Hy vọng về một xu hướng phát triển Thổ Cẩm Việt Nam

“Tôi hy vọng, Lễ hội sẽ đem lại một xu hướng phát triển thổ cẩm mới đó là Thổ Cẩm Việt Nam”, NTK áo dài nổi tiếng của Việt Nam Quang Huy nói với phóng viên Sputnik.
Sputnik

Trong những ngày 14, 15 và 16/01 tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã diễn ra Lễ hội Văn hoá Thổ cẩm Việt Nam lần thứ I. Chủ đề của sự kiện văn hóa ý nghĩa này là "Văn hoá thổ cẩm — tinh hoa hội tụ".

Khai mạc Lễ hội Thổ cẩm Việt Nam lần thứ I

Tối 14/01, trong không gian đậm đà bản sắc dân tộc của núi rừng Tây Nguyên đã diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội đặc sắc. Nhiều tiết mục ca múa nhạc, trình diễn thời trang từ chất liệu thổ cẩm đã tái hiện quá trình hình thành, phát triển, ý nghĩa của văn hóa thổ cẩm trong đời sống của đồng bào các dân tộc của Việt Nam.

Một tiết mục trong đêm khai mạc Lễ hội thổ cẩm Việt Nam lần I

Tại đêm khai mạc Hoa hậu Việt Nam H'hen Niê đã nói rằng rất tự hào khi mang trên mình trang phục thổ cẩm và đó là một niềm tự hào không chỉ đồng bào dân tộc Tây Nguyên mà còn ở nhiều tỉnh thành khác.

Biểu diễn trang mục từ chất liệu thổ cẩm

Còn những nghệ nhân nghề thổ cẩm thì không chỉ tự hào về nghề dệt truyền thống dân gian này, mà còn ước mong nó được kế thừa và tiếp tục phát triển.

Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ I chính là dịp để tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, địa phương, tạo động lực cho việc giữ gìn và phát huy văn hóa thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, đây còn là một sân ý tưởng, sáng tác của các họa sĩ, những nhà thiết kế thời trang. 15 NTK thời trang từ mọi miền của đất nước đã tới với Lễ hội văn hóa độc đáo này, trong đó có NTK Xuân Hảo từ Huế, Quốc Bình từ thành phố Hồ Chí Minh, NTK Quang Huy từ Hà Nội…

Biểu diễn trang mục từ chất liệu thổ cẩm

Phóng viên Sputnik đã có cuộc trao đổi nhỏ với NTK áo dài nổi tiếng Quang Huy.

Sputnik: Là một nhà thiết kế có nhiều gắn bó với quần áo truyền thống, với anh Festival này có ý nghĩa như thế nào?

NTK Quang Huy

Đối với tôi, vốn thổ cẩm việt nam là một chủ đề vô cùng thú vị, vì chúng ta có 54 dân tộc. Riêng khu vực miền Trung Tây Nguyên có tới hơn 40 dân tộc. Vậy nên, Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm lần thứ nhất này là một chương trình khai mở một chủ đề, một đề tài rất đặc biệt và  phong phú cho những chương trình tiếp theo.

Một điệu múa Tây Nguyên

Khi nhắc đến thổ cẩm, mọi người đều nghĩ tới thổ cẩm của người H'Mông miền núi phía Bắc. Nhưng có loại thổ cẩm ở khu vực Tây Nguyên của  những người Mạ và M'Nông lại mang tới cho tôi cảm hứng về một khát vọng sum họp với màu sắc đặc trưng tín ngưỡng: Đen- Đỏ —Xanh lá truyền thống mà lại rất hiện đại và xu hướng. Đó là những trang phục đi làm tại công sở, những trang phục dạo phố ngày lễ tết, những trang phục dạ hội,…. đều hướng tới lễ hội và cộng đồng đa số, phổ biến nhưng vẫn có phong cách riêng khác biệt.

Gian trưng bày thổ cẩm dân tộc Mông

Tôi hy vọng sẽ đem lại một xu hướng phát triển thổ cẩm mới đó là Thổ Cẩm Việt Nam.

Sputnik: Tại Festival anh có tìm được ý tưởng gì mới cho những bộ sưu tập tương lai của mình không?

NTK Quang Huy

Tôi đã đi khảo sát và đi vào  tìm hiểu từng Bon Làng, gặp những người già sống tới 110 tuổi và có một cảm nhận thật thích thú về con người và phong cảnh nơi đây. Và chắc chắn sẽ có những điều  đặc biệt cho những lần thứ 2 và thứ 3. Đó có thể là Hang núi lửa. Hoặc có thể là những giống cây đặc biệt với niên đại hàng triệu năm chỉ duy nhất có ở nơi đây.

1 / 3
Một người phụ nữ Tây Nguyên đang dệt thổ cẩm
2 / 3
Dệt vải thổ cẩm
3 / 3
Dệt thổ cẩm

Đến với Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam I có hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Họ là đồng bào các dân tộc thiểu số, đại diện cho 22 tỉnh, thành và các nước Lào, Campuchia và Indonexia. Trong khuôn khổ của Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn và lý thú, như triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm, không gian văn hóa ẩm thực, trình diễn thời trang thổ cẩm, hội thảo văn hóa thổ cẩm, lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ truyền thống. Hy vọng rằng, ước mơ về một xu hướng phát triển thổ cẩm mới với tên gọi Thổ Cẩm Việt Nam sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.

Gian trưng bày thổ cẩm dân tộc S'tiêng
Thảo luận