Sáng 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) họp cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Đây là dự án luật được đánh giá là "khó", khiến cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp nhiều lần phải xin ý kiến các thành viên Ủy ban TVQH.
Phạm nhân được hưởng chín nhóm quyền
Một trong những vấn đề còn có ý kiến khác nhau là quy định về quyền và nghĩa vụ của các phạm nhân. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, dự thảo luật quy định chín nhóm quyền mà phạm nhân được hưởng trong quá trình chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, điều luật này còn có một quy định "quét": "Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ".
Bà Nga cho hay vấn đề này các đại biểu QH có hai loại ý kiến khác nhau. Một loại cơ bản tán thành dự thảo luật nhưng cần rà soát quy định để bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân phải phù hợp với khả năng đáp ứng của Nhà nước. Loại ý kiến khác lại cho rằng quy định nêu trên là quá rộng và không rõ ràng. Ý kiến này đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật là phạm nhân được hưởng những quyền gì và bị hạn chế những quyền gì.
Phát biểu quan điểm của Ủy ban Tư pháp, bà Nga cho rằng về nguyên tắc, quyền cơ bản của con người, quyền công dân đã được quy định trong hiến pháp, do đó các luật chuyên ngành cần phải cụ thể hóa các quyền này. Còn đối với phạm nhân, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội.
Những quyền cơ bản, thiết yếu (như quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe; bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp; quyền lao động, học tập, học nghề…) đương nhiên cần phải được thực hiện tốt. Tuy nhiên, một số quyền khác đối với phạm nhân còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế-xã hội và khả năng đáp ứng của Nhà nước (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng…).
"Việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết nhưng phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức" — bà Nga nhấn mạnh.
Cũng giống các đại biểu QH, Ủy ban Tư pháp và cơ quan soạn thảo cũng có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề nêu trên, do mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm khác nhau.
"Ủy ban Tư pháp trình xin ý kiến của Ủy ban TVQH về vấn đề này" — bà Nga nói.
Bộ trưởng Tô Lâm: Quyền của phạm nhân phải có bước đi phù hợp
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng phạm nhân đã bị cách ly ra khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do (nhất là quyền tự do đi lại) nên có một số quyền công dân khác khó được bảo đảm so với những công dân bình thường.
"Thực tế có nhiều điều kiện chúng tôi phải tính đến. Có ý kiến nói ngày giỗ cha, giỗ mẹ có được về không? Hay cưới con, cưới cháu có được ra ngoài không? Đúng luật là không có nhưng với những người cải tạo tốt thì có được phép hay không?" — ông Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Công an cũng thừa nhận vấn đề này rất khó quy định. Chẳng hạn, quyền sinh con được pháp luật thừa nhận nhưng nếu có chuyện sinh con, nuôi con trong trại giam lại là vi phạm luật. Hay thực tế các trại giam có "phòng hạnh phúc" để phạm nhân được gặp vợ, chồng nhưng không được sinh con, thể hiện bằng một cam kết.
"Nhưng họ không cam kết thì mình thành ra vi phạm luật" — ông Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm nói ông nhận được nhiều ý kiến cử tri đánh giá các quy định về chế độ áp dụng đối với phạm nhân, trong điều kiện nước ta như hiện nay, là cao quá.
"Chúng ta quy định rất nhân đạo, quốc tế đánh giá rất cao rồi." — ông Tô Lâm nói.
Ông Tô Lâm cho rằng việc thực hiện quyền của phạm nhân phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước. Quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền lưu trữ trứng, tinh trùng… không phải như những người bình thường. Việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết nhưng phải có bước đi phù hợp, bảo đảm tính khả thi và đặc biệt không vi phạm các luật khác đã được quy định.