Chớ mong Việt Nam hưởng lợi trước phần nổi của tảng băng chìm Trung-Mỹ?

Cuộc chiến Mỹ-Trung sẽ không kết thúc ngay cả khi Donald Trump và Tập Cận Bình ký hiệp định hòa hoãn, Việt Nam cần kiến tạo không gian sinh tồn an toàn hơn, - Báo Giáo Dục dẫn ý kiến chuyên gia.
Sputnik

Chiến lược hay chiến thuật?

Trong bối cảnh cả 3 yếu tố giúp Trung Quốc vượt bẫy thu nhập trung bình đều phụ thuộc cuộc chiến thương mại với Mỹ, Tập Cận Bình đã tách vụ Mạnh Vãn Chu ra;

Liệu Trung-Mỹ có tận dụng thỏa thuận “ngừng bắn” trong cuộc chiến thương mại?
Trung Quốc trả đũa Canada, nhưng cố tránh gây căng thẳng với Mỹ vì ngừng bắn 90 ngày với Mỹ lúc này là nước cờ chiến lược quan trọng, nên Tập Cận Bình phải nuốt giận nhượng bộ Donald Trump. 

Ngoài quyết định mua 500.000 tấn đậu tương (trị giá $180 triệu) và giảm 25% thuế nhập khẩu ô-tô Mỹ (từ 40% xuống còn 15%), Bắc Kinh còn cấm bán sang Mỹ chất fentanyl (gây nghiện) và phạt thật nặng những ai vi phạm, đồng thời hứa xem xét lại vụ Qualcomm mua công ty NXP, và sẵn sàng mở cửa thị trường.  

Tuy chưa rõ như vậy đã đủ thuyết phục Donald Trump hay vẫn "quá ít và quá muộn" (too little too late), nhưng qua vụ phạt ZTE (đã thành án lệ) và xử lý tiếp Hoa Vi (đang diễn ra), Trump muốn tăng sức ép lên "chuỗi cung ứng" (như công nghệ 5G) là gót chân Asin của Trung Quốc.

Hoa Vi và ZTE là 2 chủ bài về công nghệ cao của Trung Quốc (Hoa Vi lớn hơn ZTE 5 lần), nên chắc Tập Cận Bình phải cứu.

Chiến tranh thương mại liệu có cản trở cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ bên lề G20?
Tuần trước, Bắc Kinh có dấu hiệu điều chỉnh kế hoạch "Made in China 2025", tuy chưa rõ đây là điều chỉnh chiến lược hay chỉ là chiến thuật.(Beijing no longer requires local governments to work on Made in China 2025, SCMP, December 14, 2018). 

Theo báo SCMP, chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các địa phương không tuyên truyền rầm rộ về "Made in China 2025" như trong ba năm vừa qua.

Tuy Tập Cận Bình không dễ dàng đầu hàng Mỹ và bỏ kế hoạch chiến lược mang dấu ấn của mình, nhưng có thể ông đã nhận ra sai lầm và phải điều chỉnh.

Bắc Kinh đang soạn thảo một kế hoạch mới để thay thế (vào đầu tháng 3/2019) chậm lại một thập kỷ (tới 2035).

Tuy chưa rõ Henry Kissinger và Henry Paulson có thuyết phục được Tập Cận Bình đáp ứng các yêu sách của Donald Trump không, nhưng theo yêu cầu của Tập Cận Bình, yêu sách 142 điểm của Mỹ được hai bên giữ kín (để giữ thể diện).  

Trong khi đó, một số quan chức trong chính quyền Trump như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (có quan điểm ôn hòa) cũng nghi ngờ kế hoạch mới của Bắc Kinh và cho rằng họ chỉ xuống thang để hoãn binh chứ chưa chịu từ bỏ kế hoạch "Made in China 2025".

Nên nhớ rằng báo cáo điều tra của USTR theo luật 301 (từ  8/2017) là chỗ dựa cho cuộc chiến thương mại và danh sách 142 điểm mà Trump yêu cầu Bắc Kinh phải đáp ứng.

Tháng trước, báo cáo cập nhật của văn phòng Lighthizer (USTR) vẫn khẳng định "Bắc Kinh chưa biết sợ (undaunting) và chưa làm gì để cải thiện tình hình". (Trump names hard liner Lighthizer to be vigilant in China talks, Megan Casella & Catlin Oprysko, Politico, December 3, 2018). 

Quyết định của Trump cử Robert Lighthizer làm Trưởng đoàn đàm phán với Trung Quốc chắc làm Bắc Kinh đau đầu. Vậy Lighthizer là ai?

Tại một cuộc họp ở Nhà Trắng (8/2017), Robert Lighthizer đã lý giải đầy sức thuyết phục tại sao phải cứng rắn với Bắc Kinh, nên Donald Trump đã lệnh cho ông điều tra và đề xuất các phương án triển khai.

Trước đây, trưởng đoàn đàm phán thường là Bộ trưởng Tài chính (Steven Mnuchin) hoặc Bộ trưởng Thương mại (Wilbur Ross);

Nay Trump coi đàm phán với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu, vì cơ hội tái cử năm 2020 phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề này. Vì vậy, đây là một canh bạc lớn đối với Trump.

Về con người và phong cách, Lighthizer và Trump tuy khác hẳn nhau, nhưng tư tưởng lớn gặp nhau (như "ideological soulmates"). (Ideological soulmates: How a China skeptic sold Trump on a trade war, Andrew Restuccia & Megan Casella, Politico, December 26, 2018).  

Phần nổi của tảng băng chìm

Để tránh nhầm lẫn về khái niệm, trước hết "ngừng bắn tạm thời" là Mỹ tạm dừng chưa đánh thuế  25% như là "hưu chiến" (truce) để đàm phán tiếp (và nghỉ Giáng Sinh), chứ không phải "đình chiến" (ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh).Thứ hai, "ngừng bắn tạm thời" chỉ liên quan đến thương mại là "phần nổi của tảng băng chìm", trong khi Mỹ-Trung xung đột trên nhiều lĩnh vực.

Đánh sân sau, "đội trưởng đội cứu hỏa" TQ quyết dập lửa chiến tranh thương mại Trung-Mỹ
Thứ ba, thời hạn 90 ngày chỉ là "hoãn binh" (chiến thuật), nhưng quá ngắn để Trung Quốc có thể chuyển đổi cơ cấu (structural changes) như Mỹ đòi hỏi.  

Khi cuộc chiến leo thang, Tập Cận Bình và Donald Trump đều cần hoãn binh để đối phó với những vấn đề nội bộ.

Trong khi Donald Trump bị sức ép từ thị trường chứng khoán và mấy bang trồng đậu tương, Tập Cận Bình phải đối phó với những vấn đề cấp bách trong nước tiềm ẩn rủi ro.

Tuy Mỹ và Trung Quốc đã thông tin và lý giải khác nhau về thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày, nhưng nếu Trung Quốc không thay đổi trong 15 tháng qua thì làm sao họ có thể thay đổi trong 3 tháng tới.  

Nói cách khác, trong khi Mỹ-Trung "đối đầu" (về chiến lược) thì họ "vừa đánh vừa đàm" (về chiến thuật).

Trong bối cảnh đó, Mạnh Vãn Chu đã bị mắc kẹt trong trò chơi quyền lực mới (new game of thrones) như một tù binh hay con tin chờ quyết định dẫn độ.

Mạnh Vãn Chu và Hoa Vi bị cáo buộc đã gian lận để cung cấp thiết bị viễn thông cho Iran qua Skycom (một công ty con của Hoa Vi) nên đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ (từ 2009 đến 2014).

Theo các luật sư, một toà án tại New York đã có trát bắt Mạnh Vãn Chu từ 22/8/2018.  

Theo Bloomberg (7/12/2018) nếu đàm phán thương mại đổ vỡ, và Donald Trump áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc (tổng cộng $517 tỷ), thì Trung Quốc có thể nguy to.

Trong cuộc chiến thương mại "bất cân xứng" (asymmetric) Donald Trump tin rằng sau "hiệp hai" Bắc Kinh sẽ "hết đạn" và tổn thất nặng nề.

Các chuyên gia kinh tế dự báo sang năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ 6,5% xuống còn 5%, và chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm 9,4%.

Có lẽ Tập Cận Bình và các cố vấn chủ chốt đã tính toán lại, thấy cần phải xuống thang và đàm phán thỏa thuận ngừng bắn, nhằm điều chỉnh kế hoạch trước khi quá muộn. 

Gần đây, Viện Hoover (Standford University) phối hợp với George Washington University và Asia Society, đã quy tụ được một nhóm (working group) gồm 33 chuyên gia hàng đầu của Mỹ và một số nước khác;

Mục đích là để phân tích những hoạt động của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đối với các lĩnh vực (quốc hội, chính quyền bang, cộng đồng Hoa kiều, trường đại học, viện nghiên cứu, báo chí, doanh nghiệp, và công nghệ) tại Mỹ và các nước khác.

Đây là lần đầu tiên có một công trình nghiên cứu công phu và toàn diện, về thách thức của Trung Quốc trong hơn một năm qua.

Tuy hầu hết các chuyên gia này trước đây đều ủng hộ chủ trương hợp tác với Trung Quốc (Constructive Engagement), nhưng nay đề xuất phải cảnh giác với Trung Quốc (Constructive Vigilance). (Chinese Influence & American Interests: Promoting Constructive Vigilance, Report by Hoover Institution, Stanford University, November 29, 2018).   

Lợi bất cập hại

Tại diễn đàn "Vietnam Business Outlook 2019" (2/11/2018), Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh (đại học Fulbright, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng) đã nhận xét thẳng thắn "triển vọng kinh tế năm 2019 khá ảm đạm".

Nguyên nhân chủ yếu vừa do suy thoái kinh tế toàn cầu, vừa do tác động khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo Vũ Thành Tự Anh, không nên đặt vấn đề "Việt Nam được lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung" (vì lợi bất cập hại). Một là, cuộc chiến này của Donald Trump được sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Hai là, cuộc chiến này không chỉ về thương mại mà là cuộc chiến tổng lực để sắp xếp lại trật tự thế giới. Ba là, còn nhiều rủi ro ở phía trước nên chớ vội lạc quan, vì "bên ngoài đang có bão" (Triển vọng kinh tế Việt Nam 2019, Vũ Thành Tự Anh, the Leader, 04/11/2018).  

Theo Vũ Thành Tự Anh, Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao, nhưng khi thực hiện thì lưng chừng, nên kết quả cũng chỉ ở mức lưng chừng.

Cứ sau 10 năm, lại có bất ổn vĩ mô xảy ra một lần. Năm nào kết thúc bằng số 9, thì kinh tế lại trục trặc do nền tảng tăng trưởng vĩ mô có vấn đề.

Các bất ổn vĩ mô đã xảy ra trong các năm 1979, 1989, 1999, 2009. Năm 2019 chắc cũng không ngoại lệ (tuy đã ký CPTP và có thể ký EVFTA).

Đối với các hiệp định thương mại, ký kết và thực hiện không tương xứng.

Ký hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn tranh thủ được cơ hội hay không lại là chuyện khác (như bài học AFTA và WTO). Nguyên nhân do năng lực chúng ta chưa được chuẩn bị, "như bị trói chân tay rồi thả xuống nước để bơi". 

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và cơ hội mới. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện được nguy hay cơ, và khôn ngoan "biến nguy thành thời cơ". 

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có mấy rủi ro lớn:

Một là độ mở cao và quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu; Hai là nhập siêu quá lớn (đặc biệt là với Trung Quốc); Ba là quá lệ thuộc vào đầu tư FDI như "bẫy gia công" (chiếm 50% tổng thu nhập và 70% hàng xuất khẩu). Bốn là bội chi ngân sách quá cao (tới 6% GDP); Năm là vay mượn quá nhiều (mắc vào "bẫy nợ công"). 

Theo chuyên gia Vũ Quang Việt (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 3/9/2018), Việt Nam nợ Trung Quốc hơn $6 tỷ trong tổng số nợ nước ngoài gần $100 tỷ.

Tuy khoản nợ này không lớn bằng các nước khác, nhưng đủ lớn để gây sức ép với Việt Nam như "bẫy nợ", trong bối cảnh tài khóa bất ổn hiện nay.

Gần đây, Trung Quốc tăng cường ép Việt Nam "gác tranh chấp để cùng khai thác dầu khí tại Biển Đông", như ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói hôm 16/9/2018: "Cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển là hợp tác khai thác trên biển".

Đó là cái bẫy mà Philippines và Việt Nam cần tránh, như Malaysia gần đây đã tỉnh ngộ và gọi đó là "chủ nghĩa thực dân kiểu mới".

Trong khi đó, Mỹ rất cảnh giác và sẵn sàng đánh thuế cao (tới 25% —35%) lên các mặt hàng của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng đối với thép Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam (như Formosa), Mỹ có thể đánh thuế tới 256%.  

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết, đến nay, Trung Quốc làm chủ thầu 49/62 dự án xi măng; 16/27 dự án BOT, 90% dự án EPC tại Việt Nam.

Năm 2017 Việt Nam nhập từ Trung Quốc $57 tỷ hàng hóa (bằng 30% tổng giá trị nhập khẩu), đưa mức nhập siêu lên $26.3 tỷ (bằng 10% GDP).

Hệ thống viễn thông của Việt Nam cũng dựa vào vào công nghệ của Trung Quốc.

Trong khi Viettel dựa vào Hoa Vi để xây dựng hạ tầng viễn thông 3G, và dựa vào ZTE vể điện thoại, thì VNPT cũng dùng công nghệ ZTE, trong khi ZTE và Hoa Vi đang bị các nước Mỹ, Anh, Nhật, Úc, Canada tẩy chay (hoặc cấm) vì an ninh quốc gia. 

Tuy chưa biết xu thế đối đầu Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu, nhưng xu thế hợp tác đã kéo dài bốn thập kỷ (quá lâu).

Cuộc chiến Mỹ-Trung sẽ không kết thúc ngay cả khi Donald Trump và Tập Cận Bình ký hiệp định hòa hoãn, vì đây là cuộc chiến của thế kỷ 21 để định hình lại trật tự thế giới.

Trong khi một số nước xoay trục để "thân Trung" (như Philippines) là hiện tượng nhất thời (có thể đảo ngược), các nước khác xoay trục để "thoát Trung" (như Malaysia) là hiện tượng phản tỉnh (backlash) nên là xu hướng khó đảo ngược.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần cải cách thể chế và điều chỉnh chiến lược để kiến tạo một "không gian sinh tồn" an toàn hơn.

Lời cuối

Trong khi thiên hạ chúc nhau Giáng sinh vui vẻ và Năm mới bình an, chắc "công chúa Hoa Vi" cảm thấy bất an, tuy được tại ngoại trong ngôi biệt thự đắt tiền nhưng lãnh lẽo tại Vancouver.

Bà chủ tương lai của đế chế công nghệ Hoa Vi đầy quyền lực (là chủ bài của chương trình "Made in China 2025") chắc rất khó chịu khi cổ chân phải đeo không phải đồ trang sức mà là cái vòng định vị GPS, như cách một động vật quý hiếm được bảo vệ quá chu đáo.   

Chắc Mạnh Vãn Chu không ngờ mình phải đón lễ Giáng sinh và Năm mới 2019 tại một nơi bà chỉ định quá cảnh, nhưng nay phải chờ quyết định dẫn độ sang Mỹ (như một tội phạm).

Như sự trớ trêu của định mệnh (và hệ quả không định trước), công chúa Hoa Vi đầy quyền lực nay bỗng trở thành nạn nhân của trò chơi quyền lực (game of thrones).

Đây có thể là chủ đề hấp dẫn cho một cuốn tiểu thuyết hay bộ phim hành động và khoa học viễn tưởng.    

Trong cuộc đọ sức để tranh giành vị trí bá chủ thế giới giữa con đại bàng Mỹ và con rồng Trung Quốc, công chúa Hoa Vi đã trở thành biểu tượng (và nạn nhân) của cuộc chiến tranh thương mại My-Trung, liên quan đến chiến lược "Made in China 2025".

Chính Hoa Vi đang vận dụng công nghệ cao (như AI & big data) vào "hệ thống cho điểm xã hội" (social credit system) như một nguy cơ mới đối với loài người, mà sử gia Noah Harari đã đề cập tới. 

Thảo luận