Vị Thứ trưởng cả đời chưa một lần đi vé máy bay hạng thương gia

Như VOV cho biết, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ chia sẻ, ông chưa một lần trong đời đi vé hạng thương gia, không đưa thêm người đi công tác hoặc đi nước ngoài.
Sputnik

Phải làm gì khi bộ máy quá cồng kềnh, chi tiêu thường xuyên vượt quá giới hạn cho phép? VOV.VN có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên — Môi trường (TN-MT) về câu chuyện chi tiêu, sử dụng con người.

Thứ trưởng Việt đi hạng thương gia, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới lại ngồi ghế phổ thông

PV: Trong đời làm quan chức của mình, đã bao nhiêu lần ông đi vé máy bay hạng C, thưa ông?

Ông Đặng Hùng Võ: Chưa bao giờ tôi đi vé hạng C. Tất cả các chuyến đi công tác tôi đều yêu cầu anh em mua vé hạng phổ thông. Và một điều nữa là tôi không bao giờ đưa thêm người đi nước ngoài khi không cần thiết. Ví dụ, cuộc họp về các lĩnh vực mà có lĩnh vực không phải chuyên của mình thì tôi gọi thêm người. Còn nếu lĩnh vực tôi giải quyết được thì không bao giờ có ai đi theo. Vì ở đó, phát biểu quan điểm của bộ mình, cái đó mình chắc rồi thì cần gì ai đi thêm nữa. Tôi không cần ai xách cặp, xách va ly, hỗ trợ bất cứ việc gì mà con người có thể làm được.

PV: Vậy ông có bao giờ nghĩ, khi mà các lãnh đạo bộ, ngành khác đi đâu cũng đầy đủ ban bệ mà mình chỉ có rất ít người, thậm chí là một mình thì có mất oai không?

Ông Đặng Hùng Võ: Oai thì không. Còn chuyện chuyên môn thì tôi thấy không cần. Và về chuyện trách nhiệm thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những thứ tôi nói, tôi làm, thế thì cần gì phải thêm người? Tôi làm việc theo nguyên tắc tôi đã làm thì tôi chịu trách nhiệm.

PV: Đến bây giờ thầy tuổi cao rồi nhưng tôi thấy ông vẫn bình thường như mọi người mà không có gì ưu ái cho bản thân hay có quan niệm "thụ hưởng"?

Thủ tướng ngồi toilet và “thứ trưởng đi xe ôm”
Vâng, tôi cũng giống như mọi người chứ không có gì khác. Khi còn đương chức, ngay cả khi tôi biết người này, người kia đi vé hạng C nhưng tôi vẫn đi vé economy như bình thường, không bao giờ tôi nghĩ rằng mình cũng phải thế.

PV: Chi tiêu thường xuyên hiện nay đang được trả cho những mục rất lãng phí không cần thiết, giống như ghế hạng C, ông có nghĩ như vậy không?

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi xin kể lại câu chuyện này, có lần có cuộc họp phải đi Đà Nẵng, trong đó có cả lãnh đạo Bộ TN-MT và tôi khi đó đã nghỉ hưu cũng được mời, trong đó có một thứ trưởng cùng đi. Các anh em thì ngồi hạng phổ thông nhưng đồng chí Thứ trưởng lại ngồi hạng C. Tôi thấy lạ mới hỏi một cậu trong đoàn là bây giờ chế độ chính sách thế nào mà anh em thì ngồi hạng economy mà thứ trưởng hạng C thì không phù hợp. Anh này giải thích, về mặt chính sách, thứ trưởng có thể đi hạng C chứ không phải buộc phải đi hạng C. Đi hạng C khi vé hết hoặc trong một số trường hợp. Nếu thứ trưởng buộc phải đi hạng C là chuyện khác và có thể đi hạng C lại là câu chuyện khác nữa, nó phụ thuộc cách tiếp cận vấn đề của thứ trưởng.

PV: Ông thấy có gì bất cập trong việc sử dụng ngân sách để phục vụ việc sử dụng các dịch vụ của cán bộ công chức Nhà nước?

Ông Đặng Hùng Võ: Đây là một lãng phí khá lớn. Chúng ta đang mong muốn thể chế tốt hơn trong các cơ quan hành chính. Hay nói cách khác, chi tiêu thường xuyên của ta quá lớn, ngân sách thiếu. Cách thức tiếp cận của Bộ Tài chính là tăng thuế, trong đó có thuế môi trường đã tăng rồi, chuẩn bị tăng thuế đất (đã gặp phản ứng của dư luận), đó là cách tiếp cận "ngược đời". Chúng ta đã xem xét mọi việc nhưng xem ra chưa hiệu quả, ví dụ như chuyện xe công. Bên cạnh đó, những chuyến đi nước ngoài mang tính tham quan, học tập kinh nghiệm thì cần phải xem xét kỹ lưỡng. Cách thức đi công tác trong nước cũng phải xem xét lại. Tôi đã nhìn thấy nhiều đoàn, kể cả Thứ trưởng, Bộ trưởng đi mà kéo "bậu xậu" vài chục người đi theo, đi nước ngoài cũng kéo 5-7 người. Chuyện duyệt hoặc cách tiếp cận vấn đề đi công tác của cán bộ cấp cao cần phải có chuẩn mực nhất định. Để việc này có hiệu quả thì tư duy của người lãnh đạo phải quyết được độc lập, kể cả bộ trưởng. Nếu chúng ta có một mạng lưới thông tin công khai thì cần gì phải có thư ký đi "nhắc vở", cần phải vụ trưởng này, vụ phó kia đi theo để đến vấn đề này hỏi vụ nọ, vụ kia.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "đi nước ngoài như đi chợ"
Tôi cho rằng, đã ở cương vị nào đó thì thông tin phải là điều đầu tiên anh có, từ thông tin chính sách đến qui hoạch, hiện trạng này kia phải nắm được; phải có dữ liệu của riêng mình. Anh ở vị trí đó thì phải biết làm việc đó, đừng nói rằng tôi dốt công nghệ thông tin. Dốt thì đừng làm. Anh phải biết công nghệ thông tin vì lúc này trong lãnh đạo đang cần, khi chủ động được CNTT thì chỉ cần ngồi một chỗ có thể biết tất cả, có thể trả lời được câu hỏi a, b. Cơ sở dữ liệu phải do mình tự xây dựng, hoặc Nhà nước phải chăm lo việc đó (Bộ trưởng của Bộ này thì CSDL là gì..). Làm được như vậy thì sẽ tự giảm các chi phí để hỗ trợ cho một cương vị nào đó để có thể trả lời được mọi câu hỏi, mọi tư duy có thể chuẩn bị cho các quyết sách.

Ta đang nói suông về công nghệ 4.0, ngay 3.0 phải làm việc đó rất tốt rồi, nhưng ta không yêu cầu gì về tiêu chí của một cán bộ phải biết công nghệ như thế nào. Từ đấy dẫn đến lãng phí. Ta vẫn nói lãng phí, nhưng cái lãng phí đầu tiên chính là máy tính có thể trợ giúp con người rất nhiều việc, giảm hệ thống trợ giúp của một cương vị nhất định mà ta lại không làm. Đấy là việc phải làm chứ không phải tăng thuế là việc phải làm. Khi có CNTT trợ giúp thi bộ máy phải tinh giản. Giả sử, một bộ trưởng đang cần 2 trợ lý và 1 thư ký thì khi làm chủ CNTT thì không cần thư ký nữa, có gì gọi văn phòng. CNTT chính là thư ký tốt nhất.

PV: Khi còn làm thứ trưởng, ông không có thư ký, không có người giúp việc, vậy đã bao giờ ông rơi vào tình huống khó xử chưa?

Cán bộ đi nước ngoài du học sao vẫn dốt: ĐBQH trả lời
Ông Đặng Hùng Võ: Không bao giờ. Bởi tôi nắm đầy đủ, chi tiết, cái gì CNTT trợ giúp được thì dùng CNTT. Tôi đã không cần thư ký cho đến năm cuối cùng có một cậu giúp trong dự án Thụy Điển. Cậu này hiện đang làm Giám đốc Quỹ Môi trường của Bộ TNMT. Các bạn hoàn toàn có thể kiểm chứng.

PV: Có bao giờ ông thấy mình thiệt thòi so với những người đồng cấp khác không?

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi không bao giờ cảm thấy thiệt thòi. Bởi vì tôi cho rằng, ở vị trí đó phải làm được những việc đó. Làm như thế tôi thấy mình tiết kiệm được chi tiêu, bản thân thấy thoải mái.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thảo luận