Sát nhân tàn bạo
Nguyễn Ngọc Loan nổi tiếng là một tướng tàn bạo, độc đoán của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Dù từng giữ vị trí tư lệnh ngành cảnh sát, cấp bậc chuẩn tướng nhưng ít người gọi Loan bằng danh xưng hay cấp bậc. Người ta thường gọi ông ta với cái tên "Sáu Lèo".
"Sáu" ở đây là quan Sáu theo danh xưng bình dân thời Pháp gọi các võ quan, mỗi một vạch trên vai là một cấp bậc. Vì Loan đã lên tướng nên dân gọi quan Sáu là gọi theo hình tượng cũng như dân ngoài Bắc ngày xưa gọi dinh quan Toàn quyền là dinh ông Bảy (còn trên ông Sáu một bậc).
Còn về chữ "Lèo" phía sau, không ai rõ nó xuất phát từ đâu nhưng theo một số thông tin thì danh xưng này xuất phát từ một cách gọi dè bỉu, khinh bỉ của người khác đối với Loan.
Với những người lính Mặt trận Giải phóng miền Nam, Nguyễn Ngọc Loan thực sự là một kẻ khát máu, tàn ác đến tận cùng.
Hễ cứ nghe đâu có tiếng súng AK-47 là y nhào tới. Chỉ cần một tấm áo giáp, một khẩu M-16, với 12 băng đạn 5.56 ly vòng quanh bụng, đầu không nón sắt, chân dép cao su, không lon không lá, ‘Sáu Lèo' Nguyễn Ngọc Loan xông vào trận chiến.
Đầu tháng 5/1968, đợt 2 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, được báo tin một cánh quân Mặt trận Giải phóng Miền Nam tràn về khu Tân Cảng, Loan điều động 2 đại đội cảnh sát dã chiến đến truy kích.
Hay tin, Accompura — Cố vấn trưởng Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hoà lên xe Jeep Cảnh sát chặn đoàn xe của Loan ở ngã tư Dakao — Phan Thanh Giản và yêu cầu y cùng về Tổng Nha tham dự buổi họp nhưng Sáu Lèo từ chối.
Ngay sau đó, báo chí Sài Gòn đăng tin: 11 giờ 45 ngày 7/5/1968, Loan bị nát bắp chân trái.
Gần 40 năm sau, năm 2005, chính Accompura đã công bố những thông tin tuyệt mật về sát thủ đã bắn Loan trọng thương. Theo đó, sát thủ thi hành bản án tử hình tướng Loan là một hạ sĩ quan Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ có vợ Việt Nam, làm việc cho CIA Sài Gòn.
Khẩu súng bắn lén Nguyễn Ngọc Loan là M-16 gắn viễn vọng kính. Viên đạn M-16 cỡ 5.56 mm thuộc loại Flechette. Gã này đứng trên sàn trực thăng UH-1B, nhắm trúng đầu Loan. May cho Loan, lúc sát thủ siết cò cũng vừa là lúc trực thăng gặp vùng giảm áp, nên viên đạn trúng bắp chân trái Sáu Lèo đang gác trên thành cầu thay vì trúng đầu y. Viên đạn Flechette 5.56mm đã phá nát bấy toàn thể bắp chân trái Loan.
Và sau đó, như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, Nguyễn Ngọc Loan đã bị từ chối chữa trị chân ở khắp nơi, từ Úc cho đến Hoa Kỳ (Số phận sát nhân Nguyễn Ngọc Loan ra sao sau khi hành quyết chiến sỹ biệt động trên phố Sài Gòn?). Và từ đó cuộc đời bi thảm theo đúng luật nhân quả công bằng của ông ta bắt đầu.
Cuộc sống tăm tối ở Mỹ
Trong đó, nhật báo Ludington số ra ngày thứ Bảy, 26/3/1988 đăng bài: "Cựu tướng VNCH: Tôi muốn sống yên ổn" đăng kèm bức ảnh nổi tiếng "Hành quyết Sài Gòn". Bài báo viết:
Người đàn ông hầu bàn trong nhà hàng đặt cốc nước lên chiếc khăn ăn để chào đón vị khách mới. Người hầu bàn Á Đông nhỏ, rất gầy với chiếc chân giả, mang trên mặt nụ cười gượng gạo để che giấu vẻ buồn bã, hốc hác và u sầu.
"Ông muốn dùng gì?", ông ta hỏi.
"Tôi muốn hỏi một vài câu hỏi".
"Cái gì vậy?"
"Tôi là nhà báo".
"Không, tôi xin lỗi. Không phỏng vấn gì hết".
Không phải lúc nào Nguyễn Ngọc Loan cũng nhận được yêu cầu món ăn ở nhà hàng nhỏ ấy. Ông ta từng là tướng không quân của Việt Nam Cộng Hòa, ông ta từng là sĩ quan có ảnh hưởng tại đó và ông ta còn trở thành biểu tượng của tất cả những gì sai lầm trong cuộc chiến tại Đông Nam Á ấy.
Cuộc chiến ấy vẫn còn in hằn trong tâm trí mỗi người ngay cả những ngày này. Tính đến năm 1988, 20 năm trôi qua kể từ ngày mọi thứ chuyển từ tồi tệ sang cực kỳ tồi tệ. Những người Cộng sản mở chiến dịch Tết Mậu thân cực kỳ ngoạn mục vào mùa đông năm 1968, thời điểm các đồng minh của Việt Nam Cộng hòa không thể khôi phục được hoàn toàn và khi nó diễn ra, ông Loan khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nữa.
(Tóm tắt đoạn nói về Nguyễn Ngọc Loan bắn chiến sỹ biệt động trên phố: Ngày 1/2/1968, ông ta đã hành quyết một người lính Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam giữa phố Sài Gòn và bức ảnh hành quyết man rợ đó đã không chỉ thay đổi cục diện chiến trường miền Nam Việt Nam mà còn thay đổi hoàn toàn cuộc đời Nguyễn Ngọc Loan).
Ông ta rơi xuống từ những vì sao sau sự kiện ấy. Ông ta mất đi sự sủng ái của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và phải chịu mọi trách nhiệm. Rồi đến năm 1975, khi những người Cộng sản bắt đầu tiến về Sài Gòn, ông Loan cùng gia đình chạy trốn sang ẩn náu tại Mỹ.
Tiếng xấu đeo đuổi ông Loan tới tận đất Mỹ. Một số thành viên Quốc hội Mỹ nói rằng ông Loan là vị khách không mời và Cơ quan Nhập cảnh và Di trú của Mỹ (INS) đồng ý với điều này. Năm 1978, INS thực hiện cuộc điều tra âm thầm và kết luận rằng ông Loan là tội phạm chiến tranh và là kẻ đạo đức suy đồi.
Những đồng sự cũ của ông ta nhảy vào bảo vệ. Những người Mỹ và những người Việt từng làm việc với ông Loan cho rằng ông ta có lý do chính đáng để bắn người tù binh trên. Họ chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam Cộng hòa ban hành lệnh cho phép hành quyết ngay lập tức bất cứ ai mang vũ khí bị bắt tại Sài Gòn.
Những lời chỉ trích cho rằng lệnh này vi phạm cả luật pháp Việt Nam Cộng hòa khi ấy lẫn luật pháp quốc tế. Nhưng lực lượng ủng hộ tướng Loan ra tay, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter yêu cầu INS chấm dứt cuộc điều tra của cục, ông nói không một đất nước nào chấp nhận tướng Loan và vấn đề trục xuất ông ta được chấm dứt.
Còn vào năm 1988, cựu tướng Việt Nam Cộng hòa này sống ẩn dật tại vùng ngoại ô Washington. Trạng thái nhập cảnh chính thức của ông ta không rõ ràng. Phía INS cho biết họ không thể tìm thấy hồ sơ của ông ta. Nhưng Duke Austin, phát ngôn viên của INS nói trong trường hợp này, ông Loan có khả năng được xếp vào danh sách người cư trú vĩnh viễn.
Ông Loan điều hành một nhà hàng trong trung tâm mua sắm nhỏ. Nơi đó có tên là Les Trois Continents (Ba lục địa), nhưng nó không to lớn như cái tên của nó. Ông ta phục vụ hamburger và pizza, với một số món ăn vặt đơn giản của Pháp và Việt Nam, chủ yếu cho phụ nữ cùng với con cái và vài người khách vãng lai khác.
Ông ta nói với bạn bè rằng công việc kinh doanh trở nên khó khăn. Ông ta mất một chân trong một trận giao tranh tại Việt Nam và than phiền về việc phải đứng với chân giả từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày. Trên tất cả, ông ta sợ hãi những lời mỉa mai đến cùng cực và đeo đuổi ông ta từ quê nhà cho tới nước Mỹ.
Nhưng ông ta không công khai nói về điều ấy. Ông ta không nói gì với truyền thông, báo chí trong nhiều năm. Ông ta chỉ nhấn mạnh rằng cuộc chiến qua từ lâu rồi và muốn sống yên ổn.
"Chúng tao biết mày là ai, đồ khốn"
Báo Mặt trời Baltimore (The Baltimore Sun) số ra ngày 17/7/1998, sau khi Nguyễn Ngọc Loan chết, đăng bài "A life taken out of context in a split second" (Tạm dịch: Cuộc đời thay đổi sau 1 giây). Bài báo viết:
Nguyễn Ngọc Loan chết vì căn bệnh ung thư vào ngày 14/7/1998. Cuộc đời của ông ta vốn không có gì nổi bật, là người Việt Nam vượt biên, chủ nhà hàng thất bại, người chồng và người cha trong gia đình. Thế nhưng trong bức ảnh được ghi lại năm 1968, ông ta trở thành biểu tượng của sự tàn bạo và sự suy đồi đạo đức của cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
Trong cao điểm của cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu thân 1968, ông Loan xử tử người tù binh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam bằng cách bắn vào đầu anh ta ngay trên đường phố.
Trong nhiều năm sau đó, ông Loan nói người tù binh này không phải người vô danh mà là chỉ huy của đơn vị thuộc Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam. Theo thông tin từ cựu trạm trưởng CIA, người này tiêu diệt rất nhiều lính và cảnh sát Việt Nam Cộng hòa trước đó.
Nếu không có bức ảnh đó, cái chết của người tù binh ấy sẽ chỉ là một trong hàng ngàn cái chết của cuộc chiến tranh khi ấy và có khi ông Loan sẽ sống cuộc đời chẳng ai biết đến. Nhưng chỉ trong vài tích tắc, nhiếp ảnh gia Eddie Adams của Associated Press ghi lại được vụ hành quyết trên đường phố và cuộc đời ông Loan từ đó thay đổi vĩnh viễn.
Ông ta trở thành biểu tượng của sự tàn bạo, của những thứ đồi bại và xấu xa của một cuộc chiến tranh. Ông ta không bao giờ thoát khỏi tai tiếng từ bức ảnh đó.
Sau khi bị vài vết thương nghiêm trọng khi tấn công xạ thủ bắn tỉa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam Việt Nam, ông Loan sang Mỹ chữa trị. Sự hiện diện của ông ta tại đây khiến nhiều người Mỹ tức giận. Thượng nghị sỹ Stephen Young của Ohio gọi ông ta là "kẻ giết người tàn bạo". Sau đó, ông Loan trở về miền Nam Việt Nam và phải cắt bỏ chân phải do những vết thương nặng.
Khi Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn năm 1975, ông Loan tới Đại sứ quán Mỹ để trông chờ các quan chức tại đây hoàn thành lời hứa đưa ông ta và gia đình rời khỏi Việt Nam nhưng không ai trong đại sứ quán muốn nói chuyện với ông ta.
Gia đình ông Loan buộc phải tháo chạy khỏi Sài Gòn trong khoang chứa của máy bay vận tải C-130 của Không quân Việt Nam Cộng hòa. Họ chỉ nhận được thông báo khởi hành đúng 5 phút trước khi máy bay cất cánh và bị buộc phải bỏ lại tất cả đồ đạc cá nhân.
Tới định cư tại Bắc Virginia, ông Loan mở một nhà hàng trong trung tâm thương mại. Che dậy thân phận, ông ta và gia đình dành nhiều thời giờ giúp nhà hàng hoạt động thành công mặc dù chân giả khiến ông ta phải chịu đau đớn. Thế nhưng cuộc sống ở Mỹ chẳng hề dễ dàng chút nào với ông Loan và càng ngày càng trở nên khó khăn.
Năm 1976, các phóng viên phát hiện ra người chủ cửa hàng là tay súng nổi danh trong bức ảnh nổi tiếng chụp năm 1968. Các bài báo và bản tin truyền hình ngay lập tức theo đuôi câu chuyện. Khi danh tính của mình bị lộ, ông Loan cho biết việc kinh doanh sụt giảm đến một nửa.
Sau chuyến thăm của ông Adams không lâu, ông Loan đóng cửa nhà hàng.
Tại Quốc hội Mỹ, Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Elizabeth Holtzman thuộc New York kêu gọi trục xuất ông Loan sau khi biết ông ta có mặt tại Mỹ. Sau đó, nhân viên Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ nói với ông Loan rằng ông ta nên bị xét xử tại Việt Nam bởi tội ác chiến tranh khi bắn tù binh bị trói và giấy phép cư trú của ông ta sẽ bị thu hồi.
May mắn cho ông Loan, Tổng thống Jimmy Carter can thiệp và cho phép ông này ở lại nước Mỹ.
Cách đây đúng 51 năm, ngày 1/2/1968, cuộc tổng tiến công và vận động quần chúng nổi dậy chiếm chính quyền vào dịp Tết Mậu Thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra trên hầu hết lãnh thổ của Việt Nam Cộng hòa. Đây là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử như mắt xích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Mỹ thừa nhận thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ và đưa quân về nước.