300 người tình nguyện đăng ký hiến mô, hiến tạng cứu người và hiến xác cho khoa học

Đã có trên 300 người tình nguyện đăng ký hiến mô, hiến tạng cứu người và hiến xác cho khoa học tại Lễ đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học diễn ra tối 23/12, TTXVN cho biết.
Sputnik

Sự kiện do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ đạo Phật ngày nay, chùa Giác Ngộ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn — Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế cho biết: Nhằm hạn chế những bất cập, tiêu cực trong việc hiến mô, tạng cứu người, nhiệm vụ của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là điều phối ghép tạng công khai, minh bạch, những người có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia sẽ được ghép theo thứ tự, trong đó người đang cấp cứu, trẻ em được xếp vào diện ưu tiên.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn, hiện có khoảng 16.000 bệnh nhân cần ghép tạng và 300.000 người cần ghép giác mạc. Tuy nhiên, hiện nguồn mô, tạng được hiến rất hiếm trong khi có nhiều đối tượng có khả năng hiến mô, tạng như người chết não vì tai nạn giao thông, người bị các bệnh lý về não. Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đang đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền nhằm thay đổi tâm thức, nhận thức của người dân về ý nghĩa của hiến mô, hiến tạng cứu người, hiến xác cho khoa học.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trụ trì chùa Giác Ngộ, Chủ tịch Quỹ đạo Phật ngày nay cho biết: Quỹ đạo Phật ngày nay, chùa Giác Ngộ đã phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế đã tổ chức 6 lần đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học, có hơn 2.000 người tình nguyện đăng ký, riêng trong năm 2018 có gần 1.000 người đăng ký trong hai đợt tổ chức. Đối tượng đăng ký hiến tạng, hiến xác phổ biến là các tu sĩ, phật tử và người dân thuộc nhiều thành phần trong xã hội, nhiều gia đình có 3 — 5 người cùng đăng ký hiến tạng, hiến xác. Mỗi người trở thành một tình nguyện viên tuyên truyền, phổ biến thông tin sẽ góp phần kêu gọi nhiều người hiến mô, tạng cứu người, hiến xác cho khoa học.

Ông Phạm Ngọc Thừa, giảng viên Khoa Y — Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Từng công tác tại Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, tôi nhận thấy thi thể người đã mất phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy cho sinh viên ngành y có nguy cơ khan hiếm, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, giảng dạy. Vì vậy cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân tình nguyện đăng ký hiến xác cho khoa học và chấp nhận cho người thân đã mất được hiến xác cho khoa học".

Đăng ký hiến mô, tạng tại chùa Giác Ngộ, Thành phố Hồ Chí Minh, chị Lương Kim Hương, người dân ở Quận 5 chia sẻ: Cả 5 thành viên trong gia đình gồm vợ chồng và 3 người con của chị đều đăng ký hiến mô, tạng cứu người với mong muốn khi mất đi, mô, tạng của mỗi người được góp phần cứu sống những bệnh nhân cần ghép tạng.

Khi nghe tin có lễ đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học tổ chức tại chùa Giác Ngộ, chị Cao Thị Lệ Hằng đã đi từ tỉnh Bà Rịa — Vũng Tàu đến Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký. Chị Lệ Hằng bày tỏ: "Tôi biết thông tin về việc đăng ký hiến mô, tạng cứu người từ các phật tử chia sẻ và quyết định đăng ký hiến mô, tạng. Không chỉ ủng hộ việc làm của tôi, ba mẹ tôi cũng muốn đăng ký nhưng vì sức khỏe yếu không đi xa được nên sẽ đăng ký trong các đợt tới".

 

Thảo luận