Sau 2 giờ bỏ phiếu tại Ủy ban Phòng 14 tại Hạ viện Anh, Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ Graham Brady cho biết 200 nghị sỹ đảng Bảo thủ đã bỏ phiếu ủng hộ bà May với tư cách Thủ tướng trong khi 117 nghị sỹ phản đối.
Sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lãnh đạo đảng, những người ủng hộ cho rằng đảng Bảo thủ nên ủng hộ bà May trong nỗ lực đưa Anh rời Liên minh châu Âu, trong khi các nghị sỹ bỏ phiếu chống quả quyết việc để Thủ tướng Anh đương nhiệm tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ trong ít nhất 12 tháng tới sẽ ngăn cản tiến trình Brexit.
"Đây là một kết quả tồi tệ. Bà May phải nhận ra rằng theo quy định của Hiến pháp, bà phải đến gặp Nữ hoàng và xin từ chức", ông Jacob Rees-Mogg, lãnh đạo của nhóm nghị sỹ có quan điểm cứng rắn ủng hộ Brexit nói với BBC.
Trước cuộc bỏ phiếu, bà May, người từng bỏ phiếu để Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 cảnh báo tiến trình Brexit sẽ bị trì hoãn hoặc thậm chí là hủy bỏ nếu bà bị các nghị sĩ Bảo thủ lật đổ.
Bà cũng tìm cách giành niềm lấy niềm tin từ các nghị sỹ đảng Bảo thủ bằng cách hứa sẽ từ chức trước cuộc bầu cử năm 2022.
Lên tiếng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà May cho biết chính quyền của bà sẽ tiếp tục với tiến trình Brexit và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn đối với Anh. Tuy nhiên, hơn 1/3 các nhà lập pháp Anh cho rằng bà đã không còn là nhà lãnh đạo phù hợp trong nỗ lực đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Brexit là quyết định chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Anh kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Những người ủng hộ châu Âu lo ngại sự ra đi của Anh sẽ làm suy yếu Liên minh châu Âu khi các nước ở lục địa già đang vật lộn với các chính sách cứng rắn của chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump và sự quyết đoán ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc.
Brexit cũng sẽ định hình nền kinh tế của Anh, tạo ra các hệ quả sâu rộng và xác định liệu London có còn giữ vị trí là một trong hai trung tâm tài chính hàng đầu trên toàn cầu hay không.