Cải cách thể chế kinh tế thị trường Việt Nam như thế nào?

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh: “Những hạn chế của thể chế kinh tế đang là rào cản cho tăng trưởng và phát triển, đòi hỏi có sự đổi mới mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức cho đến quá trình thực thi”. Nhưng để cải thiện thể chế thì phải làm rõ một số “điểm nghẽn” từ lý luận đến thực tiễn của Nhà nước trong quản lý kinh tế, theo petrotimes.
Sputnik

Làm rõ một số khái niệm

Về phương diện lý luận cần xác định rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Trong thực tế, một trong những điểm mấu chốt nhất là cần xác định rõ vị trí chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế; không được đồng nhất vai trò "chủ đạo" của kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. "Chủ đạo" ở đây không phải là tuyệt đối trên mọi lĩnh vực, mà chỉ là chủ đạo trong một số lĩnh vực quan trọng của quốc gia như: năng lượng, tài nguyên, dầu khí, điện lực… để giữ ổn định chung của xã hội.

Trước nay, Chính phủ luôn khẳng định rằng ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước là "công cụ" để Chính phủ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Về mặt lý thuyết, công cụ điều tiết vĩ mô và bình ổn kinh tế trong nền kinh tế thị trường là chính sách tiền tệ, tài khóa và cơ cấu.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong 11 năm

Doanh nghiệp nhà nước chỉ là một tác nhân thị trường như muôn vàn các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, chịu tác động chứ không phải là một bộ phận của các chính sách điều tiết vĩ mô.

Trong điều kiện hiện nay, cần đảm bảo hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, đồng thời rút bớt ra khỏi lĩnh vực mà doanh nghiệp ngoài nhà nước đang làm, nhanh chóng cổ phần hóa để giảm đến mức thấp nhất các doanh nghiệp nhà nước, tăng cơ hội, không gian cho doanh nghiệp ngoài nhà nước có điều kiện phát triển.

Chính phủ cần xác định rõ những lĩnh vực được coi là trọng yếu đối với an ninh và ổn định kinh tế quốc gia, để quyết định doanh nghiệp nhà nước nào cần nắm giữ, cần duy trì quyền kiểm soát. Số doanh nghiệp nhà nước còn lại, trong đó có cả những tập đoàn và tổng công ty lớn mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ, phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, với mục tiêu rõ ràng là thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư chiến lược từ hàng ngũ các công ty đa quốc gia hàng đầu. Muốn vậy, phải loại bỏ quy định nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối 51% như hiện nay, thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải tạo dựng được hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả để các chủ thể, các doanh nghiệp trong nền kinh tế có cơ hội được tiếp cận, được phát triển bình đẳng.

Nghiên cứu đổi mới cách xây dựng pháp luật, nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy Nhà nước, không để các nhóm lợi ích có điều kiện tồn tại và chi phối. Người dân phải tham gia nhiều hơn, thể hiện rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong toàn bộ quá trình soạn luật cho đến thi hành luật, giám sát và thụ hưởng kết quả của môi trường luật lệ đó. Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, có cơ chế quản lý tốt để tránh tình trạng xin-cho, kiểm soát độc quyền.

Standard Chartered dự báo gì về kinh tế Việt Nam năm 2019?

Phó giáo sư Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách cũng cần hướng tới thực hiện đồng bộ các giải pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường. Theo đó, phát triển các loại thị trường, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại; cơ cấu lại thị trường tài chính, bảo đảm lành mạnh hóa, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản vận hành thông suốt và phù hợp quy luật cung-cầu…

Thực thi chức năng kép

Xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo để doanh nghiệp phát triển đang được Chính phủ và các Bộ ngành thực hiện trong hơn 2 năm qua đã đạt được một số bước tiến nổi bật, cụ thể. Các tổ chức quốc tế cũng như xếp hạng về cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong hai năm 2017-2018 đều tăng vượt bậc.

Phó giáo sư — Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh cho rằng, trong điều kiện phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh, Nhà nước phải thực thi chức năng kép vừa đóng vai trò và chức năng quản lý toàn bộ nền kinh tế, vừa đóng vai trò chủ sở hữu của hình thức sở hữu nhà nước và chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước.

Với chức năng quản lý, việc tạo cơ chế để đẩy mạnh kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng, chi phí thấp… là yêu cầu cấp thiết trong cải cách thể chế hiện nay. Cần thực hiện đúng phương châm mà Chính phủ đã định ra, đó là xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển.

Phân tích rõ hơn, Phó giáo sư Phạm Ngọc Linh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhưng đó mới chỉ là một bước để tháo gỡ, mà vấn đề là kinh tế thị trường luôn đòi hỏi có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Động lực kinh tế Việt Nam 2019 là gì?

Để làm được, đòi hỏi sự thống nhất từ trên xuống dưới, nỗ lực của các cấp ủy đảng, tổ chức bộ máy quản lý và cả người dân, chứ không chỉ dừng ở các Nghị quyết của Đảng. Nhà nước cũng nên tập trung nguồn lực để khắc phục những "khuyết tật" của thị trường, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội; trật tự, an toàn trong môi trường kinh doanh; bảo vệ môi trường; cải cách giáo dục, y tế…

Về chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp, Nhà nước cần tuyệt đối tránh tình trạng dành cho các doanh nghiệp nhà nước những ưu đãi hoặc lạm dụng các doanh nghiệp nhà nước như là một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Vì vậy, cần loại bỏ và giảm thiểu độc quyền, buộc các doanh nghiệp nhà nước đối diện với giá thị trường, nhất là đối với các loại giá cơ bản như lãi suất, tỷ giá, đất đai, và năng lượng.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, hiện nay hầu như tất cả các loại giá quan trọng nhất của nền kinh tế, bao gồm giá đất, tỷ giá, lãi suất, giá điện, giá xăng dầu… đều bị bóp méo. Hệ quả đầu tiên là nguồn lực quốc gia bị phân bổ rất kém hiệu quả, đồng thời tạo ra mảnh đất vô cùng màu mỡ cho các cuộc đua tranh, giành đặc quyền, đặc lợi, mà trong đó các tập đoàn và tổng công ty nhà nước luôn chiếm ưu thế. Hệ quả tiếp theo là những hoạt động đầu tư kém hiệu quả và hành vi trục lợi này kéo lệch cơ cấu kinh tế theo hướng bất lợi cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Có thể thấy rằng, rất nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế đã chỉ ra hàng loạt "điểm nghẽn" từ lý luận đến thực thi trong quản lý kinh tế của Nhà nước. Giờ đây vấn đề được các doanh nghiệp và dư luận quan tâm nhất là thời gian để "thông" những điểm này đến đâu và tốc độ như thế nào.

Thảo luận