1. Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, ông Bruno Angelet tỏ vẻ sốt ruột với kế hoạch phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam — EU (EVFTA) của Nghị viện châu Âu.
"Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy phê chuẩn EVFTA trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nghĩa là trước tháng 5/2019. Nếu bị chậm, chúng ta sẽ phải đợi thời điểm tiếp theo là tháng 10/2019. Tôi muốn mọi việc xong sớm", ông Bruno Angelet nói.
EVFTA được các thành viên EU đánh giá là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao hàm nhiều nội dung sáng tạo và đổi mới. Theo nội dung của EVFTA, có trên 99% hàng rào thuế quan đối với hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và EU sẽ được dỡ bỏ. Thỏa thuận cũng sẽ giải quyết một cách triệt để những hàng rào phi thuế quan trong ngành công nghiệp ô tô cùng với nội dung bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 169 sản phẩm của EU, tạo điều kiện cho các công ty châu Âu bình đẳng với doanh nghiệp Việt Nam trong đấu thầu các hợp đồng mua sắm đầu tư công của Chính phủ Việt Nam…
Ông Bruno Angelet hiểu rằng, với việc sớm phê chuẩn EVFTA, doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ sớm hiện thực hóa các cơ hội trên.
Cũng phải nói thêm, giới kinh doanh châu Âu nhắc tới việc này suốt nửa cuối năm 2018. Thậm chí, tháng 11/2018, trước khi Ủy ban châu Âu thông qua Dự thảo Hiệp định để trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn, EuroCham đã cử phái đoàn gồm 20 lãnh đạo doanh nghiệp tới Bỉ, mang theo những tín hiệu mạnh mẽ và tích cực về Việt Nam tới Ủy ban châu Âu.
"Trong chuyến đi tới Bỉ, chúng tôi đã trình bày những chuyển biến tích cực của Việt Nam trong các vấn đề mà Nghị viện châu Âu quan tâm, vì EVFTA không chỉ được đánh giá như một thỏa thuận về thương mại tự do, mà còn ở khía cạnh tác động xã hội bao quát hơn, như các vấn đề về lao động, quyền con người, an ninh mạng… Chúng tôi cũng đã nói rằng, EuroCham sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai và đáp ứng các tiêu chuẩn mới", ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham kể lại hành trình mà ông gọi là chứng minh với Nghị viện châu Âu về một Việt Nam đang mở cửa, đang chuyển mình để trở thành điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho doanh nghiệp châu Âu.
Thậm chí, khi mọi việc còn chưa ngã ngũ, thì 16 tiểu ban ngành nghề của EuroCham đã bắt đầu nghiên cứu lộ trình thực hiện, để đưa ra các kiến nghị cụ thể.
"Chúng tôi muốn cùng Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng của hiệp định này", ông Nicolas Audier không giấu giếm tham vọng.
"Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2018 (CEO Summit 2018) kết thúc, nhiều người đã đến bắt tay các thành viên đoàn doanh nghiệp Việt Nam và nói chúc mừng vì Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Việt Nam tiếp tục vượt qua Trung Quốc", ông Lộc kể và chia sẻ những tấm hình mà đoàn Việt Nam đã chụp cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp APEC ngay tại bảng công bố khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC).
Tin Việt Nam trở thành nước thứ 7 phê chuẩn CPTPP vào ngày 12/11 đã đến với giới kinh doanh APEC, những người đã chứng kiến nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong các hoạt động bên lề APEC 2017 tại Đà Nẵng, để có được TPP không có Mỹ, sau đó lấy tên là CPTPP.
Rất có thể, đây là một trong những lý do chính mà Việt Nam tiếp tục đứng đầu về sức hút vốn nước ngoài trong 12 tháng theo đánh giá của 1.100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến từ 21 nước thành viên APEC, trong Khảo sát các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC do PricewaterhouseCoopers (PwC) thực hiện và công bố kết quả tại CEO Summit 2018. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục vượt qua Trung Quốc.
Cũng phải nhắc lại, Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017 mà PwC công bố tại CEO Summit 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã lần đầu tiên đứng ở vị trí đầu bảng, tiếp sau là Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan. Những năm trước đó, Việt Nam thường được nhắc tới với tư thế của một địa điểm đầu tư tiềm năng.
"Chúng ta đều hiểu rằng, kế hoạch của nhà đầu tư có được hiện thực hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng việc có tới 35 — 40% CEO cho rằng, môi trường chính sách thương mại thay đổi đang tạo ra nhiều cơ hội hơn là thách thức, thì tôi tin là họ đang cảm nhận thấy rõ những động thái cải cách chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam và họ muốn đi cùng, muốn góp vào sự phát triển này của Việt Nam", ông Lộc nói.
3. Ông Denis Brunetti, Chủ tịch của Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào rất hào hứng với các kế hoạch liên quan đến 4.0 của Việt Nam, nhất là khi nghe 3 bước chiến lược Việt Nam sẽ thực hiện trong quá trình chuyển đổi số, do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu. Đó là đẩy nhanh việc số hóa các ngành, lĩnh vực; sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh và tiến tới nền kinh tế số toàn diện.
"Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cộng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội của nền kinh tế số sẽ mở ra vô hạn. Với Việt Nam — nơi đang có khoảng 50 triệu người dùng Internet, một trong 10 nền kinh tế có người dùng Facebook nhiều nhất thế giới, giới trẻ sẽ là những người tạo ra việc làm, chứ không chỉ là đi tìm việc làm nữa", ông Denis Brunetti hào hứng.
Thậm chí, ông tin rằng, những thế hệ thế chân Facebook, Google rất có thể đang ở Việt Nam, có thể sẽ khởi nghiệp tại Việt Nam.
"Khả năng tiếp cận thông tin di động và Internet qua mạng băng thông di động đã góp phần vào sự tăng trưởng toàn diện. Mọi người, ở nông thôn, đô thị hay các vùng miễn xa xôi đều được hưởng lợi từ việc kết nối này, khi mọi thứ nhanh hơn, rẻ hơn. Tất nhiên, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tập trung vào giáo dục và đào tạo để sản xuất đạt năng suất hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn", ông Denis Brunetti nói.
Thực ra, trong sự phát triển của công nghệ thông tin ở Việt Nam, ông và Ericsson là người trong cuộc. Ericsson đến Việt Nam năm 1993, song hành cùng với các doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam. Hiện tại, Ericsson là đối tác chiến lược và nhà cung cấp GSM, 3G chính cho VNPT, Viettel, G-Tel, Hanoi Telecom và cũng đi cùng MobiFone và VinaPhone trong quá trình nâng cấp lên mạng 4G…
Trong bước đi mới của nền kinh tế số, có vẻ Ericsson không muốn mất đi vai trò là một trong những đối tác tiên phong.
"Chúng tôi ủng hộ và muốn đi cùng Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thành lập hệ sinh thái đổi mới theo Chương trình Kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố vào tháng 8/2018. Tôi tin là sẽ có nhiều doanh nghiệp châu Âu mang đến một làn sóng đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam", ông Denis Brunetti nói.
Rất có thể, những thế hệ thế chân Facebook, Google như ông kỳ vọng sẽ bắt đầu khởi nghiệp ở Việt Nam, một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật…