Ngành logistics là một mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp cao, kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng qua nhiều phương thức vận tải như dịch vụ chuyển phát nhanh, hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ. Do đó, Trung tâm logistics của Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Tại hội thảo "Xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng và logistic khu vực châu Âu, châu Mỹ" diễn ra mới đây, ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Logistic toàn cầu đã đưa ra đề xuất về những vị trí tiềm năng có thể đầu tư các trung tâm logistics của Việt Nam ở thị trường nước ngoài như: Tây EU là cảng Rotterdam hay Antwerp; ở Trung tâm EU là Cologne — CHLB Đức; ở Đông Nam EU là Cảng Koper — Slovenia; ở Mỹ là Los Angeles và Dallas (Global Hub); ở Panama: Khu thương mại tự do Colon.
Tuy nhiên, để có được Trung tâm logistics của Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Tương — Cố vấn cấp cao Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng Bộ Công Thương nên hỗ trợ thêm về thông tin, luật pháp liên quan đến các trung tâm logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ; tổ chức các đoàn khảo sát sang các nước trọng điểm để các doanh nghiệp Việt Nam tìm đối tác đầu tư, liên doanh liên kết trong việc phát triển các trung tâm logistics tại khu vực châu Âu, châu Mỹ.
TS. Võ Trí Thành — nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Trung tâm logistics phải có vai trò tối ưu hóa mức dự trữ, đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng, tối thiểu thời gian lưu chuyển hàng hóa và giảm chi phí tới mức tối ưu. Đơn cử như tại Mỹ, ngành logistics là một mạng lưới chuỗi cung ứng tích hợp cao kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng qua nhiều phương thức vận tải (dịch vụ chuyển phát nhanh, hàng không, đường sắt, đường biển, đường bộ).
"Bài học kinh nghiệm từ các nước lớn cho thấy, Việt Nam cần xác định vị trí, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, nằm gần các trung tâm kinh tế thương mại lớn. Xác định được quỹ đất, chi phí và triển vọng cho trung tâm logistics hoạt động trong thời gian dài ra sao? Ngoài ra, với vốn đầu tư lớn cộng với thời gian thu hồi vốn rất dài, rủi ro cao… nên cần có chính sách đặc thù về thuế, hỗ trợ vốn, gắn với đặc khu… để thu hút đầu tư…", ông Thành khuyến nghị
Là cơ quan đứng đầu trong việc xây dựng chính sách logistics, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu — châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết việc xây dựng và phát triển các trung tâm logistics của Việt Nam tại nước ngoài được các chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp đẩy mạnh giao thương, tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp vào các chuỗi cung ứng.
Theo đó, Vụ Thị trường châu Âu — châu Mỹ sẽ tiếp thu các ý kiến, các đề xuất về mô hình xây dựng các trung tâm logistics của Việt Nam tại nước ngoài để tổng hợp đưa vào Kế hoạch hành động chung về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics Việt Nam.