Tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra ngày 4/12, đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, PGS.TS Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, toàn thế giới đang trải qua những biến đổi mang tính cách mạng.
Sự va đập giữa các cường quốc sẽ tạo ra trật tự thế giới mới. Nổi lên trong thời gian tới sẽ là các quốc gia có 3 đặc điểm, bao gồm: có khát vọng vươn lớn; độ tổn thương cao, không đổi mới sẽ sụp đổ; năng lực quản lý và thiết kế chiến lược cho tương lai. Ông Khương đánh giá, Việt Nam đều có 3 yếu tố này rất rõ ràng.
"Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, hội nhập của Việt Nam với thế giới nhanh hơn hội nhập của Việt Nam với ASEAN. Việt Nam đang trở thành trụ cột, động lực hội nhập quốc tế của ASEAN", ông Khương nhận định.
Theo đó, những va đập lớn giữa các cường quốc, biến động nhanh về công nghệ toàn cầu đòi hỏi Việt Nam thay vì chỉ tập trung đương đầu với những sự cố hiện tại, cần thiết kế chính sách dài hạn cho tương lai 20 — 30 năm tiếp theo. Tuy nhiên, Việt Nam muốn có chính sách đặc biệt phải đứng trên vai người khổng lồ. Nhìn vào các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… phải làm sao để những gì Việt Nam thiết kế ra, các nước khác phải đi theo học hỏi.
"Giữa những va đập lớn giữa các cường quốc, biến động nhanh về công nghệ toàn cầu, Việt Nam nên nhân dịp này, thiết kế ngôi nhà cho tương lai. Đây là lúc cả thế giới sẽ nhìn xem ai là người phất lên ngọn cờ cải cách qua cuộc va đập lớn này. Việt Nam sẽ đi chậm lại, hay đi rất nhanh, chúng ta sẽ có câu trả lời trong 3 năm tới", PGS.TS Vũ Minh Khương nói.
Trung Quốc là thị trường tiềm năng
Giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ — Trung có dấu hiệu leo thang, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, Mỹ sau khi giải quyết xong với Trung Quốc sẽ tìm tới Việt Nam. Nguyên nhân là do giá trị thương mại của Việt Nam so với Mỹ tăng trưởng rất nhanh so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, quan hệ thương mại Việt — Mỹ nặng về xuất khẩu, trong khi nhập khẩu hạn chế.
Tính riêng trong 2017, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 41,6 tỉ USD sang thị trường Mỹ, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ chỉ đạt 9,2 tỉ USD. Nhờ vậy, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2017, đạt 32,4 tỉ USD. Điều này có thể khiến Việt Nam chịu tổn thương kép do thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ.
Trong khi đó, thời gian gần đây, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhanh, ông Khương đánh giá, đây là một tín hiệu đáng mừng.
"Chúng ta phải thâm nhập sâu hơn thị trường này. Đây là thị trường nhiều tiềm năng, bởi sau khi Trung Quốc tôn trọng luật chơi với thế giới, sau những cam kết với Mỹ, đây sẽ là thị trường lý tưởng của Việt Nam", PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Việt Nam không chỉ kề cận với Trung Quốc về mặt địa lý, mà còn có ảnh hưởng về uy tín, chất lượng. Việt Nam cũng có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thời gian tới. Năm 2017, tỷ trọng tại 5 thị trường lớn chiếm gần 70% xuất khẩu Việt Nam. Theo ông Khương, Việt Nam cần bỏ thời gian để nghiên cứu. Một quốc gia muốn tiến nhanh phải gắn sâu với các quốc gia phát triển và phải chơi cuộc chơi của họ. Năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển.
PGS.TS Vũ Minh Khương đánh giá, Trung Quốc là quốc gia có khả năng ứng đáp chiến lược rất tốt. Thách thức càng lớn, Trung Quốc càng mạnh lên chứ không yếu đi trong thời gian tới.
"Việt Nam phải chuẩn bị cho một Trung Quốc mạnh lên. Bởi trước những đòi hỏi từ Tổng thống Donald Trump và các quốc gia khác, Trung Quốc đang lắng nghe, tìm phương án tối ưu để phát triển bởi tham vọng phát triển của họ rất lớn. Chắc chắn Trung Quốc sẽ có ứng đáp vừa có lợi nhất cho họ, vừa làm Mỹ thỏa mãn. Trật tự thế giới sẽ tiến tới một nấc thang mới trong vài năm tới, Việt Nam phải trở thành đối tượng chói sáng trên trường quốc tế, thể hiện thông qua cải cách", ông Khương khuyến nghị.
Việt Nam phải đứng ở hàng đầu của dòng chảy thời đại
PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, chúng ta phải định vị Việt Nam xứng đáng hơn, "đứng ở hàng đầu của dòng chảy thời đại". Trong bài toán chiến lược, Việt Nam cần đi trước, xem các nước đang làm thế nào để có ứng đáp và chuẩn bị cho những điều có thể xảy ra trong thời gian tới.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một chiến lược rõ ràng, trong 10-20 năm thậm chí là 50 năm tới chúng ta phải làm gì. Bên cạnh đó, phải có giám sát, có chỉ số đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Ngoài ra, cần có người chịu trách nhiệm. Hiện tại, các bộ ngành đang chồng chéo, nhiều bộ cùng quản lý một chỗ dẫn đến tình trạng không ai chịu trách nhiệm.
Chuyên gia Vũ Minh Khương nhận thấy rằng, Việt Nam đang coi mạnh phát triển thị trường, nhưng lại coi nhẹ thể chế. Để giảm thiểu tổn thương, để gia tăng sức chống chọi của nền kinh tế, ông hiến kế Việt Nam cần hoạch định một chiến lược hiệu lực để biến điểm dễ tổn thương của đất nước thành lợi thế chiến lược. Đồng thời, nên thành lập hội đồng cải biến kinh tế với trọng tâm đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy các nỗ lực bắt kịp.
Đặc biệt, Việt Nam cần đi đầu trong nắm bắt và thúc đẩy thương mại tư do và công bằng. Tránh sa vào cạm bẫy bảo hộ thương mại, nhất là trong nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ và ứng đáp với các thách thức của cách mạng số…
"Chúng ta phải có những nỗ lực đến mức khiến thế giới ngạc nhiên, thậm chí kinh ngạc", PGS.TS Vũ Minh Khương đặt ra vấn đề với Chính phủ Việt Nam.