Kinh nghiệm chiến tranh địa phương nửa sau thế kỷ 20, với sự tham gia của Việt Nam, khẳng định rằng: ngoài lòng yêu nước và lòng dũng cảm, còn phải có kiến thức quân sự hiện đại, vũ khí tiên tiến và… "phải giữ thuốc súng luôn khô". Ngày nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, tăng cường năng lực chiến đấu, và tiếp tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang phát triển quan hệ trong hợp tác kỹ thuật-quân sự với Israel, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga vẫn là đối tác truyền thống trong lĩnh vực này.
Ngoài thiết bị quân sự do Liên Xô chế tạo, được duy trì cẩn thận trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có vũ khí hiện đại của Nga: máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30MK2, hệ thống tên lửa chống hạm "Bastion", hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-1, súng cầm tay các loại (với giấy phép sản xuất từ Nga, Việt Nam đã tự sản xuất súng trường bắn tỉa cỡ lớn OSV-96, cũng như hiện đại hóa súng trường tấn công Kalashnikov). Đổi mới nâng cấp lực lượng tăng thiết giáp, Việt Nam một lần nữa lựa chọn Nga làm đối tác cung cấp. Xương sống của Hải quân Việt Nam là tàu chiến mặt mặt nước Nga (bao gồm cả tàu được sản xuất ở các nhà máy đóng tàu của Việt Nam theo giấy phép từ Nga), cũng như tàu ngầm diesel-điện thuộc lớp Varshavyanka. Ngoài ra, những sĩ quan hiện nay và trong tương lai của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn đang theo học tại các trường quân sự Nga. Mối liên kết giữa lãnh đạo quân sự hai nước được duy trì và phát triển.
Sputnik giới thiệu đến bạn cái nhìn tổng quan về hợp tác quân sự-kỹ thuật Nga-Việt trong năm qua.
Vào tháng 1 năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã đến thăm Việt Nam, có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ngô Xuân Lịch, hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kết quả chuyến đi này là sự đồng thuận sơ bộ về kế hoạch hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Moskva và Hà Nội giai đoạn 2018-2020.
"Việt Nam là đối tác lâu năm của Liên bang Nga, được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử, liên kết bằng mối quan hệ tin cậy, dựa trên tình hữu nghị và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các chuyên gia nước bạn đến trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng phương tiện kỹ thuật trong điều kiện chiến đấu thực tế… Trước hết, đó là máy bay chiến đấu, thiết bị và vũ khí của Lục quân, Lực lượng Đặc nhiệm, và hệ thống phòng không Nga. Tôi muốn nói đến không chỉ về tổ hợp Pantsir-S1, mà còn về hệ thống tên lửa phòng không S-400",- ôngSergey Shoigu tuyên bố trong chuyến thăm Hà Nội.
Cuộc gặp thứ hai trong năm giữa những người đứng đầu Bộ quốc phòng Việt Nam và Nga diễn ra vào tháng Tư, tại Moskva, bên lề Hội nghị về An ninh quốc tế. Kết quả là, hai bên đã phác thảo "lộ trình" phát triển hợp tác quân sự song phương trong giai đoạn 2018-2020. Đánh giá cao vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đặc biệt lưu ý việc phối hợp giữa thủy thủ hai nước trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn hàng hải.
Điều này được thể hiện trong chuyến thăm của tàu cứu hộ Hạm đội Thái Bình Dương Liên bang Nga đến bờ biển Việt Nam tham gia diễn tập chung. Lực lượng tàu ngầm của Việt Nam còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm, cần phải được đào tạo thêm trong việc tìm kiếm, giải cứu khẩn cấp tàu ngầm bị nạn. Và còn ai vào đây nữa, nếu không phải là các thủy thủ Nga, có thể giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam. Thêm nữa, những tàu ngầm mới nhất, tiên tiến nhất của Việt Nam là do Nga sản xuất.
Vào cuối tháng 6 năm 2018, phái đoàn quân sự Việt Nam do Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đã đến thăm Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Nga. Đây là trung tâm hàng đầu của Nga về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia. Tại đây các sĩ quan cấp cao quân đội Nga cũng như quân nhân nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn. Chính từ Học viện này đã cho ra những thống soái — chỉ huy quân sự lớn. Các vị khách được giới thiệu việc áp dụng kinh nghiệm thực tế chiến đấu trên chiến trường (dựa trên các trận chiến ở Syria) vào hệ thống giáo dục quân sự. Đoàn Việt Nam đã đến thăm khu phức hợp nghiên cứu lịch sử — giáo dục mới được thành lập của Học viện, thư viện học thuật, cũng như Khoa đặc biệt, nơi đào tạo sinh viên nước ngoài, bao gồm các sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vào tháng 7, truyền thông cho biết Nga và Việt Nam đã bắt đầu đàm phán về việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S400. Việt Nam có thể mua hơn bốn tiểu đoàn hệ thống phòng không Nga. Đây là số lượng ít nhất. Giới chuyên gia không loại trừ rằng, trong tương lai, số lượng S-400 trong lực lượng phòng không của Việt Nam sẽ lên tới 4 trung đoàn (2-3 tiểu đoàn trong mỗi trung đoàn).
S-400 ("Triumph") là hệ thống phòng không đa kênh có khả năng chống lại tất cả các mục tiêu trên không (máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo — chiến thuật và tầm trung) với tốc độ bay tối đa lên tới 17280 km/h, ở độ cao từ 5 mét đến 30 km. Phạm vi phát hiện mục tiêu — lên đến 600 km, phạm vi tiêu diệt — từ 2 đến 400 km. S-400 có thể hoạt động suốt ngày đêm, mọi thời tiết và khí hậu, trong điều kiện hệ thống tác chiến điện tử của đối phương hoạt động mạnh. Ở Nga, S-400 đã đi vào hoạt động từ năm 2007.
Trong Triển lãm Hàng hải Viễn Đông Quốc tế lần thứ nhất, tổ chức ngày 26 — 28 tháng 7 tại Vladivostok, Rosoboronexport đã đón tiếp phái đoàn lực lượng vũ trang Việt Nam. Các thủy thủ hải quân Việt Nam, cùng với đại diện Rosoboronexport, đã đến thăm gian hàng của Công ty Cổ phần Vostochnaya Verf (Vladivostok) và Nhà máy Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky (Cộng hòa Tatarstan), hội đàm với ban quản lý doanh nghiệp. Theo thông cáo báo chí từ Rosoboronexport, là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa triệt để lực lượng hải quân, Việt Nam đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất mua thiết bị hải quân Nga.
"Hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam là một trong những ưu tiên của Rosoboronexport. Hơn phân nửa việc hợp tác trong 10 năm qua là về hải quân. Chúng tôi đã và đang nhận được đánh giá cao từ phía Việt Nam về tàu chiến, tàu ngầm, vũ khí, thiết bị quân sự, cũng như cơ sở hạ tầng hải quân được xây dựng với sự hỗ trợ của Rosoboronexport", Tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheev cho biết.
Đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao quân sự quốc tế "ARMY-2018" diễn ra từ 28 tháng 7 đến 16 tháng 8 tại các thao trường trải dài trên nhiều quốc gia. Các chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ lần đầu thử sức tại 3 nội dung thi khác nhau: "Tank Biathlon", "Bếp dã chiến" và "Cuộc đua tiếp sức y tế quân sự ". Tất nhiên, sẽ không hề đơn giản để tân binh Việt Nam đạt được những kết quả xuất sắc ngay mới lần đầu "ra mắt" tại hội thao quốc tế, nhưng phải nhấn mạnh rằng chính sự tham gia của Việt Nam vào sự kiện thể thao và kỹ thuật quân sự quy mô tầm cỡ như "ARMY 2018" đã nói lên rất nhiều điều.
Hãy lấy "Tank Biathlon" — phần thi mãn nhãn nhất của Hội thao quân sự làm ví dụ. Các đại diện từ 23 quốc gia cùng tề tựu, trong đó có 3 nước thành viên ASEAN: Việt Nam, Myanmar và Lào. Các kíp lái tăng của 21 nước thi đấu trên xe tăng T-72B3 ("Ural") do Nga cung cấp. Không có xe tăng nào thuộc loại này trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam, và các chiến sĩ buộc phải làm chủ phương tiện chiến đấu mới chỉ trong vài ngày. Đây là cách mà chuyên gia Nga, sĩ quan xe tăng Viktor Murakhovsky đã mô tả:
T-72B3 là xe tăng kế thừa trực tiếp của các dòng xe chiến đấu thời Liên Xô — T-55 và T-62. Quả thật, đây là một cỗ máy với trình độ công nghệ cao hơn, nhưng không có khác biệt cơ bản nào trong hệ thống trang bị vũ khí, khai hỏa, trong kỹ thuật ngắm bắn hay điều khiển. Và do đó việc "đào tạo lại" trên T-72 so với T-55 và T-62, kể cả các xe tăng từ nước ngoài là không quá phức tạp.
Ba tổ lái tăng của QĐND Việt Nam đã trình diễn tại các vòng thi cá nhân vào ngày 29 tháng 7, 31 tháng 7 và 4 tháng 8, cạnh tranh với các đối thủ từ Armenia, Kyrgyzstan và Myanmar. Trong cuộc đua đầu tiên, kíp lái tăng của chỉ huy Trần Việt Hải đi rất cẩn thận, từ từ. Kết quả là 43 phút 41 giây và bắn trúng 1 mục tiêu. Tổ lái thứ hai (Thượng úy Khổng Văn Bắc) sở hữu thành thích kém hơn một chút, tổng 47 phút 08 giây, pháo chỉ bắn trung 1 mục tiêu. Hiệu suất thi đấu của kíp xe tăng thứ ba (Đại úy Trần Thanh Long chỉ huy) là đỉnh cao của sự chuyên nghiệp. Đại diện Việt Nam hạ gục tất cả ba mục tiêu, kíp lái tự tin vượt qua chặng đua và tất cả các chướng ngại vật mà vẫn duy trì tốc độ tốt.
Thế nhưng các vấn đề với súng máy trong nội dung tiếp theo đã "ăn mất" thời gian quý báu. Đội Việt Nam kết thúc với thành tích 40 phút 19 giây. Tuy nhiên, có thể khẳng định, lính tăng Việt đã chứng tỏ mình là những chiến binh quả cảm, có thể nhanh chóng nắm vững các thiết bị mới, đại diện cho Tổ quốc và quân đội thể hiện ở đấu trường quốc tế một cách xứng đáng. Trọng tài chính của "Tank Biathlon-2018", Thiếu tướng Roman Binyukov, trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik, đã bình luận:
"Đội thi đấu đại diện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam xếp thứ 17 chung cuộc. Tôi muốn lưu ý kết quả không tồi khi bắn trúng mục tiêu bằng hỏa lực. Về tốc độ, đội tăng Việt Nam vẫn chưa thể sánh với các đội dẫn đầu cuộc thi, nhưng điều này hoàn toàn có thể cải thiện được. Tôi chắc chắn rằng trong năm tới, năm 2019, đội tuyển Việt Nam sẽ cho thấy kết quả tốt nhất trong những cuộc đua cá nhân và ít nhất cũng đủ điều kiện lọt vào bán kết".
Nhân tiện, trải nghiệm "tác chiến" với T-72B3 rất hữu ích trong việc phát triển kỹ năng thực hành lái của bộ đội tăng Việt Nam với chiếc T-90S mới nhất ("Vladimir"). Đây là phiên bản hiện đại hóa công nghệ cao nhất của T-72, phương tiện chiến đấu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tác chiến hiện nay. Nhà máy Uralvagonzavod Nga đang hoàn thiện đơn đặt hàng 64 chiếc T-90S và T-90SK xe (phiên bản chỉ huy).
Gần đây, một video "nghiệp dư" ghi lại bài kiểm tra thử nghiệm của nhà máy đối với các xe tăng "Vladimirov Việt Nam" đầu tiên xuất hiện trên Internet. Chúng tôi xin giới thiệu các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật chính của T-90S, được Rosoboronexport chính thức công bố:
Trọng lượng- 46,5 tấn. Kíp chiến đấu - 3 người.
Vũ khí trang bị: Pháo 125 ly nòng trơn (pháo 125 ly 2A46M) với hệ thốngổn định,thiết bị nạp đạn tự động, tốc độ bắn từ 7-8 phát mỗi phút, đạn dược — 42 viên;
Súng máy đồng trục 7,62 ly cùng súng liên thanh, đạn dược — 2000 viên đạn
Súng máy phòng không 12,7 mm dẫn bắn, điều khiển từ xa, đạn dược — 300 viên;
Tên lửacó điều khiển bắn qua nòng pháo, phạm vi bắn từ 100 đến 5.000 mét.
Phòng vệ: hệ thống phòng thủ quang điện gây nhiễu, bảo vệ đa lớp; hệ thống bảo vệ chủ động, phóng lựu đạn khói, hệ thống phòng thủ chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt, hệ thống chữa cháy.
Động cơ, bộ truyền động, hệ thống điều khiển, khung gầm: Động cơ 4 thì đa nhiên liệu turbodiesel V-12 Nga (V-92S2) với dung tích 38,8 lít, công suất 1000 mã lực; truyền dẫn cơ khí với điều khiển thủy lực; bộ khí tài vượt vật cản nước, xích xe tăng được trang bị bộ guốc cao su cơ động di chuyển tốc độ cao trên đường bê tông nhựa..
Trang thiết bị bổ sung: thiết bị tích hợp để tự đào hầm hào, thiết bị lưới quét rà mìn.
Tốc độ trung bình trên đường đất gồ ghề- 35-45 km/giờ
Tốc độ tối đa trên đường nhựa —60km/giờ
Tầm hoạt động (trên đường nhựa)-550 km
Vượt chướng ngại vật: vũng nước rộng 2,6-2,8 mét, tường (vách đá) cao 0,85 mét, chỗ nông (không có thiết bị đặc biệt) với độ sâu 1,2 mét.
Từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 8, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Thứ trưởng, Thượng tướng Bế Xuân Trường dẫn đầu, tham gia Diễn đàn Kỹ thuật quân sự Quốc tế ARMY-2018 và Diễn đàn quốc tế "Tuần lễ an ninh quốc gia". Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn Việt Nam có các buổi tiếp xúc làm việc với một số đối tác và tham gia lễ khai mạc triển lãm của Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel.
Từ ngày 9 — 12 tháng 10, Phái đoàn của Bộ Quốc phòng Nga, đứng đầu là trung tướng Yuri Stavitsky, chỉ huy lực lượng kỹ sư công binh đã tới thăm Việt Nam. Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp đón các vị khách phương xa nồng hậu. Mục đích của chuyến thăm là trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật (đại diện phái đoàn Nga đến thăm các trung tâm đào tạo công binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam) và thảo luận hợp tác đào tạo chuyên viên quân sự Việt Nam tại Trung tâm quốc tế chống bom mìn Quân đội Nga và Trường chỉ huy kỹ sư quân sự cao cấp Tyumen, cũng như khả năng tham gia của phía Việt Nam trong khuôn khổ Hội thao quân sự Quốc tế — 2019.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga, Sergey Shoigu, vào hồi tháng Tư, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cảm ơn Bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp 176 suất đào tạo học viên quân sự Việt Nam tại các trường đại học quân đội hàng đầu của Nga trong năm 2018.
"Đây là số lượng lớn nhất kể từ khi Nga tiếp tục phân bổ học bổng ưu đãi và không hoàn lại", Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết.
Một trong những trường quân sự của Nga, nơi có sinh viên Việt Nam học tập là Học viện quân sự vũ trụ mang tên Mozhaisky ở St. Petersburg. Khoa đặc biệt của trường đã bắt đầu đào tạo cán bộ sĩ quan cho Việt Nam từ năm 1975. (Trong số các sinh viên tốt nghiệp của Học viện là nguyên Cục trưởng Cục Bản đồ Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Bùi Công Nghĩa.) Hiện nay, học viên nước ngoài chủ yếu được huấn luyện bởi các chuyên gia trắc địa quân sự. Đúng vậy, trong thời đại kỹ thuật số, bản đồ địa hình trên giấy "cũ mà tốt" vẫn là một "công cụ làm việc" quan trọng và, đôi khi, không thể thiếu với một sĩ quan quân đội.
Ngôi trường này, về lĩnh vực địa lý và địa hình quân sự, theo truyền thống vẫn được coi là một trong những trung tâm đào tạo tốt nhất trên thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với "Sputnik", giảng viên Khoa đặc biệt Học viện quân sự vũ trụ, Trung tá Alexander Khlobystov, nói:
"Dù mới giảng dạy ở Khoa đặc biệt trong thời gian ngắn, tôi ngay lập tức nhận thấy sự siêng năng và khát khao học hỏi của các học viên nước ngoài. Họ chân thành phấn đấu để trở thành những chuyên gia có trình độ cao, và điều này họ nổi trội hơn cả những người Nga khác. Hiện tại, Khoa đặc biệt đang đào tạo cho học viên đến từ 20 quốc gia khác nhau. Cá nhân tôi có dịp làm việc với người Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh rằng họ được đào tạo xuất sắc trong lĩnh vực khoa học chính xác, nhanh chóng nắm vững tiếng Nga, có sự tỉ mỉ, hiệu quả và kỷ luật mà ít người có thể so sánh được. Không phải ngẫu nhiên mà các học viên Việt Nam đã nhiều lần giành chiến thắng tại các cuộc thi toán học và vật lý. Và sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi hiện đang giữ nhiều vị trí cao trong Cục Bản đồ Bộ Quốc phòng Việt Nam. Học viện duy trì liên lạc với họ, thường xuyên tư vấn biện pháp nâng cao việc đào tạo học viên trong điều kiện quân sự ở Đông Nam Á".
Từ ngày 27 đến 30 tháng 11, phái đoàn quân sự Việt Nam đã đến thăm một trong những cơ sở đào tạo quân sự uy tín nhất của Bộ Quốc phòng Nga — Trường Chỉ huy bộ đội Đổ bộ đường không Ryazan mang tên người chỉ huy huyền thoại của binh chủng Đổ bộ đường không Liên Xô (VDV) Vasily Margelov. Chính nhờ công lao của ông mà lính dù đã thật sự trở thành "lực lượng phản ứng nhanh": luôn sẵn sàng chiến đấu, có tính cơ động cao, có thể hoạt động hiệu quả ở hậu phương chiến lược và chiến dịch của mọi "kẻ thù tiềm năng", tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết của chiến tranh. Năng lực chiến đấu, sức mạnh và sự vững chắc của "binh đoàn có cánh" của Liên Xô và sau đó là Nga đã nhiều lần được kiểm chứng trong những cuộc xung đột quân sự địa phương và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Lực lượng "Mũ nồi xanh" (mũ đồng phục của binh chủngđổ bộ đường không Liên bang Nga), dù muốn hay không, vẫn luôn được tôn trọng trong giới quân sự nước ngoài.
Có thể thấy, Quân đội Nhân dân Việt Nam có dự định áp dụng hệ thống đào tạo lính dù Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những vị khách người Việt đã được giới thiệu về cơ sở vật chất của Trường Chỉ huy Đổ bộ đường không Ryazan, được chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo học viên và những đặc điểm trong huấn luyện thực hành. Đồng thời, "đặc công" Việt Nam có thể chia sẻ với lính dù Nga kỹ thuật chiến đấu trong môi trường núi rừng nhiệt đới cũng như ở vùng nước ngập. Và như thế, việc hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.