Bác sỹ Hoàng Công Lương quyết tâm có mặt tại tòa vào ngày mai

Đến thời điểm này bác sỹ Hoàng Công Lương vẫn cố gắng và thể hiện sự quyết tâm có mặt tại phiên tòa vào ngày mai, 14/01/2019. Tuy nhiên chưa thể chắc chắn bác sĩ Lương sẽ có mặt tại tòa trong suốt thời gian xét xử, infonet cho biết.
Sputnik
Bác sĩ Hoàng Công Lương có dấu hiệu bệnh trầm cảm

Sau 1 tuần tạm hoãn phiên tòa xét xử vụ án "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" do sự vắng mặt của bị cáo Hoàng Công Lương, phiên tòa sẽ mở lại vào ngày mai, 14/01/2019.

Dư luận đang quan tâm liệu Hoàng Công Lương có thể tham dự phiên tòa vào ngày mai hay không. Trao đổi với PV Infonet, bác sỹ Hoàng Công Tình — Phụ trách khoa Hồi sức tích cực, chú ruột của Hoàng Công Lương — cho hay, "sức khỏe của Hoàng Công Lương đã khá hơn, tuy còn mệt nhưng sẽ đến tòa vào ngày mai".

Trong khi đó, Luật sư Trần Hồng Phúc — Luật sư bào chữa cho Hoàng Công Lương — khẳng định với PV Infonet, bác sỹ Lương sẽ "cố gắng có mặt tại phiên tòa". Tuy nhiên, nếu phiên tòa kéo dài liên tục trong nhiều ngày sẽ khó có thể đảm bảo sức khỏe để bác sỹ Lương có mặt liên tục tại phiên tòa.

"Bác sỹ Lương cố gắng có mặt tại phiên tòa. Sức khỏe có tiến triển nhưng vẫn đang trong tiến trình điều trị theo phác đồ điều trị và chỉ định của bác sỹ chuyên khoa bệnh viện Bạch Mai", Luật sư Trần Hồng Phúc cho hay.

"Nếu phiên tòa xét xử liên tục kéo dài trong nhiều ngày thì Hoàng Công Lương khó có khả năng đảm bảo sức khỏe để có mặt liên tục tại phiên tòa. Tùy theo điều kiện sức khỏe của thân chủ và biểu hiện lâm sàng cũng như lời khuyên, chỉ định của bác sỹ, luật sư chúng tôi sẽ đề nghị HĐXX xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm này bác sỹ Lương vẫn cố gắng và thể hiện sự quyết tâm có mặt tại phiên tòa vào ngày mai, 14/01/2019," Luật sư Phúc nói.

Hòa Bình: bị cáo Hoàng Công Lương nằm viện, phiên tòa hoãn đến 14/1

Trước đó, bác sỹ Hoàng Công Lương được điều trị lần lượt tại Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia — Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán "rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm". Sau đó, Hoàng Công Lương được đưa vào cấp cứu tại khoa Nội thần kinh — Cơ xương khớp, BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình kết luận, việc ra y lệnh và ký xác nhận của Hoàng Công Lương để tiến hành lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2, dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Do đó, trong lần ra Cáo trạng thứ hai, cơ quan này đã truy tố Hoàng Công Lương tội "Vô ý làm chết người" theo khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999.

Cùng bị truy tố tội danh trên còn có Bùi Mạnh Quốc (SN 1986), Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, cùng bị truy tố về tội "Vô ý làm chết người" theo khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999.

Các bị cáo còn lại gồm: Trần Văn Sơn (Sn 1990), viên chức phòng Vật tư — Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (SN 1965), nguyên Trưởng phòng Vật tư — Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương (SN 1962), nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Đỗ Anh Tuấn (Sn 1976), Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn, cùng bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999.

Thảo luận