Lỗ hổng tùy tiện xác định giá đất
Sáng 6/12, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo "Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra". Theo TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước, thời gian qua, việc phát huy sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản và việc bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhanh về kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội.
Về quản lý đất đai, những hạn chế đã được chỉ rõ tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng, như việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực thất thu NSNN trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn; nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây là do chấp hành pháp luật đất đai không nghiêm.
Tổng kiểm toán lấy ví dụ về sự bất cập của chính sách trong áp dụng phương pháp xác định giá đất. Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào do đó các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.
Theo Tổng Kiểm toán, phương pháp xác định giá đất theo phương pháp thặng dư được áp dụng phổ biến nhất hiện nay phụ thuộc 2 yếu tố là doanh thu phát triển bất động sản và chi phí phát triển. Cả 2 yếu tố này đều xây dựng trên phương án giả định tài sản so sánh chọn mẫu thiếu chính xác; thời gian xây dựng giá và thời gian giao đất khác nhau và chi phí suất đầu tư, chi phí đền bù khác nhau.
Do đó, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người tính toán, chỉ một điều chỉnh nhỏ của giá tài sản so sánh, hệ số điều chỉnh quy đổi dòng tiền, thay đổi suất đầu tư, chi phí đền bù, dự phòng…đã tác động thay đổi giá đất định giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi tránh lợi dụng, bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí.
"Sự phối hợp thiếu chặt chẽ và kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý đất đai, môi trường và khai thác, kinh doanh khoáng sản giữa các cơ quan có thẩm quyền là một yêu cầu cấp thiết cần phải được tăng cường", ông Phớc bày tỏ.
Lạm dụng chức vụ có tổ chức
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2014 — 2018, dù Luật Đất đai 2013 ra đời, song sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý. Các mức độ vi phạm diễn ra từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội, điển hình như vụ việc Út "trọc", Vũ "nhôm", Thủ Thiêm…
"Đặc điểm nổi bật trong sai phạm về lợi dụng chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai là hiếm khi thực hiện cá nhân đơn lẻ mà thường có tổ chức, theo nhóm, có sự dung túng, bao che của nhiều cán bộ và tổ chức có liên quan. Nguyên nhân cơ bản là do sự buông lỏng quản lý của cấp có thẩm quyền, thậm chí dung túng, lạm quyền", ông Ánh cho hay.
Giải pháp ngăn chặn các sai phạm đang tồn tại, theo TS Vũ Đình Ánh, cần bịt những lỗ hổng pháp lý đã và đang tạo điều kiện phát sinh vi phạm, thậm chí tránh né sự trừng phạt của pháp luật. Những quy định pháp luật cần tập trung sửa đổi hoàn thiện liên quan đến giá trị quyền sử dụng đất, phân phối lợi ích khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất…