Khai mạc cuộc gặp, Đại sứ đặc biệt lưu ý cử tọa đến chi tiết độc đáo là sự kiện trọng thể này diễn ra trong Tổ hợp Văn hóa-Kinh doanh "Hà Nội" ở Matxcơva và trên khắp thế giới không nơi nào có được một trung tâm Việt Nam đồ sộ bề thế tầm cỡ như vậy.
"Tổ hợp này, — Đại sứ nhấn mạnh —, đã trở thành một biểu tượng sống động rực rỡ của tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nga, vốn được khởi đầu từ 69 năm trước. Suốt những năm tháng dài lâu đó, quan hệ của hai nước chúng ta đã phát triển hiệu quả. Việt Nam sẽ không bao giờ lãng quên sự giúp đỡ to lớn mà Liên Xô đã dành cho đất nước chúng tôi trong sự nghiệp đấu tranh vì tự do, độc lập và thống nhất Tổ quốc cũng như trong công cuộc tái thiết hậu chiến. Kinh nghiệm hiệp lực của những năm đó đã trở thành cơ sở vững chắc dành cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga hôm nay, là cơ sở cho niềm tin vào đà phát triển hợp tác cùng có lợi của hai quốc gia".
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik-Vietnam và đại diện các phương tiện truyền thông khác, ông Ngô Đức Mạnh lưu ý rằng quan hệ đối tác của hai nước Việt-Nga đang phát triển thành công ở mọi lĩnh vực, cả ở Việt Nam và ở Nga đều tuyệt nhiên không hiện hữu trở ngại nào ngăn cản tiến trình đó.
Tuy nhiên, nguyện vọng chung của chúng ta muốn tiến nhanh hơn về phía trước đôi khi vượt quá khả năng của chúng ta, — Đại sứ khái quát. — Cụ thể, thực trạng quan hệ thương mại-kinh tế hiện nay vẫn còn chưa kịp song hành với tầm mức cao trong quan hệ chính trị của chúng ta, với đặc trưng định tính là sự tin cậy lẫn nhau tuyệt đối, như thể hiện qua những cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Nga hồi năm ngoái, chuyến thăm của Thủ tướng Nga và Chủ tịch Duma Quốc gia đến Hà Nội mới đây.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh đã giới thiệu với cử tọa một vài số liệu thống kê của Việt Nam. Chẳng hạn, năm ngoái, kim ngạch thương mại của hai nước đã tăng 28% so với năm 2017, bằng gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo lời Đại sứ, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2020 — đưa giao thương lên 10 tỷ USD, giới kinh doanh hai nước cần phải làm việc tích cực hơn nữa.
Việt Nam hôm nay đứng thứ 23 trong số các nước nhập khẩu sản phẩm của Nga, còn trong phạm vi ASEAN thì chiếm vị trí đầu tiên, — Đại sứ tuyên bố khi trả lời câu hỏi của Sputnik-Vietnam. — Từ phía Nga có 123 dự án ngoài dầu khí đầu tư vào Việt Nam 1 tỷ USD. Còn từ phía Việt Nam sang Nga — 3 tỷ USD theo hơn hai chục dự án, trong đó lớn nhất là dự án chăn nuôi bò sữa của tập đoàn "TH".
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik-Vietnam, — Nga là đối tác then chốt của Việt Nam trong những lĩnh vực nào, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết: đó trước hết là hợp tác trong quốc phòng, mà kế hoạch đã được các Bộ trưởng hữu quan của hai nước ký kết gần đây. Nga giữ vai trò hàng đầu trong quá trình phát triển ngành dầu khí của Việt Nam. Liên doanh "Vietsovpetro" đã đem về cho Việt Nam những khối dầu đầu tiên, từ đó đưa nước Cộng hòa tiến lên hàng các thủ lĩnh khai thác dầu ở Đông Nam Á. Bây giờ, ngoài "Vietsovpetro" còn có cả "Rosneft" và "Gazprom" đang làm việc thành công trên thềm lục địa Việt Nam. Nga cũng là đối tác chủ chốt của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế kỹ thuật số và an ninh mạng, yếu tố đặc biệt quan trọng để thực hiện kế hoạch tạo lập Chính phủ điện tử ở đất nước.
Một vài hoạt động riêng lẻ của Năm Giao lưu chéo đã bắt đầu được triển khai, — ông Ngô Đức Mạnh lưu ý. Tuy nhiên, phần cơ bản sẽ được tổ chức xúc tiến từ giữa quý II năm nay cho đến giữa quý II năm sau. Chương trình chi tiết đang được các Ủy ban tổ chức ở cả hai nước đứng đầu là các Phó Thủ tướng hoạch định và sẽ sớm được công khai. Trong chương trình không chỉ gồm những sự kiện văn hóa. Sẽ tiến hành các Diễn đàn kinh doanh và hội thảo khoa học. Và có cả những cuộc gặp liên quốc gia cấp cao.
Trả lời cho câu hỏi, trong Năm Giao lưu chéo, liệu Tổng thống Nga có sang thăm Việt Nam hay chăng, Đại sứ Ngô Đức Mạnh khẳng định, Việt Nam luôn vui mừng chào đón nhà lãnh đạo Nga và hy vọng được gặp lại Tổng thống Nga trên mảnh đất Việt Nam chính trong Năm Giao lưu chéo này.