Ngân hàng nhà nước xin giảm nhẹ tội cho ông Bình: Không phù hợp

Đại diện NHNN đã xin tòa giảm trách nhiệm cho các bị cáo là không phù hợp...theo báo Đất Việt.
Sputnik

Không đồng tình với ý kiến biện hộ của đại diện Ngân hàng nhà nước cho sai phạm của ông Đặng Thanh Bình — nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà Nước và 4 thành viên Tổ giám sát NHNN  (đặt tại Ngân hàng Xây dựng — VNCB) tại phiên xử phúc thẩm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng diễn ra ngày 6/12, DDBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng có dấu hiệu bao che.

Ngân hàng Nhà nước xin tòa giảm nhẹ cho ông Đặng Thanh Bình

Dẫn lại thông tin diễn biến tại phiên tòa, vị đại biểu phân tích:

"Tại phiên xử, đại diện VKS Cấp cao tại TP HCM cho rằng, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN về việc cơ cấu lại TrustBank (tiền thân của VNCB), ông Bình cùng đồng phạm phải có trách nhiệm xác minh năng lực tài chính nhóm đầu tư mới của ông Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch VNCB) để đảm bảo nguồn tiền đầu tư vào ngân hàng. Tuy nhiên, những người này đã thiếu trách nhiệm, tạo điều kiện cho ông Danh gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng của VNCB. VKS xác định, với trách nhiệm người đứng đầu, sai phạm của ông Bình là nguyên chính dẫn tới đổ vỡ phương án tài tái cơ cấu.

Như vậy, hành vi sai phạm cũng như tội danh của ông Đặng Thanh Bình cùng các thành viên Tổ giám sát NHNN đã được cơ quan điều tra tiến hành điều tra trong cả một thời gian dài để đi đến kết luận, xác định tội danh rất rõ ràng.

Phiên xử đã diễn ra trước tòa, với phần luận tội của VKS, của cơ quan điều tra, phần bào chữa của bị cáo và các luật sư, trong đó, các bị cáo cũng thừa nhận sai sót và chỉ xin giảm nhẹ tội.

Ông Đặng Thanh Bình: "Thống đốc mới là người quyết định cuối cùng!"
Cá nhân ông Đặng Thanh Bình được xác định là nguyên nhân chính khiến sai sót xảy ra và làm VNCB bị mất 15.000 tỷ đồng, đây là số tiền rất lớn, không phải vài ba đồng.

Đại diện NHNN có mặt tại tòa cho rằng, thời điểm đó việc tái cơ cấu VNCB không thể trì hoãn, và chỉ có nhóm nhà đầu tư Thiên Thanh xin tham gia. NHNN đã luôn giám sát để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình xây dựng và triển khai phương án tái cơ cấu.

Đồng thời khẳng định, ông Bình đã nỗ lực nghiên cứu vấn đề phát sinh, tuân thủ đúng pháp luật, tìm hướng chỉ đạo tái cơ cấu. Các thành viên tổ giám sát làm nhiệm vụ nặng nề, phức tạp. NHNN nhận thấy tổ giám sát là những cán bộ có tinh thần trách nhiệm, kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cho thấy nỗ lực của ông Bình và tổ giám sát. Đại diện NHNN đã xin tòa giảm trách nhiệm cho các bị cáo là không phù hợp và khó chấp nhận được", vị ĐB đoàn Đồng Tháp nêu quan điểm.

Cho rằng, việc xin giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo không phù hợp bởi hai lẽ, ông Phạm Văn Hòa tiếp tục chỉ rõ: Nếu nói đã giám sát chặt chẽ thì tại sao sai sót vẫn xảy ra? Tại sao lại để thất thoát tới 15.000 tỷ đồng mà không phát hiện được?, không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời?

Nguyên phó thống đốc Đặng Thanh Bình không biết có bị oan không
Phải chăng, phương án giám sát trong quá trình thực hiện cổ phần hóa tại VNCB ngay từ đầu đã có vấn đề? Hoặc cá nhân ông Bình được phân công để giám sát, chỉ đạo việc cổ phần hóa nhưng đã không làm tốt trách nhiệm, chỉ đạo mang tính hình thức, gây hậu quả nghiêm trọng?

Nếu thật sự có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, tôi tin, sai sót đã được phát hiện sớm và sẽ được ngăn chặn kịp thời. Số tiền thất thoát cũng không lớn như vậy", ông Hòa nói.

"Đứng về mặt tình — lý, có cái đúng nhưng cũng có cái sai. Đại diện NHNN bảo vệ con người, nhân sự thuộc NHNN về tình là đúng. Nhưng, những hạn chế, sai sót của cá nhân ông Bình cũng như quá trình diễn ra cổ phần hóa tại ngân hàng VNCB là rất rõ ràng, với vai trò quản lý nhà nước NHNN cũng phải chịu trách nhiệm về việc này. Trường hợp này, đại diện NHNN lại có những lời lẽ biện hộ, xin giảm trách nhiệm cho cán bộ của mình là không phù hợp", ông Hòa nhấn mạnh.

Vị ĐBQH cho rằng, trong vụ việc này Tòa án cũng như VKS phải xử lý hết sức khách quan, công tâm, giữ vững tính kỷ cương, nghiêm minh của pháp luật.

Thảo luận