Tiến sĩ Giang Công Thế (Hiệu Minh) là một chuyên gia có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Thế giới (WB), trụ sở ở Hoa Kỳ. Ông ủng hộ việc dạy và học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam (ESL — English as a Second Language). Ông tiếp tục gửi cho Tòa soạn bài viết về những trải nghiệm của chính mình xung quanh chuyện người Việt dùng tiếng Anh.
GS cứ giảng, sinh viên hiểu hay không không quan trọng
Mấy chục năm về trước ai trúng tuyển đi AIT (Asian Institute of Technology — Viện Công nghệ châu Á Bangkok, Thái Lan) được coi là giỏi, bởi ngoài chuyên môn còn phải thi tiếng Anh — khá khó đối với người Việt mới bắt đầu thời mở cửa.
Hàng năm AIT nhận vài chục cán bộ từ Việt Nam và số này được coi là trí thức tinh hoa thời đó. Sang đó học ngày học đêm, đọc, viết, nói tiếng Anh phải thạo mới mong qua khỏi 2 năm dùi mài đèn sách để có bằng master.
Một số được cơ quan cử đi do chuyên môn nhưng tiếng Anh yếu, AIT nhận rồi sang đó phải bồi dưỡng thêm vì họ thực sự muốn giúp cán bộ VN đi học công nghệ để xây dựng đất nước.
Tôi biết một giáo sư bên ta được mời đi giảng bên AIT với lương trên 1.000$/tháng những năm 1990 là khủng lắm. Vài người biết trình độ tiếng Anh và cả chuyên môn của giáo sư ấy thì hơi băn khoăn: Làm sao ông có thể đánh vật với ngoại ngữ này để đứng giảng đường thuần tiếng Anh cho học sinh quốc tế?
Hỏi ông có vấn đề gì không thì ông thản nhiên nói rất tự tin: "Việc mình giảng thì cứ giảng thôi, hiểu hay không là việc của bọn sinh viên". Thế mà ông cũng qua hai năm, về nước và giầu sụ. Cho tới giờ tôi chưa tìm được bài báo nào của ông tự viết tiếng Anh.
Bác sĩ Việt làm bảo vệ ở World bank và những người làm cho McNamara
Thời đó biết kha khá tiếng Anh kiếm tiền dễ, du học dễ và đi các nước phương Tây như đi chợ. Khi đi làm cho sở Mỹ, Anh, Tây Âu, Nhật, thì tiếng Anh gần như bắt buộc phải thạo.
Thời nay người bán hàng rong ở Hà Nội, Tp. HCM hay tận Sapa cũng học tiếng Anh để đủ giao tiếp và kiếm tiền Tây. Có những cậu bé ngoài bờ Hồ liến thoắng những từ thuộc lòng dù chẳng hiểu gì khi khách muốn giải thích.
Có lẽ vì thế mà chỉ số thạo tiếng Anh (EF English Proficiency Index — EF EPI), Việt Nam xếp hạng 41 (loại khá) về thông thạo tiếng Anh trong số 88 quốc gia không nói tiếng Anh, hơn Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Indonesia và Cambodia.
Đây là một điều khá bất ngờ. Top 3 nước luôn là Thụy Điển, Hà Lan và Singapore.
Sau năm 1975, nhiều người Việt đã đến Mỹ. Từ quê nhà họ là những quan chức, tướng tá của chính quyền Sài Gòn, có số má, bỗng đặt chân tới nước Mỹ không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay.
Nhiều người trong số họ có biết tiếng Anh nhưng chỉ đủ giao tiếp và không ít người chả hiểu từ nào. Sau khi từ nhiệm ở Lầu Năm Góc, cựu Bộ trưởng Bộ QP McNamara đã chuyển sang làm chủ tịch World Bank từ năm 1968 tới năm 1983.
Một đồng nghiệp cho biết, anh và khoảng 150 người khác được nhận vào tổ chức Quốc tế này, ngoài chuyên môn cũng phải khá tiếng Anh.
Anh kể, từ Việt Nam sang chân ướt chân ráo, có học tiếng Anh ở phổ thông, có bằng kinh tế ở Sài Gòn, nhưng sang Mỹ coi như bắt đầu từ con số không.
Học lại tiếng Anh, thêm bằng đại học tài chính, thay vì ngồi đợi tiền trợ cấp, anh đã thi đỗ vào đây, làm ở đó cho tới khi về hưu. Các anh chị khác cũng yên ổn nơi đây, họ cảm ơn McNamara rất nhiều, nhưng một phần vì họ biết tiếng Anh.
Nhưng số đi "tham quan, cọ sát, tìm hiểu" với vốn tiếng Anh lơ mơ mà sang Mỹ không bắt đầu cuộc đời bằng cố gắng học thêm ngoại ngữ, quên đi bằng cấp nơi quê nhà, thì cuộc đời luôn là bóng tối, không có đường ra.
Gặp một bác làm bảo vệ ở World Bank, người từng có bằng đại học về y ở Sài Gòn, nhưng sang Mỹ thì không được công nhận, không được hành nghề. Để học lại nghề y phải đầu tư số tiền quá lớn, nhưng quan trọng rào cản tiếng Anh khi đã lớn tuổi khiến bác phải bỏ nghề.
Giờ đã qua tuổi hưu nhưng bác đi làm cho vui, có đồng ra đồng vào, biết tiếng Anh khá nên tìm việc phổ thông dễ. Nhưng để lên cao hơn, thì tiếng Mỹ phải rất tốt. Thấy tôi liến thoắng với Tây, bác thích lắm và bảo, anh cố lên sẽ giỏi đấy.
Tiếng Anh vỡ lòng dự án bị giao cho người khác
Bác bảo vệ nói tôi mới nhớ ra số phận đưa đẩy mình tới nước Mỹ. Năm 1995 khi thi tuyển vào World Bank Hà Nội cho chức danh trợ lý IT như các đồng nghiệp giễu đùa "chui gầm bàn lần dây mạng và ngắm chân dài", tôi thắng 60 ứng viên không phải do bằng cấp, do nhiều năm nghiên cứu hay trình độ cao hơn, mà do tôi thạo tiếng Anh hơn chút.
Thế rồi năm 2004 tôi thi tuyển được sang Mỹ. Ở Hà Nội mình nghĩ tiếng Anh của mình siêu rồi, nói gì tây cũng hiểu, email ngày viết chục cái, nhưng than ôi, sang Washington DC thì mới hiểu vốn tiếng Anh của mình chỉ là vỡ lòng, từ nói, đọc, viết và giao tiếp nói chung. Dù cố gắng đến đâu, dù học thêm ở nhà, nghe đài, xem tivi, học thêm kỹ năng viết, nói, nhưng trình cũng không hơn.
Có lần tôi đã gặp phải một trải nghiệm rất đắng: Trình bày về một dự án cấp smartphone rất hot cho 1500 nhân viên World Bank vùng Đông Á — Thái Bình Dương.
Ông sếp to ở khu vực rất vui và nói, dự án này rất thuyết phục, nhưng trình lên tiếp để áp dụng cho 15.000 nhân viên (gấp 10 lần) toàn World Bank với số tiền vài triệu đô la, cần nói tiếng Anh tốt hơn. Và ông chỉ định một người Mỹ làm việc này.
Tôi chuẩn bị số liệu, hồ sơ, gần như từ con số không cho người trình bày và dường như anh ấy được mọi người nhớ như là tác giả của dự án.
Rào cản ngôn ngữ là một nhược điểm khá cơ bản của người đi xa dù chuyên môn giỏi thế nào cũng khó mà thuyết phục nếu mình không thạo tiếng.
Ông McNamara đã mất năm 2009, không còn ai giúp người Việt như sau 1975. Thời của AIT tuyển sinh cũng không còn dễ.
Và không thể còn cơ hội cho vị giáo sư đi giảng đại học, kiếm tiền xứ người, mà tự tin "mình giảng thì cứ giảng, hiểu hay không là vấn đề của sinh viên".