Sau 1 thập kỷ, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng “nhanh nhất thế giới”

Ấn tượng, kỷ lục, vượt xa, nhanh nhất thế giới... Đó là những từ ngữ được các chuyên gia và giới truyền thông sử dụng để tái hiện sống động nhất về “bức tranh” kinh tế Việt Nam năm 2018. Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ về chủ đề này với PV Dân trí.
Sputnik

Không chỉ GDP tăng cao…

Năm 2018, cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, các nền kinh tế lớn có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cùng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tiếp 4 lần tăng lãi suất, đồng USD lên giá, lãi suất trung và dài hạn trên thị trường thế giới tăng lên đã tác động đến sản xuất, xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Với phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Kết thúc năm 2018, kinh tế — xã hội Việt Nam có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức "kỷ lục" 7,08%.

Trao đổi với PV Dân trí, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: "Sau 11 năm, Việt Nam mới đạt được mức tăng trưởng kinh tế 7,08%, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%. Đây là kết quả từ điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, của mỗi người công nhân và nông dân".

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng kinh tế của năm 2018 có đặc điểm là toàn diện cả về "cung" và "cầu", trong đó "cung" toàn diện ở 3 lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Động lực chính của tăng trưởng năm 2018 là công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng rất mạnh (12,98%); dịch vụ tăng 7,03%. Trong dịch vụ tăng ở cả 2 khu vực bán buôn (tăng 8,51%), sức mua hàng hoá bán lẻ tăng 11,7%- mức tăng 2 con số hiếm thấy do cầu nội địa tốt, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 8,21% và các dịch vụ ăn uống và lưu trú; vận tải, kho bãi… đều đạt mức tăng trưởng khá.

Đặc biệt, nếu động lực của tăng trưởng năm 2017 là công nghiệp chế biến và chế tạo thì nhân tố làm cho tăng trưởng 2018 cao hơn năm 2017 chính là công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp. Bằng chứng là sản xuất nông nghiệp tăng 3,76% — đây là mức tăng cao nhất trong trong giai đoạn 2012 — 2018; công nghiệp khai khoáng năm 2017 giảm 7,16%, sang năm 2018 tốc độ giảm ít hơn với mức 3,11%. Sự sụt giảm chậm lại của công nghiệp khai khoáng và tốc độ tăng kỷ lục của nông nghiệp chính là 2 yếu tố làm cho tăng trưởng kinh tế năm 2018 cao hơn chỉ tiêu đã đặt ra.

"Nhờ đó, quy mô kinh tế năm nay là 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD/người/năm, tăng gần 200 USD so với năm ngoái" — Phó Thủ tướng cho hay.

Việt Nam an toàn vì chính trị ổn định
… mà còn cải thiện về chất lượng tăng trưởng

Nói về chất lượng tăng trưởng kinh tế năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Năm 2018 kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng cao mà có xu hướng tốt nhờ có sự cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động; sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng cao".

Để chứng minh cho đánh giá nói trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập tới yếu tố quan trọng là tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP. Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu TFP của kế hoạch 5 năm đặt ra là từ 30-35%, nhưng riêng năm 2018 đã đạt tới 40,23%, trong khi đó cả giai đoạn 2011 — 2015 đóng góp của TFP chỉ đạt 33,58%.

Dẫn chứng thêm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra các chỉ số tín dụng. "Năm 2016, để có 1% tăng trưởng GDP thì cần tới 2,94% tăng trưởng tín dụng; năm 2017 chỉ số này giảm xuống còn 2,68%. Năm 2018, ước tổng tăng trưởng tín dụng theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 14%, với mức tăng trưởng 7,08% thì chỉ số % tăng trưởng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng GDP chỉ còn là 2,1%. Mặt khác, giải ngân đầu tư công chậm nhưng tăng trưởng vẫn cao. Rõ ràng, chất lượng tăng trưởng kinh tế năm 2018 là không thể phủ nhận, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không còn phụ thuộc nhiều vào vốn." — Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Về năng suất lao động, Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD, cao hơn gần 6% so với năm 2017.

Lời hứa của Chính phủ

Năm 2018, lạm phát tính bình quân là 3,54%, so với 31/12/2017 thì lạm phát thực tăng chưa tới 3%. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam kiểm soát được lạm phát dưới mức 4%. Đáng chú ý, một sự tình cờ rất ngẫu nhiên là chỉ số tăng trưởng (7,08%) gấp đúng 2 lần chỉ số lạm phát (3,54%).

"Có lẽ đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp đôi chỉ số lạm phát, do đó mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 càng có ý nghĩa. Đã có những ý kiến cho rằng Chính phủ nên nới lỏng chỉ số lạm phát, nhưng nhìn vào thực tế tôi cho rằng việc nới lỏng là không thuyết phục khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là bài học của Việt Nam vào thời điểm trước đây hay hiện nay và cả nhiều năm tới nữa" — Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh chỉ số lạm phát thấp vào những tháng cuối năm, nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao Chính phủ không chủ động điều hành, tăng thêm về giá, các dịch vụ công do nhà nước quản lý. Trong năm 2018, một số Bộ, ngành và chuyên gia cũng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh tăng giá điện, tuy nhiên giá điện vẫn được giữ nguyên.

Lý giải vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay: "Khác với các nước, Việt Nam điều hành giá theo mục tiêu "kép". Mục tiêu thứ nhất là kiểm soát giá theo tín hiệu của thị trường trong nước và thế giới, mục tiêu thứ hai là phải chủ động để điều tiết giá dịch vụ công dần theo thị trường."

"Trong kịch bản điều hành giá, ngay từ đầu đã thống nhất không tăng giá điện trong năm 2018, Chính phủ đã có Nghị quyết về việc này. Chính phủ, Thủ tướng và Trưởng ban điều hành giá đã hứa là phải làm, không điều chỉnh giá điện vì các điều kiện chưa chín muồi và còn để tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, không để yếu tố lạm phát kỳ vọng gia tăng làm ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô- là kinh nghiệm quan trọng trong điều hành giá ở nước ta", vẫn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. 

Khát vọng mãnh liệt về “Việt Nam hùng cường”
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, năm 2019, xu thế tích cực của nền kinh tế vẫn là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức từ bên ngoài, từ căng thẳng địa chính trị và xung đột thương mại của các nền kinh tế lớn trong khi độ mở của kinh tế Việt Nam rất lớn và quy mô nền kinh tế còn khá khiêm tốn.

"Trong lúc này, chúng ta cần tiếp tục giữ vững và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như là các giải pháp gia cố khả năng chống chịu tác động từ kinh tế thế giới và tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế trong tương lai", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Thành quả là tốt đẹp nhưng chặng đường phía trước để hướng tới mục tiêu cơ bản là nước công nghiệp thì vẫn chưa dễ dàng, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới nhiều bất trắc hơn trước.

Kết lại bài viết này, PV Dân trí xin được dẫn lời của ông Ousmane Dione — Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam — trong bản tin cuối năm "Âm vang Việt Nam": "Năm 2018 là một năm tốt đẹp với Việt Nam. Tuy nhiên, con đường của năm 2019 còn nhiều "mây mờ giăng lối", bởi khi đã trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới thì Việt Nam cũng dễ bị tổn thương do những biến động, nhất là khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang…", đòi hỏi Việt Nam phải bản lĩnh, khôn ngoan và sáng suốt khi ra quyết sách.

Thảo luận