Hai vùng sóng thần đe dọa Việt Nam

Theo Tuổi trẻ, hai vùng có khả năng gây ra sóng thần, nguy hiểm tới vùng bờ biển Việt Nam gồm: vùng phía tây Philippines và vùng trên đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ - thềm lục địa của Việt Nam.
Sputnik

Đây là nội dung trao đổi với Tuổi Trẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn — Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Nếu có sóng thần, bờ biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng sau hơn 30 phút

Ông Phương cho hay: trận sóng thần ở Indonesia vừa qua xảy ra ở vùng Ấn Độ Dương, không phải do động đất mà là kết quả của núi lửa phun dưới biển, làm sạt lở một khối lượng rất lớn đất đá ở đáy biển, từ đó tạo ra sóng thần.

Còn Việt Nam được bao bọc bởi Biển Đông, mà Biển Đông thuộc Thái Bình Dương nên trận sóng thần vừa qua không vượt qua Indonesia để tấn công vào Biển Đông, không gây ảnh hưởng gì tới các vùng bờ biển và hải đảo của Việt Nam.

Đến nay VN chưa từng bị sóng thần tấn công, nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với hiểm họa sóng thần. Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ, cần phải có sự chủ động, cảnh giác, sẵn sàng ứng phó trong tương lai

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương

Việt Nam có khả năng cảnh báo sớm

* Như vậy, vùng bờ biển của Việt Nam có nằm trong khu vực cảnh báo nguy hiểm từ sóng thần, thưa ông?

— Việt Nam nằm ở khu vực Thái Bình Dương, mà Thái Bình Dương là nơi có hiểm họa về sóng thần, đã được đánh giá là cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, do đặc thù các vùng bờ biển ở Việt Nam được bao bọc bởi rất nhiều các quốc gia xung quanh như Trung Quốc ở phía bắc, Philippines ở phía đông, Thái Lan ở phía tây và Indonesia, Malaysia ở phía nam, vì thế các trận động đất gây sóng thần ở Thái Bình Dương đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Hiểu đơn giản là các vùng bờ biển ở Việt Nam đã được chắn bởi bức "tường thành" chính là các quốc gia nêu trên.

Số nạn nhân sóng thần ở Indonesia đã tăng lên 373 người
Tuy nhiên, các nhà địa chấn Việt Nam đã xác định hiểm họa sóng thần vẫn có thể xảy ra đối với Việt Nam trong tương lai, hiểm họa đó có thể bắt nguồn ở ngay trong khu vực Biển Đông. Tức là trong khu vực Biển Đông vẫn xác định được các vùng phát sinh ra động đất có thể gây ra sóng thần, mà sóng thần xảy ra ngay trong Biển Đông thì có thể tác động tới vùng bờ biển Việt Nam.

Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định được 9 vùng nguồn khác nhau ở khu vực Biển Đông có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam.

Tuy nhiên, có hai vùng được xác định nguy hiểm tới Việt Nam gồm: vùng nguồn xa bờ nằm ở phía tây Philippines — ở đó có một đới hút chìm gọi là máng biển sâu Manila. Đó là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Thứ hai là vùng nguồn gần bờ — nằm ở ngay trên đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ trên vùng thềm lục địa miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam.

* Thưa ông, khi đã nhận diện được vùng có thể gây sóng thần nguy hiểm tới vùng bờ biển Việt Nam, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có đủ năng lực cảnh báo sớm sóng thần?

— Từ năm 2007, Việt Nam đã thành lập một trung tâm có tên gọi Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu. Trung tâm này chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc phát hiện sớm động đất, sóng thần và ra các cảnh báo về động đất, sóng thần trên toàn lãnh thổ của Việt Nam.

Lính Indonesia khiêng thi thể nạn nhân sóng thần

Đến nay, chúng tôi vẫn duy trì hệ thống quan trắc có trực ca 24/24 giờ. Nếu có sóng thần xảy ra, chúng ta hoàn toàn có khả năng cảnh báo sớm, cảnh báo kịp thời cho các vùng biển ở toàn bộ dải ven biển của Việt Nam.

Sóng thần Indonesia: 222 người chết, nguy cơ đợt sóng thần mới ập tới
Hiện nay trung tâm cũng nằm trong hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại từ sóng thần của khu vực Thái Bình Dương với 35 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam.

Vì thế, nếu sóng thần xảy ra trên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu có nguy hiểm tới Việt Nam, chúng ta sẽ được thông báo bởi các tổ chức quốc tế. Đồng thời, trong phạm vi của quốc gia, Việt Nam cũng có khả năng tự phát hiện và tự ứng phó với sóng thần trên toàn bộ dải ven biển của Việt Nam — đó là năng lực của chúng ta.

Các thảm họa sóng thần gần đây ở châu Á

* Ngày 27-9-2018: thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra trên đảo Sulawesi. Công tác cứu hộ kết thúc ngày 26-10 với thống kê: hơn 2.100 người chết, 1.300 người mất tích, 4.400 người bị thương nặng, 133.000 người phải bỏ xứ ra đi. Trong vòng một năm, Indonesia gặp hai thảm họa lớn có sức tàn phá khủng khiếp.

* Ngày 11-3-2011: thảm họa kép động đất kèm sóng thần xảy ra ở Nhật Bản. 15.000 người chết và thiệt hại của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima đến nay vẫn còn nặng nề. Theo OCHA, năm 2011 cũng là năm 90% các thảm họa thiên nhiên lớn xảy ra ở châu Á.

* Ngày 25-10-2010: động đất và sóng thần ở Mentawai, Indonesia làm 435 người chết.

* Ngày 17-7-2006: động đất và sóng thần ở Pangandaran làm 668 người chết.

* Ngày 26-12-2004: thảm họa kép động đất kéo theo sóng thần trên Ấn Độ Dương đánh vào bờ biển 10 nước trong đó có Indonesia, Thái Lan… làm chết 225.000 người.

90 — 105 phút triển khai ứng phó

* Thưa ông, từ khi phát hiện đến khi ra được bản tin cảnh báo mất bao lâu thời gian? Và từ khi phát tin cảnh báo, người dân có bao nhiêu thời gian cho cơ hội tránh trú trước khi sóng thần ập tới?

Hà Tĩnh: Xuất hiện dư chấn động đất tại huyện Kỳ Anh
- Khi động đất xảy ra trên biển, có độ lớn từ 6,5 độ Richter trở lên và có độ sâu dưới 100km, ngay lập tức các chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu sẽ xử lý dữ liệu để cho ra các kết quả định lượng về các tham số của động đất gây sóng thần.

Nếu có hiểm họa đối với bờ biển Việt Nam, hệ thống cảnh báo sẽ hoạt động ngay. Khi đó, Viện Vật lý địa cầu sẽ đưa ra các cảnh báo về động đất và sóng thần, phát đi trên hệ thống thông tin đại chúng, phát tới các cơ quan đã được đăng ký có trách nhiệm trong việc ứng phó sóng thần.

Ngoài ra, hiện nay hệ thống trực canh đa thiên tai ở dải ven biển miền Trung đã được đưa vào hoạt động, như vậy toàn bộ người dân ven biển miền Trung sẽ được cảnh báo thông qua những trạm trực canh này, có thể cảnh báo thông qua ánh sáng hoặc qua loa.

Với định lượng về thời gian, từ khi phát hiện đến khi ra được cảnh báo, yếu tố nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào êkip trực canh ở Viện Vật lý địa cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi chậm nhất cũng chỉ 15 phút là phải ra được hết các cảnh báo để gửi tới các cơ quan có trách nhiệm.

Nếu xảy ra động đất gây sóng thần ở Biển Đông, với vùng nguồn xa bờ nằm ở máng biển sâu Manila — phía tây Philippines, mất khoảng 120 phút để lan truyền tới bờ biển Việt Nam.

Như vậy, sau khi ra được tin cảnh báo, chúng ta có khoảng 90 — 105 phút để triển khai các hoạt động ứng phó và cứu hộ với trường hợp vùng nguồn sóng thần ở xa bờ.

Còn nếu phát sinh ở các vùng gần bờ ngay đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ — vùng thềm lục địa miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam, chúng ta sẽ có ít thời gian hơn khi chỉ 35 — 45 phút sóng thần sẽ lan truyền tới bờ biển Việt Nam.

* Sau phát tin cảnh báo, các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm sẽ phản ứng ra sao để việc ứng phó với sóng thần thật sự hiệu quả, thưa ông?

Sau thảm họa động đất, sóng thần, núi lửa lại trực phun trào ở Indonesia
- Trong ứng phó đã có quy định theo một hệ thống, gọi là hệ thống đầu — cuối từ cảnh báo sóng thần đến ứng phó với sóng thần. Đầu nguồn sẽ là Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần — nơi có nhiệm vụ phát hiện sớm nhất, nhanh nhất để ra được cảnh báo.

Còn giữa nguồn là Tập đoàn Viettel — đơn vị tổ chức vận hành tất cả các công cụ, phần mềm, phần cứng của các trạm trực canh để hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong cảnh báo. Những trạm trực canh ở ven biển phát các tín hiệu cảnh báo để người dân nhận biết.

Với lực lượng cuối nguồn, chúng ta có Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn — đơn vị có lực lượng từ trung ương xuống địa phương và sẽ chịu trách nhiệm triển khai ứng phó, sơ tán dân. Ngoài ra, trong ứng phó còn có các lực lượng, đơn vị trong hệ thống phòng chống thiên tai từ trung ương xuống địa phương.

Đã lắp đặt hệ thống cảnh báo tại Quảng Nam, Đà Nẵng

Cao ốc ở Hà Nội rung lắc vì động đất: Chuyên gia xây dựng nói gì?
Hiện nay, Tổng cục Phòng chống thiên tai đang lắp đặt thử nghiệm giai đoạn 1 thiết bị loa và đèn báo hiệu khi có tin báo sóng thần, cảnh báo sóng thần (từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần — Viện Vật lý địa cầu) tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Hiện hệ thống này đã lắp đặt xong và chuẩn bị đi vào vận hành thử nghiệm. Giai đoạn 2 sẽ lắp đặt ở vùng biển các tỉnh có nguy cơ xảy ra sóng thần.

Sang năm, khi hệ thống phát tin báo, cảnh báo sóng thần hoàn thành tại Quảng Nam, Đà Nẵng, chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng kịch bản và thực hành diễn tập tại 2 địa phương này.

Ông Nguyến Đức Quang (cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai — Bộ NN&PTNT)

Thảo luận