Vấn đề nói trên được ông Nguyễn Văn Thể — Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) — nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chiều 3/1, tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Cường — Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam — cho biết, năm 2018, Tổng cục được giao vốn kế hoạch xây dựng cơ bản hơn 3.200 tỷ đồng và vốn kế hoạch bảo trì đường bộ hơn 8.300 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải ngân đều đạt 100% nguồn kinh phí được cấp.
Cũng theo ông Cường, năm 2018 là năm đầu tiên triển khai đấu thầu qua mạng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai đấu thầu qua mạng trên 50% số gói thầu và trên 40% tổng chi phí, vượt chỉ tiêu Bộ GTVT yêu cầu. Tổng số tiền tiết kiệm được là hơn 200 tỷ đồng.
Trong năm, có hơn 21.400km quốc lộ và đường cao tốc, 229 cầu và nhiều hạng mục khác đã được bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý 322 điểm đen.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý một khối tài sản "khổng lồ", từ đường quốc lộ, cao tốc đến hệ thống cầu. Công tác duy tu sửa chữa cần phải tập trung hơn nữa.
Hiện tại, còn hơn 16.000km đường bộ quá hạn trung, đại tu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói:
"Nếu công tác duy tu không kịp thời, mạch máu phát triển kinh tế sẽ bị gián đoạn. Nếu không kịp thời sửa chữa để xảy ra tai nạn thì mai mốt các đồng chí ra tòa.".
Ông Thể dẫn chứng trường hợp người bị tai nạn tử vong do đường xấu ở quốc lộ 1 qua Phú Yên mới đây, gia đình người bị nạn đã gửi đơn đề nghị tòa án truy cứu trách nhiệm hình sự của Ban quản lý dự án Thăng Long. Lí do họ đề nghị là do cơ quan này chểnh mảng công tác duy tu, sửa chữa dẫn đến tai nạn chết người.
Bộ trưởng GTVT yêu cầu cơ quan chức năng phải tích cực hơn nữa trong đánh giá thực trạng để đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí sửa chữa, để mỗi đoạn đường không trở thành "cung đường ám ảnh" với bất cứ ai.
Trong năm 2019, Bộ trưởng GTVT giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT phải xóa điểm đen tai nạn giao thông, đây là ưu tiên số 1.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải vận hành tốt nhất hệ thống đường BOT hiện hữu, tiếp tục nghiên cứu đề xuất, báo cáo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan giải quyết căn cơ các trạm BOT.