán bộ, đảng viên đương chức và về hưu. Đã có 59 cán bộ diện Trung Ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 ủy viên, nguyên ủy viên Trung Ương Đảng, kỷ luật khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị.
Sputnik

Có lẽ trước hết, cũng nên thẳng thắn nhìn nhận, đó là mặc dù đã được Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký quyết định ban hành từ năm 2006, song trải qua hơn một thập kỉ, Luật phòng, chống tham nhũng không phát huy hiệu quả như mong đợi. Tình trạng tham nhũng ngày một tinh vi, vụ sau cao hơn vụ trước, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước cả ở qui mô cũng như mức độ tinh vi.

Mọi con đường đều dẫn tới Kiên Giang?

Song gần đây, đặc biệt là từ khi "lò" chống tham nhũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "châm lửa", nhiều vụ án lớn đã được phanh phui.

Chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, UB Kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng đã kỷ luật nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn cán bộ, đảng viên đương chức và về hưu.

Đã có 59 cán bộ diện T.Ư quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, kỷ luật khai trừ 1 ủy viên Bộ Chính trị.

Nhiều vụ án lớn, tưởng như bất khả xâm phạm đã bị đưa ra xét xử, mang lại niềm tin cho quần chúng nhân dân và sự phấn khởi đối với doanh nhân, doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, góp phần to lớn trong tăng trưởng kinh tế cũng như tăng thứ hạng trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư nước ngoài.

“Vua sáng thì dân vinh”, “Quan đần - dân khổ”, “Quan tham - dân khốn"
Phương cách phòng chống tham nhũng của Đảng mà người đứng đầu là TBT, Chủ tịch nước là như thế nào mà đem lại hiệu quả như vậy?

Theo người viết bài này, có thể đúc kết lại như sau.

Đó là kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ. Có lý, có tình, thận trọng, không nóng vội, tránh oan sai và đặc biệt là phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Về kiên quyết, kiên trì, có thể nói Bộ Chính trị mà đứng đầu là TBT rất quyết tâm trong việc chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng đến cùng, không có vùng cấm.

Việc này không phải là làm theo phong trào, lúc lên, lúc xuống mà kiên nhẫn, bền bỉ, không ngừng nghỉ. Tóm lại, ngày nào còn cầm quyền thì ngày đó, Đảng còn phải phòng, chống tham nhũng một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc xử lý luôn có lý, có tình, có cân nhắc công — tội. Có tăng nặng, có khoan hồng khiến đối tượng tâm phục, khẩu phục. Trước tòa, ông Đinh La Thăng và nhiều bị cáo khác như Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa dù bị xử lý nặng vẫn gửi lời xin lỗi Đảng, ông Thăng còn xin lỗi cá nhân Tổng Bí thư.

Ông Đinh La Thăng vẫn quả quyết về sự đồng ý của Thủ tướng trong đại án PVN mất 800 tỷ
Song, không vì thế mà kém phần nghiêm khắc trên quan điểm phát hiện sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.

Ông Đinh La Thăng lúc đầu phát hiện sai phạm ở mức cách chức thì cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, điều chuyển từ Bí thư Thành ủy TP HCM về làm Phó Ban Kinh tế Trung ương. Sau này, phát hiện sai phạm tiếp theo thì cách chức UV Trung ương và khi phát hiện tội thì truy tố.

Vụ Phan Văn Anh Vũ cũng tương tự. Lần xử trước đây, Vũ bị phạt 5 năm tù, dư luận cho rằng quá nhẹ. Thế nhưng sự việc không phải như vậy. 5 năm tù mới là chỉ xử một vụ việc lộ bí mật quốc gia. Sắp tới đây, Vũ ít nhất phải đối mặt với 2 phiên tòa nữa về lĩnh vực đất đai và chiếm đoạt tài sản…

Vụ xử lý một loạt cán bộ đã nghỉ hưu cũng như vậy. Đã có ý kiến cho rằng xử mấy ông nghỉ hưu thì không nhiều giá trị vì họ đã hạ cánh rồi.

Thế nhưng nhìn sâu xa, đây là "đòn cân não" mang tính răn đe rất cao. Vụ việc khởi tố ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nghỉ hưu 6 năm là một thông điệp mạnh mẽ rằng đã vi phạm thì còn sống ngày nào, còn đứng trước nguy cơ bị phát hiện, xử lý ngày đó.

Bộ Công an đang làm rõ 'tấm thẻ ngành' của Phan Văn Anh Vũ
Đối tượng xử lý cũng hết sức đa dạng. Nghỉ hưu có, chuyển công tác có, đương chức có và thậm chí đang thi hành án, khi phát hiện vẫn tiếp tục qui trách nhiệm. Việc xử lý không có vùng cấm từ UV BCT cho đến cán bộ, đảng viên nếu sai phạm đều không có chuyện "tha".

Theo người viết bài này, với phương cách phòng, chống tham nhũng hiện nay, có thể nói Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa sâu sắc phương cách của cha ông để lại. Đó là "Đánh chuột, không để vỡ bình", "Trị một người, cứu vạn người" và "Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại".

Nghiêm khắc và nhân văn, đặc biệt là lấy giáo dục, răn đe làm đầu mới là phương cách phòng, chống tham nhũng sâu xa nhất.

Thảo luận