Từ Davos: Ông Vương Kỳ Sơn "thanh minh" về sụt giảm kinh tế của Trung Quốc

Trung Quốc đã có một thông điệp với giới tinh hoa đang tụ họp tại Thụy Sĩ: sợ hãi về một sự suy thoái kinh tế đang bị thổi phồng, theo kinhtedothi.
Sputnik

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nói rằng tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn đáng kể và điều quan trọng đối với Bắc Kinh là tập trung vào mục tiêu dài hạn.

"Sẽ có rất nhiều điều khó lường trong năm 2019, nhưng một điều chắc chắn là sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục và bền vững", ông Vương khẳng định hôm 23/1.

Phát biểu được đưa ra sau một báo cáo của chính phủ Trung Quốc hồi đầu tuần nay, cho thấy nền kinh tế của nước này đã tăng trưởng 6,6% trong năm 2018 — tốc độ chậm nhất trong gần 3 thập kỷ qua.

Kinh tế Trung Quốc chậm lại là mối đe dọa đối với các nước, kể cả đối với Đông Nam Á

Các hoạt động được cho là đã bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế mức nợ cao nhằm mục đích đưa nền kinh tế rộng lớn vào chỗ đứng ổn định hơn. Động lực cũng đã bị giảm sút bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ, dẫn đến mức thuế quan hàng trăm tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Diễn giải tại Davos, ông Vương Kỳ Sơn đã đưa ra một nhận định tổng quan về số liệu tăng trưởng mới đây: "Tôi nghĩ rằng đó (6,6%) là một con số khá đáng kể…hoàn toàn không hề thấp", và "chính quyền chỉ đang cố gắng nhắc nhở mọi người rằng tốc độ là vấn đề, nhưng điều thực sự quan trọng trong thời điểm hiện tại là chất lượng và hiệu quả" của sự phát triển.

Các quan chức Trung Quốc cũng đã liên tục khẳng định quan điểm này trong những ngày qua, tuy nhiên những lo ngại về sự chậm lại của Trung Quốc và những ảnh hưởng tới sự tăng trưởng toàn cầu cũng đã ít nhiều chấn động thị trường.

Trung Quốc đã và đang cân đối để hỗ trợ tăng trưởng thông qua sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng và kích thích tài khóa như việc cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ. Một trong những điểm sáng có thể nhìn nhận là doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã đạt hơn 5,6 nghìn tỷ USD trong năm qua — hơn gần 100 tỷ USD so với ở Mỹ. Số liệu này được CNN dẫn từ một báo cáo công bố hôm 23/1 bởi công ty nghiên cứu eMarketer.

Thủ tướng lên đường dự WEF Davos 2019

Tuy nhiên "bóng ma" của trừng phạt thương mại đang hiện hữu ngày một rõ hơn với Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington đang chạy đua để đạt được các thỏa thuận thương mại trước ngày 1/3 tới — hạn mà thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ tăng lên 25% từ mức 10% trước đó. Các cuộc đàm phán với quan chức hàng đầu đã được lên kế hoạch vào cuối tháng này tại Washington, bất chấp lời mời của Bắc Kinh về việc tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ trong tuần này đã bị Nhà Trắng từ chối.

BNP Paribas dự đoán khả năng cho một thỏa thuận thương mại Mỹ — Trung được thực hiện đang ở mức 60-70%, trong khi bài phát biểu của Phó chủ tịch Vương tại Davos như cũng đã chìa ra một "nhành ô liu" với chính quyền Trump khi khẳng định: "Việc đổ lỗi cho các vấn đề của chính mình sang người khác sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì…hai nền kinh tế (Mỹ và Trung Quốc) luôn dựa vào nhau vì vậy phải tạo ra lợi ích chung để cùng có lợi".

Thảo luận