Dự cuộc họp báo thông tin hoạt động công bố luật của Chủ tịch nước sáng 11/12/2018, giới thiệu nội dung cơ bản của luật Công an nhân dân năm 2018, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết, luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị "về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
"Luật CAND năm 2018 là cơ sở pháp lý trực tiếp, quan trọng để lực lượng CAND nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho, trọng tâm là đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Một trong những điểm nổi bật của luật lần này là quy định về thời hạn thăng mỗi bậc hàm cấp tướng tối thiểu là 4 năm. Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ bị giáng cấp bậc hàm, sau 1 năm kể từ ngày bị giáng cấp bậc hàm, nếu tiến bộ thì được xét thăng cấp bậc hàm.
Tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng không quá 57 tuổi; trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước.
Đáng chú ý, tại Điều 24 quy định về chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND đã không còn quy định chức danh Tổng cục trưởng. Theo đó, hệ thống sĩ quan công an có các chức danh: Bộ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng, Tư lệnh; Giám đốc công an tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; Trưởng phòng, Trưởng công an cấp huyện, Trung đoàn trưởng; Đội trưởng, Trưởng công an cấp xã, Tiểu đoàn trưởng; Đại đội trưởng; Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng.
Điều 24 của luật cũng quy định về cấp bập hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND gồm có: Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an nhưng không quá 6 người.
Đồng thời, luật quy định rõ cấp bậc hàm Trung tướng không quá 35 người; cấp bậc hàm Thiếu tướng không quá 157. Đối với cấp bậc hàm Thiếu tướng có Giám đốc công an tỉnh, thành trực thuộc TƯ ở đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 nhưng không quá 11 người; Phó Giám đốc công an TP Hà Nội, TPHCM nhưng không quá 3 người mỗi nơi.
Luật Công an nhân dân năm 2018 gồm 7 chương, 46 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, tăng 1 điều (trong đó bỏ 2 điều, bổ sung 3 đỉều), sửa đổi, bổ sung 40 điều.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm thấp nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, luật gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Theo Thượng tướng Lê Chiêm, việc Quốc hội ban hành luật CSBVN thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Luật CSBVN xác định rõ vị trí, vai trò của CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển.
Luật quy định 7 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn của CSBVN và hoạt động của CSBVN như phạm vi hoạt động của CSBVN; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, tàu thuyền, thiết bị kỹ thuật dân sự; truy đuổi tàu thuyền; công bố, thông báo, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp 2013 về các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân trong luật.