Ông Dương Hoàng Minh cho biết, theo thống kê của Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đã lên tới 4,26 tỷ USD, tức là tăng thêm 33,1% so với năm 2017. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 2,3 tỷ USD, tức là tăng thêm 15%. Và tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam lên tới 1,96 tỷ USD, tăng thêm 63,4%.
Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Hải quan Nga, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 4,8 tỷ đô la. Theo dự báo của các đồng nghiệp Nga, trong cả năm, kim ngạch thương mại sẽ đạt 6,2 — 6,4 tỷ USD. Nếu hai bên duy trì tốc độ tăng trưởng cao như vậy, thì có thể hy vọng rằng, hai nước sẽ hiện thực hoá mục tiêu tổng kim ngạch thương mại Việt Nam — Nga đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 — đây là nhiệm vụ mà các nhà lãnh đạo của hai nước đã đặt ra.
Điều quan trọng cần lưu ý là các luồng hàng hóa không cạnh tranh với nhau mà bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang Nga cả các sản phẩm truyền thống — nông sản và hải sản, quần áo, giày dép, cũng như máy tính, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử. Và Nga xuất khẩu sang Việt Nam — phân bón, sản phẩm xăng dầu, phụ tùng. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 11, Việt Nam đã nhận được lượng lúa mì Nga với tổng trị giá 630 triệu USD, gấp 8 lần so với năm 2017.
Ông Dương Hoàng Minh rất hài lòng nhấn mạnh tính hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) đã đi vào hiệu lực vào tháng 10/2016. Theo dữ liệu của phía Việt Nam, năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Nga tăng thêm 33% so với năm 2017, thêm 70% so với năm 2016, và tăng gấp 2,2 lần so với năm 2015 khi Hiệp định chưa có hiệu lực.
Tham tấn thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cũng lưu ý rằng, trong quan hệ đối tác thương mại và kinh tế giữa hai nước còn có những vấn đề cần được giải quyết.
Mặc dù trong năm 2018 số lượng chuyến đi công tác của các doanh nhân Việt Nam đến Nga và các doanh nhân Nga đến Việt Nam đã tăng đáng kể, và họ đã tích cực tham gia các triển lãm trong nước và quốc tế ở cả hai quốc gia, nhưng, các doanh nhân của Việt Nam và Nga vẫn chưa hiểu đầy đủ các yếu tố điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội trên thị trường của hai nước. Ngoài ra cần phải mở rộng số lượng các doanh nghiệp có quyền tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu. Ngày nay ở Việt Nam có 20 doanh nghiệp như vậy, còn ở Nga chỉ có tám cơ sở. Trong lĩnh vực hậu cần cũng có những vấn đề. Hành trình vận chuyển hàng hóa Việt Nam bằng đường biển đến Vladivostok, từ đó bằng đường sắt đến phần châu Âu của Nga, cũng như hành trình vận chuyển bằng đường biển đến St. Petersburg đều mất rất nhiều thời gian, từ 25 đến 45 ngày. Do đó, hai bên đang tích cực thảo luận về hành trình vận chuyển bằng đường sắt, phương án này đầy hứa hẹn. Đã có mấy chuyến vận tải hàng hóa bằng đường sắt giữa thành phố Kaluga của Nga và Hà Nội.
Ông Dương Hoàng Minh cho biết, trong năm 2018 cả phía Việt Nam và phía Nga đã đưa ra nhiều dự án đầu tư mới liên quan đến việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt ở Việt Nam, xây dựng khách sạn ở cả hai nước. Tập đoàn TH đang thực hiện thành công Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa khổng lồ tại khu vực Matxcơva và Kaluga và một số khu vực khác của LB Nga. Các nhà hàng và quán cà phê Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nga.
Theo ông Dương Hoàng Minh, sự hợp tác giữa các khu vực của Nga và Việt Nam góp phần quan trọng vào quá trình phát triển quan hệ thương mại và kinh tế của hai nước. Trong năm 2018, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh đã thực hiện một số chuyến công tác đến các khu vực của Nga, qua đó đóng góp vào sự phát triển của mối liên hệ này.
Tổng kết kết quả của năm 2018, Tham tấn thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga khẵng định rằng, mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và Nga ngày càng được nâng cấp lên mức độ cao của quan hệ chính trị giữa hai nước. Điều này đã được khẳng định trong thời gian chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người sớm được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam, và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, cũng như tại kỳ họp thường kỳ của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại. Hai bên đã đề xuất những phương pháp cụ thể để thúc đẩy quá trình phát triển quan hệ đối tác giữa hai nước, mà Thương vụ Việt Nam tại Nga và Thương vụ Nga tại Việt Nam cũng hỗ trợ đầy đủ cho quá trình này.