Toàn văn bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng — Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tiêu đề "Đối ngoại năm 2018: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả":
Thời khắc khi năm cũ qua đi, năm mới đang đến là lúc chúng ta cùng nhìn lại những việc đã làm trong năm qua và suy nghĩ về những dự định cho năm mới. Đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, năm 2018 là năm bản lề — năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, có ý nghĩa rất quan trọng trong tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế — xã hội giai đoạn 2016 — 2020.
Nhìn lại năm 2018 đầy ắp sự kiện, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã tiếp tục phát huy thành công rực rỡ của năm 2017, nâng cao vị thế của đất nước trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế — xã hội đến chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, thể thao, văn hóa…
Tình hình thế giới và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm qua biến động nhanh với nhiều nhân tố bất ngờ và bất định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới và trong khu vực ngày càng gay gắt, quan hệ giữa nhiều nước gặp khó khăn, thậm chí có lúc rơi vào khủng hoảng. Đi liền với đó là những rung lắc, đảo lộn, va đập giữa chủ nghĩa bảo hộ với toàn cầu hóa, giữa chính trị cường quyền với thượng tôn luật pháp, giữa hành động đơn phương với chủ nghĩa đa phương…
Điều đáng mừng là giữa những lực đẩy, lực kéo đó, với nỗ lực của các thành viên, ASEAN vẫn duy trì được đoàn kết, vững bước trong tiến trình xây dựng Cộng đồng và khẳng định được vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình. Trước những xáo trộn bởi chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại, liên kết kinh tế quốc tế, nhất là ở khu vực Châu Á — Thái Bình Dương vẫn được thúc đẩy.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Với phương châm chủ động, sáng tạo trong cách làm và hiệu quả trong hành động, công tác đối ngoại đã vươn mình khẳng định thêm nhiều dấu ấn mới, góp phần nâng cao thế và lực của đất nước.
Thứ nhất, đối ngoại đa phương đã có bước phát triển mới về chất với việc ngày 8/8/2018 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương. Đó là một cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại và thể chế hóa chủ trương của Đại hội Đảng XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, theo đó chúng ta phấn đấu dần đóng vai trò "nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải" trong các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.
Nối đà thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, năm nay đối ngoại đa phương tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ, trở thành điểm sáng nổi bật của ngoại giao Việt Nam năm 2018. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Diễn đàn Nghị viện Châu Á — Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Me Kong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia — Lào — Việt Nam (CLV) lần thứ 10…
Bên cạnh các đề xuất và đóng góp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế từASEAN đến ASEM, APEC, Liên Hợp Quốc… luôn được ủng hộ và đánh giá cao, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế tín nhiệm trao thêm nhiều trọng trách đa phương quan trọng.
Tháng 5/2018, Nhóm nước Châu Á — Thái Bình Dương đã chính thức thông qua đề cử Việt Nam là đại diện duy nhất của Nhóm ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 — 2021.
Tháng 12/2018, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL), tạo điều kiện cho chúng ta tham gia định hình luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn đầu theo hướng phù hợp với lợi ích của đất nước.
Thứ hai, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những diễn biễn phức tạp, bất ngờ, với tinh thần chủ động, sáng tạo, chúng ta không những củng cố mà còn mở rộng thêm được khuôn khổ quan hệ với các đối tác chủ chốt. Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các đối tác, nhất là các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc, các nước ASEANvà các nước lớn như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp… tiếp tục đi vào chiều sâu; tin cậy chính trị và hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực tiếp tục được tăng cường.
Năm qua, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện 28 chuyến thăm nước ngoài và dự các hội nghị quốc tế lớn, đón 33 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước thăm và dự các hoạt động quan trọng tại Việt Nam và hàng trăm cuộc tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị đa phương quan trọng.
Thứ ba, hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo. Giữa những con gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn. Cùng 10 quốc gia thành viên khác, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là một trong 7 nước phê chuẩn hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên trên thế giới, qua đó khẳng định vai trò là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực.
Chúng ta và Liên minh Châu Âu (EU) đang hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam — EU (EVFTA). Dự báo khi đi vào triển khai, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% đến năm 2035 và giúp đưa 600.000 người thoát nghèo đến năm 2030 ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày, qua đó đóng góp thiết thực vào việc hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao 30 là lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới, ngoại giao kinh tế đã góp phần xứng đáng vào thúc đẩy nâng cao kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta đạt con số kỷ lục 475 tỷ USD trong đó xuất siêu đạt 7,7 tỷ USD, góp phần đưa tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Thứ tư, đối ngoại đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng quốc phòng — an ninh hình thành thế chân kiềng vững chắc góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy luôn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại. Đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia tiếp tục được quản lý tốt, thực sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Việt Nam và Campuchia đang phấn đấu pháp lý hóa 84% thành quả phân giới cắm mốc mà đến nay hai bên đã đạt được.
Trên Biển Đông, chúng ta cũng tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các quyền, lợi ích hợp pháp phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vòng đàm phán thực chất chính thức đầu tiên về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được tổ chức tại Nha Trang (3/2018) tạo cơ sở ban đầu để hướng tới xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc.
Trung ương Đảng cũng đã ban hành Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Đây cũng chính là khát vọng của nhân dân Việt Nam.
Trong năm 2018, chúng ta đã bảo hộ tổng cộng 10.378 công dân (tăng 22% so với năm 2017), 1.589 ngư dân/189 tàu cá. Chúng ta đã tranh thủ quan hệ hữu nghị với nhiều nước như Indonesia, Philippines…để vận động đối xử nhân đạo cho các công dân, ngư dân ta. Nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa được tổ chức cho kiều bào, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về quê hương đất nước, đóng góp cả trí và lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, hội nhập, ổn định, hiếu khách và giàu bản sắc. Đặc biệt, việc công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng và "Hoàng hoa sứ trình đồ" được UNESCO công nhận đã làm phong phú thêm các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam. Những nỗ lực đó đã góp phần nâng số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam năm nay lên con số kỷ lục trên 15 triệu lượt người.
Nhìn tổng thể, có thể thấy những kết quả quan trọng đạt được trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước năm 2018 đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời định vị Việt Nam một cách vững chắc hơn trong cục diện khu vực và quốc tế.
Vững tin hướng tới chặng đường phía trước
Những nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại Việt Nam năm 2019 là: Tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn; triển khai tốt Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương, nhất là hoàn tất công tác chuẩn bị mọi mặt để hướng tới đảm nhận các trọng trách tại các diễn đàn đa phương quan trọng như ASEAN và Liên Hợp Quốc; giữ cho được đà hội nhập quốc tế, nhất là việc triển khai hiệu quả CPTPP và các hiệp định thương mại thế hệ mới khác; bước vào giai đoạn liên kết kinh tế quốc tế sâu rộng hơn. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đó, toàn ngành sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng nền Ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, xứng tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trí tuệ và bản lĩnh của ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định, gặt hái thêm nhiều thành tựu lớn hơn, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.