Không còn nhiều thời gian cho đến ngày bắt đầu hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên. Các thành viên trong đội chuẩn bị được gửi đến một trong những quốc gia châu Á, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết nhưng không xác định rõ là ở quốc gia nào. Và mặc dù thời gian và địa điểm chính xác vẫn chưa được công bố, nhưng quan điểm cuộc họp sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào cuối tháng 2 đang ngày càng phổ biến. Nơi này có gì đáng chú ý đối với Bình Nhưỡng và Washington? Chúng ta có nên mong đợi sự đột phá trong các thỏa thuận phi hạt nhân hóa? Sputnik đã thảo luận với các chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc về vấn đề này và cả những khía cạnh khác nữa trong cuộc gặp gỡ sắp tới của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên.
Nơi trú ẩn an toàn
Việc nhắc đến Đà Nẵng (Việt Nam) như một địa điểm gặp gỡ khả dĩ không phải là ngẫu nhiên. Các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Nhà nước CHDCND Triều Tiên hứa hẹn sẽ khó khăn, và họ rõ ràng cần một nơi có thể diễn ra các cuộc đàm phán một cách bình tĩnh và thẳng thắn. Nhưng đây có thể là một sự nhượng bộ đáng kể từ CHDCND Triều Tiên, Park Jong Chol — giáo sư tại Đại học Gyeongsang — nói:
«Bộ chỉ huy Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã từng được đặt tại Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam, vì vậy đối với người Mỹ, đây là một nơi quen thuộc, thích hợp để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ — CHDCND Triều Tiên lần thứ hai. Tuy nhiên, đối với Bắc Triều Tiên, điều quan trọng là địa điểm này tương xứng với Singapore, nơi diễn ra cuộc họp đầu tiên. Do đó, nếu không phải Bắc Kinh, Thượng Hải, Hà Nội hay các thành phố khác mà Bình Nhưỡng có mạng lưới ngoại giao và an ninh nhà nước mạnh mẽ, thì chính việc Đà Nẵng được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai, rất có thể là sự nhượng bộ của Bắc Triều Tiên trước các yêu cầu của Mỹ».
Tuy nhiên, ngay cả khi đó không phải là Đà Nẵng, cuộc họp vẫn có nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Việt Nam. Theo giáo sư, người dẫn lời của một nguồn tin có thẩm quyền trong các cơ quan tình báo, Bình Nhưỡng đã gửi một nhóm tiền trạm tới Việt Nam. Và với các nguồn lực hạn chế, Triều Tiên khó có thể gửi nhiều nhóm chuyên gia để chuẩn bị cuộc gặp tới các quốc gia ứng cử viên khác nhau.
Xuất khẩu tên lửa
Các nhà quan sát dự đoán tại hội nghị thượng đỉnh thứ hai, các thỏa thuận thực sự đột phá có thể được ký kết và người ta có thể mong đợi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra sâu sắc hơn.
«CHDCND Trịều Tiên tại các cuộc đàm phán có thể đề xuất phá hủy một phần hoặc toàn bộ tất cả các tên lửa ICBM, tuy nhiên vì họ không thể tự mình loại bỏ chúng, nên sẽ cố gắng làm việc này bằng cách xuất khẩu sang Liên bang Nga hoặc Trung Quốc. Nhưng đối với Hoa Kỳ, vốn nghi ngờ về mối quan hệ của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh và Moskva, quá trình này có thể được coi là không hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Do đó, có thể dự đoán việc đạt được thỏa thuận trong vấn đề này sẽ là chủ đề của các cuộc đàm phán kéo dài và gay gắt», người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Đại học Sejong, Cheong Seong-Chang, cho biết.
Bắc Triều Tiên muốn gì?
Một trong những yêu cầu chính của CHDCND Trịều Tiên để đáp lại các hành động giải trừ hạt nhân của họ là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, ngăn cản Bắc Triều Tiên thực hiện chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, có thể gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi, theo ông Cheong Seong-Chang.
Về phần mình, Giáo sư Park tin rằng CHDCND Trịều Tiên, rất có thể, sẽ không đặt ông Trump trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào một vị trí khó khăn, bằng các đề xuất mà Mỹ sẽ khó thực hiện.
« Đổi lại, rất có thể họ sẽ yêu cầu Hoa Kỳ đồng ý chấm dứt các biện pháp đơn phương của Hàn Quốc từ ngày 24 tháng 5 năm 2010, ngăn chặn việc hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch dãy núi Keumgans. Và cơ hội đầu tư từ Hàn Quốc sẽ là «tuyến phòng thủ cuối cùng» của Bình Nhưỡng tại cuộc hội đàm. Sau khi mở ra con đường hòa bình, họ (CHDCND Trịều Tiên) lên kế hoạch biến miền Nam thành đối tác đầu tư ưu tiên và do đó cần san bằng những khó khăn do lệnh trừng phạt gây ra».
Mỹ có thể làm gì?
Từ quan điểm của Trump, hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều sẽ rất hữu ích, để chuyển sự chú ý của công chúng khỏi chính trị trong nước càng sớm càng tốt. Do đó, ông ta sẽ cố gắng để đạt được hiệu quả tối đa với nỗ lực tối thiểu.
"Hoa Kỳ dường như đã đưa ra điều kiện cho việc phá hủy trung tâm hạt nhân Yongbyon và xuất khẩu tên lửa ICBM, bằng khả năng chi một ngân khoản lớn cho hợp tác kinh tế, dẫn đến sự đầu tư tiếp theo vào Triều Tiên", Kim Jung, phó giáo sư tại Đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nói.
«Đối với ông Trump, hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Bắc Triều Tiên lần thứ hai là giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Về vấn đề này, có những ý kiến cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ xác định việc mở văn phòng liên lạc giữa CHDCND Trịều Tiên và Hoa Kỳ», ông Park Jong Chol giải thích.
Tiếp theo là gì?
Công cụ tương tự, theo giáo sư Park, cũng sẽ có lợi cho tổng thống Trump từ quan điểm điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc: nếu các cuộc đàm phánMỹ — Triều tiến triển tốt đẹp, có thể là một lý do để cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đồng thời việc dỡ bỏ các hạn chế trong hợp tác liên Triều sẽ là động lực nghiêm túc để Bắc Triều Tiên tuân thủ quá trình phi hạt nhân hóa vì lợi ích đầu tư và hợp tác kinh tế với miền Nam.
Nhưng cũng không thể loại trừ những kịch bản tồi tệ nhất, ông Kim Jong nói:
"Có rất ít thời gian để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, và câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp được phát triển để thực hiện giải trừ hạt nhân có làm việc trong thực tế hay không. Nếu các nhà lãnh đạo của cả hai nước không có ý chí và khả năng chứng minh cho việc thực hiện thỏa thuận, thì ở cấp độ làm việc có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào.
"Vì cả những vấn đề nhỏ và thông số chung đều còn sự bất đồng, CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ không còn gì để làm, ngoài việc lên lịch trình dài hạn cho những hành động sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai, ông Cheong Seong-Chang kết luận.