Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây ký một dự luật được sự ủng hộ của lưỡng đảng liên quan đến Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) chính là một phần trong loạt biện pháp của Mỹ nhằm ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc. Trong suốt 4 thập kỷ cải cách mở cửa ở Trung Quốc, trớ trêu thay là với sự giúp đỡ của Mỹ, đã không đưa đến một Trung Quốc như Henry Kissinger mong đợi và cũng không đưa nước này về "cùng phe" với Mỹ.
Trái lại, Bắc Kinh thậm chí đã có một kế hoạch dài hạn nhằm thay thế vị trí của Mỹ khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017 dự tính Bắc Kinh sẽ giữ "vai trò trung tâm" trên thế giới. Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho "2 sự kiện thế kỷ" là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 và 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2049.
Thách thức từ sự nổi lên của Trung Quốc
Những mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thực tế không được phản ánh rõ trong cuộc chiến thuế quan nổi lên 6 tháng gần đây, bất kể thỏa thuận 90 ngày hòa hoãn đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina. Việc Mỹ áp mức thuế quan hơn 250 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc đã bị Bắc Kinh đáp trả tương xứng, bất chấp mức thặng dư khổng lồ mà Trung Quốc đã hưởng trong những năm qua. Trong khi đó, cán cân thanh toán giữa Bắc Kinh và Washington hiện đã lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Thứ hai, bằng việc áp dụng Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc, Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định vai trò ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong thập kỷ qua và sẵn sàng mở "hầu bao" để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực châu Á và Ấn Độ — Thái Bình Dương. Động thái này của Trung Quốc diễn ra bất chấp việc các nhà lãnh đạo nước này khẳng định "không có ý định quân sự hóa" các khu vực trên. Trong quá trình quân sự hóa này, Trung Quốc nỗ lực đẩy Mỹ và các quốc gia khác ra khỏi Biển Đông.
Thứ tư, việc Mỹ kiềm chế những tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc như ZTE và Huawei với các cáo buộc lần lượt liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên và Iran cho thấy xung đột Mỹ — Trung đã không chỉ dừng lại ở thương mại mà đã lan rộng sang các lĩnh vực khác như an ninh mạng và an ninh khu vực.
Sự nhất trí của đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cách đánh giá về sự nổi lên của Trung Quốc khi coi nước này và Nga là những đối thủ cạnh tranh trong Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ năm 2018 hay bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ tại Viện Hudson ngày 4/10/2018 đều được coi là một phần trong quá trình thực hiện sáng kiến ARIA.
Sáng kiến ARIA liệu có giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc?
ARIA không phải là một chiến lược mới của Mỹ, Thực tế là dưới thời chính quyền Tổng thống Obama tiền nhiệm, chiến lược "xoay trục" và "tái cân bằng" cũng theo đuổi những mục tiêu tương tự nhưng đã không được tiến hành ngoại trừ việc Hải quân Mỹ triển khai lực lượng ở St.Darwin, Australia. Bên cạnh đó, diễn đàn Đối thoại An ninh Bốn bên dù được thành lập ngày 11/11/2017 gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhưng lại không thiết lập được một thể chế chính thức. Ngoài ra, thông báo gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc cung cấp 100 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ — Thái Bình Dương dường như không là gì so với con số hơn 80 tỷ USD mà Trung Quốc đã đầu tư cho các dự án Vành đai Con đường trong 5 năm qua.