Tỷ phú Hòa Phát lên hương, ông Trịnh Văn Quyết hao nghìn tỷ

Index đã chấm dứt chuỗi 10 phiên giảm điểm liên tiếp khi tăng mạnh 9,06 điểm (1,02%) sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 27/12. Điều đáng mừng là chỉ số này đã vượt qua ngưỡng 900 điểm và đóng cửa ở mức 900,81 điểm, theo infonet.
Sputnik

Các mã cổ phiếu lớn như BID, CTG, TCB, SAB, VCB, VIC, VHC,… đều tăng giá và là động lực chính nâng đỡ thị trường.

Phiên tăng điểm này đã chấm dứt chuỗi 10 phiên giảm điểm liên tiếp của thị trường. Lần gần đây nhất VN-Index mất điểm 10 phiên liên tiếp cũng đã diễn ra cách đây hơn 7 năm, vào tháng 5/2011.

Sự khởi sắc trở lại của thị trường cũng là cơ hội để các tỷ phú chứng khoán ghi nhận thêm giá trị tài sản thông qua cổ phiếu.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và là người giàu nhất Việt Nam, giá trị tài sản đã thông qua việc nắm giữ cổ phiếu VIC đã tăng thêm gần 1 nghìn tỷ đồng chỉ sau 1 phiên giao dịch.

Cụ thể, VIC tăng 500 đồng sau khi đóng cửa ở mức giá 102.400 đồng/cp, qua đó giúp tài sản của ông Vượng tăng thêm 932,593 tỷ đồng.

Cùng với đà tăng của thị trường, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng thêm 650 đồng khi đóng cửa phiên ở mức giá 30.950 đồng/cp. Do đó, tài sản của Chủ tịch HPG Trần Đình Long cũng tăng thêm 347 tỷ đồng sau 1 phiên giao dịch.

Hiện tổng giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ là 16.532 tỷ đồng.

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC

Trong tốp các tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán, nếu như ông Phạm Nhật Vượng và Trần Đình Long đón nhận niềm vui nói trên thì hai tỷ phú còn lại là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (TGĐ Vietjet Air) và Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC) lại không được được như vậy. Đáng chú ý, ông Trịnh Văn Quyết lại một lần nữa bị bà Phạm Thu Hương vượt qua khi đánh mất vị trí thứ 4 bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Những sự cố kỹ thuật xảy ra liên tiếp đối với Vietjet Air đã khiến cổ phiếu VJC giảm 2.000 đồng trong phiên 28/12, còn 120.000 đồng/cp. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị cổ phiếu VJC do bà Thảo nắm giữ đã giảm 279 tỷ đồng, còn 17.028 tỷ đồng.  

Tính từ đầu tháng 12 đến nay, giá trị cổ phiếu VJC do bà Thảo nắm giữ đã giảm 1.535 tỷ đồng.

Tính cả 1,060 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu HDBank, tổng giá trị tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tại ngày 27/12 là 17.810 tỷ đồng, hơn người đứng thứ ba là Trần Đình Long 1.278 tỷ đồng.

Với ông Trịnh Văn Quyết, sau 5 phiên tăng giá, cổ phiếu ROS đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp, lấy đi gần như toàn bộ mức tăng của 5 phiên trước đó.

Chốt phiên 27/12, ROS còn 36.750 đồng/cp, giảm 2.550 đồng so với phiên trước đó. Và đây là giá trị cổ phiếu ROS do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu lần lượt trong 3 phiên giao dịch 25, 26 và 27/12: 16.053 tỷ đồng — 15.021 tỷ đồng — và 14.046 tỷ đồng.

Như vậy, sau 2 phiên giảm giá liên tiếp, giá trị tài sản của ông Quyết thông qua ROS đã giảm 2.006 tỷ đồng. Riêng trong phiên 27/12 giảm 974 tỷ đồng.

Cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC trong phiên giao dịch này tăng nhẹ 100 đồng lên mức 5.160 đồng/cp, qua đó giá trị cổ phiếu FLC do ông Quyết nắm giữ tăng thêm chỉ 1,5 tỷ đồng.

Hiện tổng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết thông qua việc sở hữu ROS và FLC là 14.822 tỷ đồng. Với sự sụt giảm nhanh chóng này, ông Trịnh Văn Quyết đã bị ông Trần Đình Long bỏ xa với khoảng cách 1.710 tỷ đồng.

Không những vậy, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã chính thức đánh mất vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán. Vị trí thứ 4 này đã thuộc về bà Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng). Sau phiên tăng giá của VIC, giá trị tài sản của bà Hương đang là 15.468 tỷ đồng, nhiều hơn ông Trịnh Văn Quyết là 1.421 tỷ đồng.

 

Thảo luận