Sau tuyên bố chấn động về chỉnh sửa gen người, nhà khoa học Trung Quốc "biến mất bí ẩn"

Ông Hạ Kiến Khuê - nhà khoa học Trung Quốc có tuyên bố chấn động về việc tạo ra hai em bé được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới hồi tháng trước, đã biến mất bí ẩn, báo Pháp luật TP.HCM dẫn nguồn tin cho biết.
Sputnik

Ông Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học đến từ ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc (TQ), tuần trước gây chấn động thế giới sau khi tuyên bố ông đã chỉnh sửa gen thành công cho hai bé gái sinh đôi để giúp các em có khả năng miễn nhiễm với virus HIV trong suốt cuộc đời của chúng.

Bác sĩ Việt khó tin Trung Quốc biến đổi gen người chống HIV

Theo giới truyền thông, kể từ sau khi xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa gen người ở Hong Kong hôm 28-11 và ra tuyên bố chấn động trên, ông Hạ Kiến Khuê dường như biến mất bí ẩn. Điều này dấy lên đồn đoán rằng ông Hạ có thể đã bị quản thúc sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra các thí nghiệm của ông.

Một số thông tin cho hay ông Hạ bị quản thúc tại gia ở TP Thâm Quyết sau hội thảo khoa học ở Hong Kong hôm 28-11. Tờ Apple Daily hôm 2-12 cho biết ông Hạ được hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ phương Nam đón về Thâm Quyến. Cả hai đã có cuộc họp kéo dài sáu giờ về nghiên cứu gây tranh cãi của ông Hạ.

Cũng theo tờ báo này, hiệu trưởng Chen cũng bị quản thúc tại khuôn viên trường ĐH và có nhân viên an ninh túc trực quanh trường.

Ông Hạ Kiến Khuê tại hội thảo khoa học về chỉnh sửa gen người ở Hong Kong hôm 28-11

Trung Quốc: Cặp song sinh chỉnh gen đầu tiên trên thế giới, có khả năng chống nhiễm HIV
Phản hồi trước các thông tin trên, một phát ngôn viên của trường ĐH nói trên cho biết tin đồn ông Hạ bị quản thúc là không đúng.

"Hiện giờ không có thông tin nào là chính xác ngoại trừ thông tin từ các nguồn chính thống" — người này nói và cho biết thêm trường sẽ không bình luận thêm về tung tích của ông Hạ Kiến Khuê.

Trước đó, ông Hạ tuyên bố gen của cặp sinh đôi có tên Lu Lu và Na Na đã được chỉnh sửa để có khả năng chống lây nhiễm virus HIV/AIDS từ chính cha mẹ mắc bệnh của mình. Ông tuyên bố hai bé gái song sinh này được sinh ra "khỏe mạnh và bình thường".

Tuy nhiên, tuyên bố trên của ông Hạ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ trong giới khoa học. Họ cho rằng những thí nghiệm như vậy có thể vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức và quy tắc học thuật, hơn nữa việc này tiến hành không minh bạch. Các nhà khoa học nhận xét, việc chỉnh sửa gen thậm chí có thể làm giảm sức đề kháng của trẻ đối với một số căn bệnh dù là thông thường.

Thảo luận