Việt Nam: Hệ lụy nào với xã hội khi thiếu luật Ngôn ngữ có tính quốc gia?

Trước nhiều hiện tượng “biến tướng” về ngôn ngữ, cần thiết phải có luật Ngôn ngữ quốc gia để điều chỉnh kịp thời các hành vi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng đồng thời phát huy được giá trị của tiếng Việt, - báo Người Đưa Tin dẫn kết luận của cuộc tọa đàm mới về ngôn ngữ Việt Nam.
Sputnik

Mới đây, phát biểu tại buổi làm việc về xây dựng luật Ngôn ngữ (tiếng Việt), PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV cho rằng, việc VOV và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đặc biệt các cơ quan nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ tham gia soạn thảo, xây dựng luật Ngôn ngữ là cần thiết với Việt Nam.

Củng cố ý thức của một dân tộc đa ngôn ngữ

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Văn Lợi, nguyên Viện phó viện Ngôn ngữ học khẳng định: "Tôi cho rằng việc xây dựng luật Ngôn ngữ Việt Nam là rất quan trọng. Ở Việt Nam, hiện nay, khái niệm luật Ngôn ngữ còn ít được quan tâm nhưng trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành luật Ngôn ngữ.

Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi cái đều phải được điều hành thông qua pháp luật, luật Ngôn ngữ cũng là một cách để điều hành sự phát triển của ngôn ngữ đi đúng hướng nhằm phát huy chức năng của ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất".

Ông phân tích: "Trong Hiến pháp (2013) — bộ luật cơ bản của nước ta hiện nay, khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một bước tiến mới, quan trọng khẳng định vị thế tiếng Việt ở nước ta hiện nay. Cùng với quốc kỳ, quốc ca, tiếng Việt — ngôn ngữ quốc gia mang giá trị biểu trưng cho sự độc lập, tự chủ, thống nhất của Việt Nam.

Sự khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia trong bộ luật cơ bản (Hiến pháp) là cơ sở để xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển ngôn ngữ trong thời kì mới, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Luật Ngôn ngữ là biện pháp thực thi chính sách ngôn ngữ của Nhà nước".

"Luật Ngôn ngữ bao gồm các điều luật liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Việt Nam là quốc gia đa ngôn ngữ. Hiện nay, nước ta ngoài sử dụng tiếng Việt, còn có các ngoại ngữ và ngôn ngữ của 53 dân tộc thiểu số. Vì vậy, cần có thêm những quy định cụ thể, rõ ràng về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và ngoại ngữ tại Việt Nam", GS.TS. Nguyễn Văn Lợi cho biết.

Tuy nhiên, theo ông, trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, chuyện xây dựng luật như thế nào, nghiên cứu cơ quan nào đề xuất,… cần phải được bàn bạc kỹ lưỡng, dài lâu.

Luật Ngôn ngữ bảo tồn sức sống ngôn ngữ

GS.TS. Nguyễn Văn Lợi cho biết: "Luật Ngôn ngữ bao gồm các điều luật liên quan đến 2 bình diện: Một là vị thế ngôn ngữ và hai là cấu trúc ngôn ngữ.

Bình diện vị thế ngôn ngữ nhằm xác định vị thế, chức năng của tiếng Việt trong quan hệ với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và các ngoại ngữ: Các chức năng xã hội, các lĩnh vực, phạm vi sử dụng như hành chính, đối ngoại, giáo dục, tư pháp, truyền thông…

Bình diện cấu trúc ngôn ngữ đưa ra các điều luật nhằm ổn định và phát triển các lĩnh vực về cấu trúc ngôn ngữ như cải tiến chữ viết, chính tả (cách viết), cách sử dụng từ ngữ gốc nước ngoài, gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số, việc chuẩn hóa cách phát âm, cách viết, cách sử dụng từ ngữ trong các loại phong cách chức năng: Hành chính, tư pháp; trong các lĩnh vực trường học; thông tin đại chúng, quảng cáo…".

"Tóm lại, việc ban hành luật Ngôn ngữ là rất cần thiết, góp phần ổn định và phát triển tiếng Việt và các ngôn ngữ khác ở Việt Nam trong thời đại công nghệ số", ông nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hoành khẳng định các nhà ngôn ngữ học sẽ phản đối nếu luật Ngôn ngữ gây hạn chế sự phát triển của ngôn ngữ.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học cũng cho biết: "Bất kể vấn đề gì, có luật thì vẫn tốt hơn, xác định thực hiện luật thì mới bắt tay vào thảo luận, tổng hợp tư liệu, nên xây dựng trên khía cạnh nào. Bảo tồn phát huy ngôn ngữ các dân tộc nhỏ, phát triển ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng giàu đẹp. Xưa nay tuy chưa có luật nhưng các chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến ngôn ngữ, tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác vẫn tích cực.

Không có luật nào đưa ra để hạn chế sự phát triển của ngôn ngữ, hướng đến phù hợp quy luật phát triển và bảo vệ sự đa dạng của các ngôn ngữ. Nếu luật đưa ra mà hạn chế sự phát triển của ngôn ngữ thì các nhà ngôn ngữ học sẽ đồng loạt phản đối".

PGS.TS. Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, việc xây dựng luật Ngôn ngữ (tiếng Việt) là rất cần thiết bởi luật cũng là sự khẳng định chủ quyền dân tộc và là căn cứ để chúng ta sử dụng cho nhiều công việc khác.

GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ học cho rằng, cần thiết phải xây dựng luật Ngôn ngữ (tiếng Việt). Bởi thiếu luật Ngôn ngữ có tính quốc gia thì sẽ nảy sinh những hệ lụy khiến xã hội hoang mang, lo lắng như đã từng xảy ra với đề án cải cách tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền.

Thảo luận