Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 (WEF Davos 2019), sáng 24/1, đã diễn ra phiên Đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende với chủ đề "Việt Nam và Thế giới".
Đây là lần đầu tiên WEF tổ chức một phiên riêng về Việt Nam để quảng bá phát triển và hội nhập của Việt Nam. Phiên Đối thoại được truyền hình trực tiếp trên hệ thống truyền thông của WEF với hàng triệu lượt người xem.
Ông Borge Brende cũng nhấn mạnh đến những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ Việt Nam với một quyết tâm to lớn thúc đẩy sản xuất để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến việc ứng dụng công nghệ như AI, Big Data, Internet vạn vật và mong muốn được nghe Thủ tướng chia sẻ về quyết tâm này của Chính phủ Việt Nam.
Đánh giá cao ý nghĩa của buổi Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2018, mặc dù thế giới trải qua nhiều biến động phức tạp, khó lường, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt gần 7,1% nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ rệt. Năm 2018 mở ra một hướng mới cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có thành công của sự kiện WEF ASEAN.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh sự kết hợp đầu tư trong nước và nước ngoài, chú trọng hơn nữa vào đào tạo nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững hơn, nâng cao hơn nữa đời sống người dân.
Thủ tướng khẳng định, với quan điểm hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, Việt Nam ủng hộ thương mại tự do đa phương và Việt Nam biết nhìn nhận những va chạm thương mại trên thị trường quốc tế để tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả nhằm giữ vững đà tăng trưởng.
Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm theo các trụ cột: Ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, bởi đây là nền tảng quan trọng để làm yên lòng các nhà đầu tư. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; phát huy thế mạnh về du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Về cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam chủ động đón bắt để nâng cao năng suất lao động với tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tranh thủ cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tốt nhất để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng đánh giá mặc dù phải vượt qua nhiều khó khăn, song Việt Nam có những lợi thế khi tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, lợi thế lớn nhất là cơ cấu dân số trẻ, năng động, sáng tạo, con người và dân tộc Việt Nam luôn khao khát vươn lên, được thể hiện rõ nhất ở lực lượng lao động trẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đang xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh và phát triển kinh tế số, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Bên cạnh chuẩn bị thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Thủ tướng cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp tác với WEF thành lập Trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0.
Song song với đó, Việt Nam cũng sẽ thu hút mạnh mẽ động lực từ kinh tế số và đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới, phát triển bứt phá hạ tầng công nghệ số và không ngừng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và tới đây là Liên minh châu Âu (EU).
Đề cập đến yêu cầu về phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đặt ra yêu cầu "phát triển 3 trong 1" bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.
Về mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là cuộc cách mạng mang đến nhiều thách thức, trong đó có yếu tố lao động và việc làm.
Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã tập trung vào công tác đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm trong thời đại cách mạng công nghệ, nhất là tầng lớp người yếu thế trong xã hội để nhóm người này có việc làm trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Liên quan đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ, đây là lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định bước đi với lộ trình rõ ràng, cụ thể.
Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng nói: "Đây cũng chính là giải pháp tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam; đồng thời chống tham nhũng, tiêu cực và độc quyền".
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch WEF Borge Brende: "Việt Nam sẽ gây bất ngờ cho thế giới như thế nào trong 5 năm tới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ duy trì một tinh thần, khát vọng trong phát triển. Theo đó, trước hết là duy trì đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn xây dựng pháp luật, thể chế, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, tăng cường đối thoại. Việt Nam "coi thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ".
* Trước đó, cũng trong sáng 24/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Lãnh đạo các tập đoàn lớn về công nghệ thông tin.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định năm 2018, Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh trên một nền tảng vĩ mô vững chắc. Đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến những thay đổi sâu sắc trên toàn thế giới, Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để có thể cạnh tranh bằng sáng tạo trên cơ sở phát huy tinh thần khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực, hạ tầng kết nối.
Trên tinh thần kiến tạo phát triển, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ không ngừng cải thiện, khắc phục những hạn chế đang tồn tại, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để loại bỏ các rào cản đối với đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kết nối số bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, cũng như thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực quản trị công.