Theo TS Nguyễn Thị Hồng, Tết cổ truyền chứa đựng tinh hoa, bản sắc dân tộc Việt. Nếu gộp Tết, kinh tế chưa chắc phát triển hơn nhưng sẽ tổn thất lớn về văn hóa truyền thống.
Hơn 10 năm trước, một người đáng kính có nhiều đóng góp cho nước nhà đề xuất gộp Tết ta với Tết Dương lịch. Từ đó, cứ mỗi lần Tết đến, người ta lại đưa vấn đề này ra bàn luận.
Những năm gần đây, chuyện gộp Tết càng được quan tâm với số lượng người tham gia bàn luận liên tục tăng.
Gộp Tết, kinh tế chưa chắc phát triển hơn
Những người đưa ra quan điểm gộp Tết có những căn cứ để luận giải cho lựa chọn của họ. Chúng ta trân trọng ý kiến sáp nhập Tết để tránh tốn kém, tệ nạn, tiết kiệm thời gian, vật chất và khẳng định sức sống của văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, từ góc độ của những người đam mê giá trị văn hóa truyền thống, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hết sức cẩn trọng khi xem xét vấn đề.
Người ta lý giải gộp Tết để đỡ tốn thời gian nhưng thời gian vốn do chúng ta sử dụng, không phụ thuộc tự nhiên.
Trên thực tế, vì nhu cầu cuộc sống, gánh nặng mưu sinh, nhiều người không ở nhà hết ngày nghỉ theo quy định. Vì thế, nghỉ dài hay ngắn là do mỗi người lựa chọn.
Tết cũng không phải nguyên nhân khiến người ta uống rượu nhiều hơn hay gia tăng tai nạn. Không ít người uống rượu thỏa thích trong nhiều trường hợp, chứ không chỉ mấy ngày Tết. Tương tự, những người không mê cờ bạc thì Tết cũng chẳng chơi.
Vì thế, gộp Tết không đảm bảo việc kinh tế sẽ phát triển hơn hay hạn chế tệ nạn xã hội. Vấn đề là Tết Nguyên đán có ý nghĩa gì, tại sao xã hội lại phân hóa thành hai luồng ý kiến nên nhập hay giữ?
Nếu quyết định sáp nhập, chúng ta phải tính việc đón Tết. Dịp này có "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" không hay ăn Tết theo kiểu phương Tây? Về phong tục tập quán, chúng ta sẽ bảo tồn, phát huy điểm gì và gạn lọc cái gì?
Bỏ Tết cổ truyền là bỏ toàn bộ phần lễ, các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Điều đó đồng nghĩa chúng ta bỏ đi một bảo tàng lịch sử văn hóa của dân tộc.
Trên thực tế, trước đây, chúng ta không ăn Tết tây và chỉ thay đổi trong những năm gần đây vì hội nhập. Điều này không có nghĩa phải bỏ đi những giá trị truyền thống.
Nhiều người trẻ chưa hiểu hết ý nghĩa Tết cổ truyền
Tôi không phủ nhận Tết nay khác Tết xưa rất nhiều. Ngày trước, công đoạn chuẩn bị Tết diễn ra trong vài tháng, nay chỉ cần mấy ngày.
Ngày nay, người Việt, đặc biệt giới trẻ, ăn ngon, mặc đẹp quanh năm. Những phong tục, tập quán đón Tết ngày xưa đang mất dần. Vì thế, Tết phần nào mất đi sức hút.
Bây giờ, một số người vẫn quan niệm về quê ăn Tết cùng gia đình nhưng không ít bạn trẻ thích du lịch hơn.
Điều tôi băn khoăn, trăn trở nhất là nhiều bạn thấy Tết chán vì có lẽ họ không hiểu nhiều về giá trị văn hóa truyền thống trong Tết.
Tôi từng hỏi sinh viên về cách bài trí bàn thờ, mâm cúng. Các em biết nhưng không hiểu hết tại sao lại cúng chuối, có mâm ngũ quả, đĩa xôi, con gà. Vì không hiểu, người trẻ chưa trân trọng và có ý thức giữ gìn.
Về việc một số người lấy chuyện Nhật Bản gộp Tết và phát triển ra sao, tôi có suy nghĩ khác. Thứ nhất, Nhật Bản ăn Tết Tây nhưng họ vẫn giữ truyền thống. Không chỉ Nhật, Hàn Quốc và Triều Tiên rất coi trọng Tết trung thu, biến đây thành Tết đoàn viên, thể hiện đạo lý dân tộc.
Tôi cũng không cho rằng nhờ bỏ Tết truyền thống mà Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Họ là nước nghèo về địa lý tự nhiên song giàu về trí tuệ, phẩm chất, chí khí của con người — những giá trị làm nên sức mạnh, vị thế của đất nước.
Với nước ta, Tết Nguyên đán đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, là bảo tàng lịch sử văn hóa dân tộc, chứa đựng những giá trị sâu sắc nhất.
Tết mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, lưu truyền những tinh hoa để làm nên đặc trưng, bản sắc dân tộc. Nếu bỏ Tết, tôi sợ chúng ta sẽ bỏ đi rất nhiều giá trị và đó là tổn thất với văn hóa nước ta.