Về công nghệ chỉnh sửa gen người: "Thì cũng phải có ai đó làm điều này trước tiên"

Trung Quốc đã xác nhận sự ra đời của những đứa trẻ được chỉnh sửa gen nhờ các cuộc thí nghiệm của nhà khoa học He Jiankui.
Sputnik

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giáo sư, Tiến sĩ Sinh học Sergei Kiselev lưu ý rằng, nhà khoa học Trung Quốc phải có lòng can đảm để thực hiện một bước như vậy.

Chính quyền Trung Quốc đã chính thức xác nhận sự ra đời của những đứa trẻ được chỉnh sửa gen trong các cuộc thí nghiệm của nhà khoa học He Jiankui. Các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy rằng, ông He đã tổ chức một nhóm dự án bao gồm các nhân viên nước ngoài, cố tình tránh sự giám sát và sử dụng công nghệ để thực hiện chỉnh sửa gen phôi người với mục đích sinh sản, điều chính thức bị cấm tại Trung Quốc.

Nhà khoa học Trung Quốc chỉnh sửa gen người có thể bị tử hình

Ngoài ra, trong thời gian hai năm, nhà khoa học đã giả mạo các tài liệu đánh giá đạo đức và tuyển dụng 8 cặp vợ chồng tham gia thí nghiệm của mình, dẫn đến 2 lần mang thai.

Kết quả là một trong những bà mẹ đã sinh ra cặp song sinh có biệt danh là Lulu và Nana, các nhà điều tra cho biết. Một người phụ nữ khác vẫn đang mang một bào thai chỉnh sửa gen. Chính quyền địa phương sẽ nuôi cặp song sinh dưới sự theo dõi y tế.

Vào tháng 11 năm 2018, nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui đã gây sốc cho cộng đồng thế giới khi công bố tin về sự ra đời của những đứa trẻ được chỉnh sửa gen để có khả năng chống lại việc lây nhiễm virus HIV, AIDS. Nhà khoa học bị cả các đồng nghiệp và chính quyền Trung Quốc chỉ trích. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngay lập tức yêu cầu Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông nghiêm túc điều tra vụ việc này.

Để biện minh cho công việc của mình, He Jiankui nói rằng, bất chấp tất cả những thành công trong việc điều trị HIV, căn bệnh này vẫn nằm trong danh sách các nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong ở một số quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển.

Sau tuyên bố chấn động về chỉnh sửa gen người, nhà khoa học Trung Quốc "biến mất bí ẩn"

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Tiến sĩ Sinh học Sergei Kiselev, Giáo sư tại Viện Di truyền học mang tên Vavilov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết rằng, một nhà khoa học nên có lòng can đảm để thực hiện một bước như vậy.

"Để thực hiện bước này, nhà khoa học Trung Quốc cần phải có lòng can đảm, có lẽ, những nỗ lực của ông phải được đánh giá một cách xứng đáng. Từ quan điểm khoa học và công nghệ, nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện một bước rất mạo hiểm — ông đã áp dụng công nghệ này lên con người, cuộc thí nghiệm dẫn đến sự ra đời của những đưa trẻ. Nhà khoa học Trung Quốc đã vượt trội hơn một chút so với các đồng nghiệp,   bởi vì vào cuối tháng 9 năm 2018, chính phủ Nhật Bản đã chính thức cho phép chỉnh sửa bộ gen của phôi người. Thì cũng phải có ai đó làm điều này trước tiên. Hoạt động này không thể bị cấm, bởi vì công nghệ này y như con quỷ chui ra khỏi cái lọ, bây giờ nên theo dõi số phận của cặp song sinh này. Trước đây ở Trung Quốc các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm tương tự với khỉ và các động vật có vú khác — và không có vấn đề gì. Để kiểm tra xem công nghệ này có phù hợp với con người hay không nên thực hiện những cuộc thí nghiệm. Nhà khoa học Robert Edwards đã phát minh ra công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trong thời gian10 năm ông ta không được phép làm điều này. Sau khi đứa trẻ đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp này cũng có những đánh giá tiêu cực. Và bây giờ hơn 5 triệu người trên thế giới đã được sinh ra nhờ IVF ", — ông Sergei Kiselev nói.

Thảo luận