Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF) và Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF), vừa diễn ra vào ngày 4 và 5/12 tại Tòa nhà Lotte Center Hà Nội, một trong những tòa nhà cao nhất Việt Nam do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, đã chứng kiến sự tham gia đông đảo của các hiệp hội, chuyên gia nước ngoài.
Các ý kiến đều đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ của Chính phủ dưới sự chèo lái của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Là một trong những diễn giả tại VRDF, diễn đàn thường niên, năm nay được tổ chức lần thứ nhất, thay thế Diễn đàn Phát triển Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, những thành tựu kinh tế — xã hội mà Việt Nam đã đạt được rất nổi bật. Trong suốt 30 năm qua, nền kinh tế đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh.
Sự tăng trưởng của Việt Nam cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980. Nhưng, theo ông Ousmane Dione, hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong quá khứ không bảo đảm cho sự thành công trong tương lai.
Trên cơ sở đó, ông Ousmane Dione đề xuất 4 ưu tiên chính. Thứ nhất, ông nhấn mạnh, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, mặc dù hiện tại còn nhiều hạn chế về tài chính, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai.
"Thứ ba, chúng ta không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", ông Ousmane Dione lưu ý.
Theo đó, đầu tư vào vốn nhân lực sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận theo toàn bộ chu kỳ với những nỗ lực phối hợp hiệu quả để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, giáo dục suốt đời và đào tạo kỹ năng.
Thứ tư, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn.
"Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn", ông Ousmane Dione cho biết.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là để thực hiện 4 nội dung ưu tiên này sẽ cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả. Thể chế thị trường hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển.
"Cuối cùng, vấn đề không kém phần quan trọng, đó là nguồn vốn ODA hiện có sẽ phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân", ông Ousmane Dione nói.
Bởi vậy, ông Sudhir Shetty cho rằng, Việt Nam phải có những định hướng chính sách mới, để làm sao giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn, cũng như tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư…
Trong khi đó, tại Diễn đàn VBF cuối kỳ năm 2018, một kênh đối thoại chính sách quan trọng giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, diễn ra ngày 4/12, ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc đã làm nổi bật rủi ro của các cơ sở sản xuất tập trung ở một quốc gia đơn lẻ và đang kích hoạt việc tái tổ chức chuỗi cung ứng.
Một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài.
Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng với sự dịch chuyển đầu tư, Việt Nam đang có thể đạt được lợi ích. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng triệt để cơ hội này để tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
"Tất cả chúng ta ở đây đều muốn bảo đảm rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam. Quan trọng hơn, các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát và khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được", ông Michael Kelly bày tỏ.
Đại diện AmCham cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây.
"Các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển và mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch", đại diện Amcham khuyến nghị.
Theo ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), mặc dù Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn rất khó để bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 do đặc thù tập trung vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Vì vậy, theo ông, điều quan trọng vẫn là Chính phủ phải có chính sách bồi dưỡng nguồn nhân lực kỹ thuật và chuyên môn cần thiết cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, mặc dù việc này cần có thời gian và nguồn vốn.
Tại các Diễn đàn nêu trên, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã hoan nghênh, đánh giá cao các ý kiến quý báu của các chuyên gia, hiệp hội và giao cơ quan chức năng tiếp thu, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Chính phủ.