Trong không gian tươi sáng của các sắc phục dân tộc Việt Nam và Nga, trong tiếng nhạc vừa rộn rã vừa sâu lắng của những bài ca Nga và Việt Nam, trong niềm vui và tiếng cười gặp gỡ của những người đã từng sống và làm việc ở Liên Xô trước đây và các bạn Nga, Belarus, Kazakhstan,… chàng trai Pavel Ungerov xúc động nói với ông Đinh Văn Hiền, người có công rất lớn trong việc giúp anh tìm được người cha Việt của mình: "Bác Văn Hiền ơi, con không ngờ giữa thủ đô của một đất nước xa nước Nga thế này mà con cảm thấy như đang ở Moskva. Và còn hơn thế nữa! Con cám ơn quê cha đã cho con nhận được những tình cảm quá nồng ấm như thế này!".
Trên khuôn mặt và trong ánh mắt của hai cha con, ông Lê Văn Phiên và anh Pavel Ungerov, hạnh phúc và niềm vui ngập tràn…Hạnh phúc và niềm vui cũng ngự trị trong ánh mắt của những người bạn Việt Nam giúp hai cha con đoàn tụ.
Đằng sau hạnh phúc ấy là những giọt nước mắt, những nỗi đau, những dằn vặt của những tâm hồn trong 28 năm xa cách. Đằng sau hạnh phúc ấy là những tấm lòng vị tha, mong muốn hướng về cội nguồn, những nỗ lực không hề nhỏ của những người bạn Việt Nam.
CÂU CHUYỆN 28 NĂM TRƯỚC
"Năm 1990, một năm trước khi Liên Xô sụp đổ, tình hình ở Nga đã bắt đầu có thay đổi và phức tạp. Người Việt đang lao động bên đó theo Hiệp Định Liên Chính Phủ ký năm 1981 cũng bị ảnh hưởng. Lê Văn Phiên, bố của cháu Pavel Ungerov, nằm trong số những người phải về nước không một tí đồ đạc mang theo, dù có con mới 5 tháng", — ông Đinh Văn Hiền, người tìm được ông Lê Văn Phiên — bố Việt của anh Pavel Ungerov, nói với Sputnik.
"Từ nhỏ tôi đã biết cha tôi là người Việt Nam. Cả tuổi thơ và cuộc đời mình tôi luôn muốn tìm cha, nhưng tôi đã sợ và thực sự là không biết, tôi có cần điều đó hay không. Nhưng khi lớn lên, tôi hiểu rằng mình cần tìm cội nguồn của mình", — anh Pavel Ungerov đầy xúc động chia sẻ với phóng viên Sputnik.
TÌM CHA
"Thế là tôi đã viết trên trang facebook của mình một bài về việc tìm cha mình. Một cô gái quen, sống ở Việt Nam đã đăng bài của tôi trên trang các nhóm của mình", — anh Pavel Ungerov tiếp tục câu chuyện của mình, — sau đó một thời gian ông Văn Hiền liên lạc với tôi và thông báo cho tôi là bố tôi còn sống và sẽ giúp tôi liên lạc với bố. Chỉ vài ngày sau tôi và bố đã liên lạc qua chat".
"Tháng 4/2018, đang lang thang trên mạng Contact, tôi bắt gặp một bức hình đã úa vàng và nứt rạn chân chim, trương to ra thì đúng là người Châu Á, nhìn sang bên thì là một bức thư TÌM CHA. Tôi liền đem về trang của mình sau khi đã dịch cặn kẽ ra tiếng Việt. Thì một hiệu ứng không ngờ xảy ra: sau 5 ngày bài post của tôi trong các trang mạng xã hội đã nhận được gần 2.000 lời bình. Tôi rất mừng, chí ít thì đã có cộng hưởng xã hội. Trong thư Pavel có viết: "cha tôi có thể đã bị giết. Xin xác minh lại cho tôi…". Tuy nhiên vì Pavel đề là Ly Van Fu mà tên thật là Lê Văn Phiên, nên không thể xác minh ngay ra ai được. May mà bức ảnh tuy rạn chân chim nhưng mắt, mũi rất rõ, người quen biết nhìn vào là nhận ra được ngay. Thế là tới ngày thứ 6 tôi có vài cú điện thoại từ trong Nam và Phú Thọ gọi đến. Cú trong Nam là của người yêu cũ của Lê Văn Phiên, cô Yến Phượng. Sau khi Phiên bị trục xuất do Công An tỉnh xa bắt đang vận chuyển mấy kg vàng lên Moskva, cô này đã nhờ ba mẹ ở Sài Gòn cưu mang thời gian đầu Phiên về nước, bởi Phiên ra sân bay chỉ có mỗi bộ quần áo và đôi dép lê. Cay đắng ra về, không một chút của nả sau 3 năm làm việc, để lại đứa con trai đang đỏ hỏn 5 tháng, Phiên buồn chán, đã có những ý nghĩ tiêu cực. Bởi vậy, dù có nhớ vợ con, Phiên đành nuốt hận và cố quên mối tình ấy và đứa con ấy. Cuối những năm 90, Phiên vì lao tâm khổ cực, làm việc quần quật để cố gây dựng lại cho mình một cuộc sống bình thường, thì tai họa ập đến: tai biến. Chân bị lê lết. Khả năng kiếm tiền không còn nhiều. May mà có một người con gái cùng quê Trường Xuân-Thanh Hóa đem lòng yêu mến và xây dựng gia đình tại Đà Nẵng. Với người vợ này Phiên đã có một con trai và nay con đang đi nghĩa vụ quân sự.
Khi Pavel tìm cha, khi cả mạng xã hội Việt Nam đang rầm rộ vì việc này, thì Phiên không hề biết gì, bởi Phiên sống dựa vào vách núi ngoài vi TP Đà Nẵng, lại chỉ có chiếc điện thoại cục gạch nên không bắt được mạng. Ngày thứ 8 tôi được em rể Phiên gọi đến. Tôi mừng. Thế là có người nhà rồi. Tôi dặn dò kỹ lưỡng. Bởi trong lòng vẫn nghi hoặc, biết đâu Phiên không dám nhận con vì sợ phá vỡ hạnh phúc tổ ấm mỏng manh hiện có của mình. Người nhà của Phiên cất công vào Đà nẵng theo gợi ý của tôi, bắt đầu tiến hành công tác tư tưởng. Và cũng may, cô vợ hiện tại không có cú sốc gì lớn. Thế là, tuy tôi cứ bị Pavel hỏi dồn, tôi bình tĩnh bảo con cứ chờ bác chút xíu. Đến ngày thứ 10, sau khi thấy Pavel có thể bình yên quan hệ với cha đẻ, tôi nói hai người liên lạc với nhau", — ôngĐinh Văn Hiền xúc động kể lại với phóng viên Sputnik hành trình giúp Pavel tìm cha.
CUỘC GẶP GỠ SAU 28 NĂM
9 giờ 48 phút ngày 7/12/2018 chuyến máy bay Moskva — Hà Nội hạ cánh ở sân bay Nội Bài. Pavel Ungarov — con ruột của anh Lê Văn Phiên — người đã từng làm việc tại Nelidovo thuộc tỉnh Tver từ năm 1988 đến 1991 đã về tới Hà Nội thăm cha và bà con bên nội.
"Bố Phiên đang ở Đà Nẵng được thông tin con sẽ về thì mừng khôn xiết, liên tục trao đổi qua điện thoại với tôi, và sáng mùng 7-12 đã đáp máy bay ra Nội Bài đón con sau 28 năm không gặp. Phiên nói chỉ kịp chăm con và vợ mới sinh được mỗi 5 tháng là phải đau lòng về nước", — ông Đinh Văn Hiền nói với Sputnik.
"Sau hơn một tiếng chờ lấy hành lý, cuối cùng chàng trai Pavel cũng xuất hiện, như một thiên thần chạy ra ôm hôn bố Phiên mừng mừng tủi tủi. Bố Phiên thì bật khóc không nói được gì, con thì cười tươi dỗ dành: "Bố ơi, đừng khóc nữa! Con đã về đây. Chúng ta đã gặp nhau được rồi. Giờ đây không còn lực cản nào có thể cắt đứt tình cha con ta được nữa!".
Tôi cũng không kìm được xúc động. Pavel liền quay sang nói với tôi: "Con xin cúi chào vị cứu tinh của cha con chúng con. Con xin nói lời đa tạ với bác Văn Hiền. Nhờ bác mà con không còn bơ vơ trên cõi trần này như một đứa con không bố. Đến đây, tự nhiên hai khóe mắt của một người đã 70 tuổi như tôi nước mắt lưng tròng. Ơn Trời Phật!", — ôngĐinh Văn Hiền tràn đầy cảm xúc kể lại cho phóng viên Sputnik về cuộc gặp mặt đầy cảm động của hai cha con.
LÀM QUEN VỚI BÊN NỘI VÀ VIỆT NAM
"Việt Nam đón tôi rất nồng ấm. Lần đầu tiên tối thấy bố của mình. Bố tôi đã khóc. Tất cả bạn bè và bà con tôi rất thích. Hiện tại tôi đang làm quen với bà con họ hàng bên nội. Khi tới Hà Nội tôi thực sự cảm nhận được tình cảm chân tình của các bạn Việt Nam. Họ biết về tôi rất ít vậy mà dành cho tôi bao tình cảm chân thành", — Pavel chia sẻ với Sputnik.
Về Việt Nam sáng ngày 7/12 thì 8/12 Pavel đã được ông Đinh Văn Hiền tổ chức đi tham quan Bích Động — Tam Cốc tại cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100 km về hướng Nam) cùng với bố Phiên và các bạn Việt Nam. Chuyến đi đã mang lại cho chàng trai mang hai dòng máu Việt — Nga những ấn tượng mạnh mẽ, khó quên về xứ sở quê hương Việt Nam của mình.
"Tam Cốc là thế giới của những hòn núi đá. Thời tiết hôm đó u ám, nhiều mây, nhưng không hề cản trở việc tôi ngắm cảnh đẹp của Việt Nam. Tôi rất thích những bông hoa súng. Một vẻ đẹp không thể diễn tả được. Vẻ đẹp đó phải thấy tận mắt mới hiểu được", — Pavel vui vẻ kể về chuyến du lịch đầu tiên ở Việt Nam với Sputnik.
Trong những ngày này, chàng trai mang trong mình hai dòng máu Việt và Nga đang tiếp tục làm quen với Việt Nam. Anh đang ở Đà Nẵng với bố của mình.
"Tôi rất vui với tất cả những gì đang diễn ra với tôi bây giờ, được làm quen với nhiều người. Tôi rất thích điều đó. Ngôn ngữ mới nữa chứ. Tôi muốn học tiếng Việt. Tôi rất thích Việt Nam. Bố muốn tôi ở lại Việt Nam lâu hơn. Tôi thấy triển vọng cho mình ở đây. Tôi có học vấn là nhà kinh tế — quản lý trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, mà ở Việt Nam thì du lịch đang rất phát triển", — Pavel Ungerov chia sẻ suy nghĩ về tương lai của mình với Sputnik.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về ý định đổi họ sang họ cha, Pavel chia sẻ: "Tôi sẽ nghĩ về việc đổi họ, bởi vì tôi đang không mang họ gốc của mình".
"VỊ CỨU TINH" CỦA HAI CHA CON
"Tôi chỉ làm theo trái tim mách bảo. Phải có cách tìm và đã tìm ra cách. Thế rồi khi tìm được cha cho con, lại gặp hoàn cảnh éo le của cha: 15 năm ốm bịnh, tiền của dốc vào thuốc men, nhà chả ra nhà, chỉ dựa vào cái hang trong vách núi. Điện thoại cục gạch lại bị vỡ kính nên không biết con đang tìm cha, bạn đang tìm nhau.Con thì mới ra trường, không có tiền về thăm cha mặc dù mừng phát khóc, bởi cứ nghĩ cha đã bị giết hồi loạn lạc nước Nga những năm 90. Thế rồi tôi đã chi ra 20 triệu tiền vé máy bay cho Pavel về Hà Nội, để tổ chức đoàn đi tham quan Bích Động-Tam Cốc,…", — ông Đinh Văn Hiền chia sẻ với Sputnik.
Ông Đinh Văn Hiền còn tặng một sim Viettel gọi và bắt mạng 4G để chuyển ảnh về cho mẹ Raisa của Pavel từ giường bệnh đang dõi theo con từng bước về thăm cha và được sống trong lòng thân ái của cộng đồng người Việt một thời đã sống và làm việc tại Liên Xô.
Được biết, tháng 8/2018, ông Đinh Văn Hiền còn tổ chức cho anh Sergey từ thị trấn Ivancheevka ngoại ô Moskva về thăm bố đẻ sau 27 năm xa cách. Bố của Sergey, ông Đoàn Đức Trì trong cơn tuyệt vọng vì nghĩ đã gần đất xa trời do đột quỵ và do vết thương từ hồi chiến tranh đang quậy phá, đã cầu viện ông Đinh Văn Hiền móc nối với con trai sinh 1989 mà chỉ chăm nuôi con được 2 năm thì phải về do sự kiện chính biến 1991. Kết quả, cha con ông Trì đã gặp nhau toại nguyện.
Bên cạnh ông Hiến còn có những người Việt hết lòng vì bạn bè và còn rất hoài niệm Liên Xô. Hoài niệm về những kỷ niệm đẹp một thời, họ luôn có những nỗ lực gắn kết hai đất nước, hai dân tộc, biến những cuộc chia ly thành hội tụ.
Những biến cố của những năm đầu 90 của thế kỷ trước đã làm thay đổi bao số phận con người, trong đó có số phận những công nhân Việt Nam lao động ở Nga. Bao cuộc chia ly đã diễn ra. Vượt qua năm tháng, những người ruột thịt vẫn tìm nhau và tìm thấy nhau. Và trong hạnh phúc của những cuộc gặp gỡ sau hàng chục năm chia ly đó có bao nhiêu công sức, tình thương của những người Việt mãi nặng lòng với nước Nga.