Trung Quốc sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay vào năm tới

Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ thành nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm tới, và đến năm 2030, Mỹ sẽ rớt xuống vị trí số 3, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là dự báo của các nhà phân tích từ hãng tư vấn Standard Chartered.
Sputnik

Trước đó, các chuyên gia của HSBC đã dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới không sớm hơn năm 2030, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Khi nào nền kinh tế Trung Quốc sẽ lên vị trí cao nhất?

NI gọi "liên minh Nga -Trung Quốc" là cơn ác mộng của Mỹ
Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào cách tính toán GDP. Nếu tính toán bằng tiền quốc gia (có chuyển đổi sang ngoại tệ), Trung Quốc vẫn thua xa Hoa Kỳ theo chỉ số này. Nhưng, nếu tính theo sự ngang giá của sức mua (tiếng Anh: purchasing power parity — PPP), ngay từ đầu năm 2014, GDP của Trung Quốc, dù chỉ một chút, nhưng đã vượt trước Hoa Kỳ. Theo nghiên cứu của Standard Chartered, vào năm 2020 Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn tụt lại sau Trung Quốc về sức mua tương đương. Hơn nữa, theo dự báo của các chuyên gia, sau 10 năm nữa, Ấn Độ cũng sẽ vượt Hoa Kỳ. Vào năm 2030, 7 trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ thuộc về các nền kinh tế mới nổi. Theo Standard Chartered, năm 2030, Nga sẽ đứng ở vị trí thứ 8 về quy mô nền kinh tế, vượt trước Nhật Bản và Đức.

Mặc dù các nhà kinh tế vẫn tranh luận về việc phương pháp tính toán GDP nào phản ánh khách quan hơn tình trạng và quy mô nền kinh tế, nhưng, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, trong 10 năm tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Hoa Kỳ về GDP, bất kể nó được tính toán như thế nào. Động cơ tăng trưởng chính phải là tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc. Do đó, nền kinh tế sẽ ít phụ thuộc vào tình hình trên các thị trường nước ngoài, sẽ có khả năng đảm bảo sự tăng trưởng nhờ mức tiêu thụ trong nước. May mắn thay, dân số hơn một tỷ người có tiềm năng rất lớn.

Mức tiêu thụ và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, theo dự báo của Standard Chartered, sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các nước đang phát triển khác. Theo Standard Chartered, một số quốc gia sẽ thực hiện bước đột phá khổng lồ. Ví dụ, GDP của Ấn Độ sẽ tăng gấp 5 lần, Indonesia — gấp 3 lần, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Ai Cập cũng sẽ tăng trưởng nhanh chóng. GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp 2,8 lần, còn Hoa Kỳ, theo dự báo của Standard Chartered, sẽ tăng GDP ở mức khiêm tốn 60%.

Trung Quốc mở cửa kinh tế đáp trả cuộc chiến thương mại của Mỹ
Tuy nhiên, những dự báo lạc quan này có thể không thành hiện thực nếu quá trình phát triển tầng lớp trung lưu và tăng trưởng mức tiêu thụ bị chậm lại. Ví dụ, trước thềm năm mới, ở Trung Quốc mức tiêu thụ trong nước không phải là tích cực nhất. Tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 11 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua. Và doanh số bán xe hơi đã giảm mạnh lần đầu tiên kể từ năm 1990. Apple và Nike cũng phàn nàn về việc doanh thu sụt giảm. Ngay cả thị trường bất động sản, vốn là đối tượng đầu tư chính của người dân Trung Quốc, bắt đầu chậm lại. Tình hình kinh tế bất ổn do những yếu tố khác nhau bao gồm cả cuộc chiến thương mại, khiến mọi người chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, có nghĩa là họ tiêu thụ ít hơn. Cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đông đảo dân chúng, chuyên gia Wang Zhimin, giám đốc Trung tâm Toàn cầu hoá và Hiện đại hóa tại Viện Kinh tế và Thương mại Trung Quốc, nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.

"Cuộc chiến thương mại ảnh hưởng đến nhiều người ở Trung Quốc, không chỉ tầng lớp trung lưu. Đặc biệt là ở Trung Quốc chưa có tiêu chí chính xác nhóm người nào thuộc tầng lớp trung lưu. Xét cho cùng, ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, mọi thứ đều khác nhau: những người được coi là tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ đều là những người giàu có ở Trung Quốc. Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm tốt nhất sang Mỹ mà việc sản xuất chúng rất tốn công. Vì vậy, cuộc chiến thương mại sẽ tác động đến những người lao động bình thường tham gia sản xuất những mặt hàng đó, mà không chỉ đến tầng lớp trung lưu. Tôi chân thành hy vọng rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn có thể đạt được một thỏa hiệp. Tất nhiên, khó có thể giải quyết tất cả các mâu thuẫn, đây là một quá trình lâu dài. Nhưng, theo tôi, cuối cùng, cuộc xung đột này sẽ được giải quyết. Trung Quốc nên dựa vào sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế của chính mình".

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, đối với Trung Quốc việc vượt Mỹ về GDP không còn là mục đích tự nó. Bởi vì chỉ số này không phản ánh thực trạng phát triển kinh tế. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng nhất hiện nay là chuyển từ các chỉ số định lượng sang chỉ số định tính, sang phát triển sáng tạo, chuyên gia Trung Quốc nhận xét.

"Nói về tổng sản phẩm trong nước, nếu GDP của Trung Quốc tăng trưởng hàng năm 6-7% và GDP của Mỹ chỉ tăng 2%, thì đến năm 2030-2040, Trung Quốc, tất nhiên, sẽ vượt Hoa Kỳ về GDP. Nhưng, theo tôi, điều này không có ý nghĩa quan trọng, vì dân số Trung Quốc lớn hơn gần 5 lần so với dân số Hoa Kỳ. Do đó, ngay cả khi Trung Quốc vượt Mỹ về GDP, thu nhập bình quân đầu người vẫn sẽ ít hơn nhiều. Chúng tôi vẫn sẽ nghèo hơn gấp 5 lần so với Hoa Kỳ. Hơn nữa, GDP không phản ánh chất lượng của nền kinh tế, ví dụ, không phản ánh các công nghệ cơ bản, môi trường xã hội, môi trường thiên nhiên, v.v. Dân số Trung Quốc lớn gần gấp 5 lần so với Mỹ, nhưng Hoa Kỳ có nhiều đất canh tác hơn, điều kiện môi trường tốt hơn, ngoài ra không thể bỏ qua ảnh hưởng lớn của Mỹ trên thế giới. Do đó, theo tôi, mặc dù mục tiêu vượt qua Hoa Kỳ là khả thi, nhưng, điều đó sẽ không có ý nghĩa lớn".

Chuyên gia: Áp lực Mỹ đối với Trung Quốc chuyển từ lĩnh vực kinh tế sang chính trị
Các chương trình phát triển công nghệ, bao gồm cả "Made Made in China 2025", sẽ giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển chiều sâu. Donald Trump và các đại diện khác của chính quyền Mỹ đã nhiều lần chỉ trích chương trình này và lưu ý rằng, mục đích của cuộc chiến thương mại là ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ Mỹ cho Trung Quốc. Hoa Kỳ tin rằng, chính sách công nghiệp của Trung Quốc nhằm mục đích làm giàu bằng cách đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh chắc chắn rằng, mục tiêu của các biện pháp áp thuế quan không phải là loại bỏ sự mất cân bằng thương mại, mà là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Robert Zoellick đã nhận xét rằng, Trump sẽ không thể kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Theo ông Zoellick, các biện pháp áp thuế quan và chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ sẽ không ép buộc Trung Quốc từ bỏ chương trình phát triển cơ sở công nghệ của riêng mình. Ngoài ra, Trung Quốc liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế, theo ông Zoellick, khi phát động cuộc chiến thương mại Mỹ đã tự bắn vào chân mình, bởi vì các nhà sản xuất Mỹ cũng bị tổn thương do việc leo thang thuế quan.

Thảo luận