Côn trùng tới giúp sức. Vì sao gián lại có thể trở thành công cụ xử lý rác hiệu quả?

Tái chế chất thải gia đình là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong xã hội hiện đại. Điều này đặc biệt nan giải đối với Trung Quốc do các thành phố ngày càng mở rộng. Các bãi rác của Trung Quốc đã đầy tràn, các nhà máy xử lý rác không thể đối phó với số lượng chất thải khổng lồ này.
Sputnik

Giúp sức trong việc cứu vãn tình hình và thoát khỏi những núi rác có thể là…gián.

Ở thành phố Tế Nam có một trang trại gián, nơi chúng giúp hấp thụ tới 50 tấn chất thải thực phẩm mỗi ngày. Trang trại này được vận hành bởi công ty Shandong Qiaobin Agricultural Technology. Năm tới, công ty dự kiến mở thêm ba "xí nghiệp" tương tự, vì cho rằng bước đi này sẽ giúp xử lý một phần ba tổng số chất thải thực phẩm của thành phố.

Ông Sergey Artyomenko, Tiến sĩ Sinh học, Trợ lý Khoa Sinh thái và Di truyền học thuộc Đại học quốc gia Tyumen đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Sputnik về những lý do, vì sao gián lại có thể trở thành công cụ xử lý rác tốt

"Có một nhóm vi sinh vật thuộc loại phân hủy, trong đó có côn trùng ăn các chất thối rữa và những chất thừa hữu cơ khác nhau. Nếu nói cách khác thì đây chính là các máy xử lý rác tự nhiên".

Gián là loại côn trùng lý tưởng để đóng vai trò "lò đốt rác", nhưng đòi hỏi phải có các yếu tố bên ngoài, đó là nhiệt độ và độ ẩm. Do đó, để trại gián có thể hoạt động thì cần tuân thủ tất cả các điều kiện sống của chúng.

"Đây là ý tưởng cực kỳ tốt, đặc biệt là vì trong ruột của những loài côn trùng này có chứa các vi khuẩn có khả năng xử lý cellulose. Trong thiên nhiên đó là lá cây, còn trong trường hợp này thì đó là giấy. Tuy nhiên có vài điểm cần chú ý. Tốc độ trao đổi chất của gián không cao, để đạt được quy mô công nghiệp như chúng ta mong muốn thì phải nuôi những đàn gián khổng lồ. Ngay cả tốc độ tiêu hóa của chúng cũng phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm. Do đó, cần mất nhiều sức lực để chăm sóc môi trường sống cho gián, thậm chí khó hơn đối với người. Nhưng nói chung, ý tưởng này là đơn giản và đầy hứa hẹn. Nếu tuân thủ đầy đủ các điều kiện thì có thể chuyển đổi hàng núi chất thải thành phân bón an toàn", — ông Artyomenko nhận định.

"Và, tất nhiên, chúng ta không nên loại trừ nguy cơ xảy ra tai nạn công nghiệp, khi tất cả côn trùng có thể chạy trốn khỏi nhà máy", nhà khoa học bày tỏ mối lo ngại.

Tiện đây xin nói thêm, tại Tế Nam, vấn đề này đã được người ta nghĩ tới ngay từ đầu, và vì thế có quyết định đào một con mương đặc biệt chứa đầy nước. Nếu côn trùng chạy trốn, chúng chắc chắn bị rơi xuống mương và trở thành thức ăn của cá.

Tin tức về gián gây ra phản ứng trái chiều từ người dùng Weibo. Họ bày tỏ lo ngại về việc phải xử lý những con gián chết như thế nào, và nếu bầy gián với số lượng lớn như vậy trốn khỏi nhà máy thì điều gì sẽ xảy ra.

"Và khi gián sẽ chết, người ta sẽ cho chúng vào đồ ăn hay dùng để làm thuốc chăng?" Làm sao tôi biết chắc con gián này đã ăn những thức ăn gì trước đó?"

"Nghe mà thấy buồn nôn. Không biết, những người ăn gián có biết rằng con gián trước đó đã ăn rác hay không? Họ nghĩ gì khi bỏ vào miệng những con gián này?

"Cuộc vượt ngục của gián có thể là ý tưởng tốt cho một bộ phim thảm họa".

Thảo luận