Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý 9 vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Trong đó, về công tác cán bộ, Thủ tướng lưu ý "cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm… Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ".
Dù vậy, trên thực tế, việc bổ nhiệm cán bộ vẫn còn rất nhiều vấn đề. Đối với nhiều người, không dễ dàng để gạt đi tham vọng được "thăng quan tiến chức". Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà kinh tế đã phát triển hơn thì mỗi vị trí lãnh đạo của một đơn vị nào đó lại càng "hấp dẫn". Có câu: "một người làm quan, cả họ được nhờ".
"Chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Trả lời phỏng vấn của VOV, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương từng cho biết, bắt đầu từ Đại hội 9, nạn chạy chức, chạy quyền xuất hiện ồ ạt. Lúc đó đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam, cũng từ đó lợi ích nhóm bắt đầu phát triển. Một số người không chỉ "chạy" cho bản thân mình mà còn "chạy" cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè mình nữa. Ngày nay "chạy" còn mạnh hơn, công khai, trắng trợn hơn. "Chạy" cả bằng cấp, "chạy" vào biên chế… Cái gì cũng phải "chạy".
Để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, dứt khoát phải có một cuộc cách mạng, bộ máy nhà nước cần gọn lại, có cơ quan giám sát việc này thật mạnh. Phải đổi mới dứt khoát, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác tổ chức cán bộ theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Đảng lãnh đạo để chuyển mạnh sang cơ chế tranh cử thực chất, bầu cử có số dư, nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình.
"Đừng biến các ghế thành ghế bổng lộc mà hãy làm ghế trách nhiệm, thành ghế công việc". TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu.
"Hệ thống của chúng ta hiện nay nhiều người ngồi vào ghế là hưởng bổng lộc. Thế nên đừng biến các ghế thành ghế bổng lộc mà hãy làm ghế trách nhiệm, ghế công việc", TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Trung ương chia sẻ.
Trước đây, có những người giữ vị trí quan trọng của một cơ quan nào đó nhưng năng lực quản lý lại quá yếu, để thất thoát của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Đáng tiếc là họ làm hỏng chỗ này lại được luân chuyển sang chỗ khác, đẩy lên những chức vụ "ngon lành" hơn để tiếp tục "gặt hái bổng lộc", như trường hợp: Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh… chẳng hạn. Một khi đất nước vẫn còn những lãnh đạo như thế thì rất khó giàu mạnh và phát triển.
Lịch sử phong kiến Việt Nam có không ít vị quan tài đức vô song, bản lĩnh và tự trọng. Chu Văn An dâng "thất trảm sớ" xin vua chém nịnh thần, vua không nghe thì xin cởi ấn từ quan. Nguyễn Trãi cũng một thời xin về ẩn dật ở Côn Sơn, làm thơ sống đời thanh bạch. Cuộc đời vốn có nhiều tấm gương sáng đẹp như thế.