Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn — Viện Kinh tế chính trị thế giới nêu quan điểm sau nhận định cho rằng Trung Quốc đang mạnh lên và Việt Nam muốn tiến nhanh và hưởng lợi thì phải thay đổi để trở thành một đối tượng chói sáng trên trường quốc tế.
PV:- Thưa ông, tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra mới đây, GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) khuyến nghị: Việt Nam phải chuẩn bị cho một Trung Quốc mạnh lên. Ông cho rằng, Trung Quốc là quốc gia có khả năng ứng đáp chiến lược rất tốt. Thách thức càng lớn, Trung Quốc càng mạnh lên. Vì thế, trong cuộc chiến thương mại Mỹ — Trung, trật tự thế giới sẽ tiến tới một nấc thang mới và Việt Nam phải trở thành đối tượng chói sáng trên trường quốc tế, thể hiện thông qua cải cách. Ông bình luận thế nào về khuyến nghị trên?
Ông Bùi Ngọc Sơn:- Tôi không ngạc nhiên. Nhưng không phải chỉ chờ đến khi Trung Quốc mạnh lên thì chúng ta mới cần phải thay đổi, mới cần cải cách. Đó là đòi hỏi thường trực và phải làm thường xuyên bởi lẽ nếu không thay đổi, không cải cách chúng ta sẽ trở thành nước lạc hậu và tụt hậu. Nước mạnh sẽ càng mạnh lên, nước yếu cũng sẽ mạnh dần nên vì thế trong hoàn cảnh nào Việt Nam cũng phải thay đổi để hội nhập.
Rõ ràng, nếu muốn tiến lên, tiến xa thì lúc nào cũng phải đặt ra câu hỏi "tại sao các nước lại tiến nhanh, tiến xa hơn Việt Nam?"; "Tại sao các nước yếu kém hơn lại phát triển nhanh và có nguy cơ đuổi kịp Việt Nam?"; "Tại sao các nước đã mạnh lại tiếp tục mạnh?" và "Việt Nam phải làm gì?".
Việc đưa ra những khuyến nghị là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là câu trả lời của chúng ta là gì và chúng ta đã làm thế nào. Đó mới là điều quan trọng. Nếu chỉ là những lời khuyến nghị để nghe cho vui mà không có hành động cụ thể thì rất khó thay đổi được tình thế.
PV:- Vậy, ông đã thấy những dấu hiệu nào đang cho thấy Trung Quốc ngày càng mạnh lên và cuộc đụng độ thương mại Mỹ — Trung liệu có làm suy yếu sức mạnh này?
Tuy nhiên, nhìn vào cục diện hiện tại, trong 10 năm tới có thể Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt, Trung Quốc phải thực hiện cải cách mạnh chuẩn bị cho cuộc chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế sang nền kinh tế dựa vào công nghệ và năng suất cao.
Thực tế, Trung Quốc từng công bố về tham vọng sẽ theo kịp những nước hàng đầu thế giới về công nghệ. Tham vọng phát triển ngành công nghệ mà Trung Quốc đang theo đuổi đã thật sự khiến Mỹ bắt bài. Quốc gia này bắt đầu có những quân bài kiểm soát công nghệ, gây ra một số khó khăn nhất định cho Trung Quốc trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình.
Do đó, trong khoảng 10 năm tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và khó có thể đạt được những kỳ vọng như mong muốn.
Nếu kịch bản này xảy ra, nền kinh tế Trung Quốc khó có thể tạo ra sự đột phá nhờ công nghệ và như vậy, kinh tế Trung Quốc cũng khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
PV:- Nhìn trên bình diện thế giới, một Trung Quốc mạnh lên đã làm thay đổi các cuộc chơi trong nền kinh tế thế giới như thế nào? Ứng xử của các quốc gia với thương mại Trung Quốc nói riêng và với Trung Quốc nói chung thay đổi như thế nào?
Ông Bùi Ngọc Sơn:- Tôi chưa nhìn thấy có dấu hiệu nào cho thấy vị thế thế giới giữa các quốc gia sẽ thay đổi.
Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn được coi là công xưởng của thế giới, thông qua hoạt động sản xuất và xuất khẩu sang các nước. Vì thế, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia khác cũng là mối quan hệ giao thương, thương mại.
Trung Quốc muốn thể hiện được vị thế của mình thì phải có được nền thể chế hiện đại, phải có nền tảng công nghệ làm bước đệm cho phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bộc lộ tham vọng của mình hơi sớm, do đó, nước này sẽ phải đối đầu và rất khó khăn để vượt qua được rào cản đến từ chính các nước phương Tây.
Với những gì đang diễn ra, có thể 10 năm hoặc vài chục năm nữa những khó khăn mới hy vọng sẽ giảm nhiệt với quốc gia này.
Dù thừa nhận, quốc gia này đang mạnh lên và vẫn là một công xưởng lớn của thế giới song, về vị thế Trung Quốc vẫn chưa thể vượt qua được Mỹ. Trật tự thế giới chưa có nhiều thay đổi, Mỹ vẫn đang là quốc gia số 1 về kinh tế, thương mại, đồng đô la vẫn đang là đồng tiền chủ đạo của thế giới. Về thương mại, thị trường Mỹ vẫn là thị trường không thể thay thế với nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi, Trung Quốc đang phải chật vật xử lý những vấn đề trong nước, chưa thể tạo đột phá.
Hơn nữa, về ngoại giao, Trung Quốc vốn không gây được nhiều thiện cảm với các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới. Quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia khác đang là mối quan hệ lợi ích qua lại nhưng lại thiếu đi sự tin tưởng, chắc chắn. Đây cũng là điểm yếu thế của nước này.
Ông Bùi Ngọc Sơn:- Khi đứng cạnh một người khổng lồ thì rõ ràng chúng ta sẽ bị yếu thế ở mọi khía cạnh.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam sẽ gặp bất lợi hoàn toàn mà chúng ta cũng có thể hưởng lợi nếu biết thay đổi.
Ngoài việc giữ duy trì mối quan hệ giao thương, thương mại với Trung Quốc, Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi, tiếp cận dần với các hệ thống cơ chế, chính sách của phương Tây nhằm tạo dựng một nền tảng về mặt thị trường, về kết cấu các hệ thống chính trị, xã hội vững chắc.
Chỉ khi làm được như vậy Việt Nam mới giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc và mới có thể đứng vững được trên đấu trường quốc tế.
PV:- Như vậy, chúng ta cần làm gì để đối phó với một Trung Quốc sẽ mạnh lên? Trong trường hợp VN muốn tiến nhanh và muốn hưởng lợi từ thực tế này, chúng ta cần phải thay đổi thế nào?
Ông Bùi Ngọc Sơn:- Có hai cách để chuẩn bị trước khi bước vào cuộc chơi. Cách thứ nhất là phải chuẩn bị bản lĩnh, chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, kỹ năng để khi cuộc chơi bắt đầu chúng ta có đàng hoàng bước vào và chơi.
Tuy nhiên, cũng có một cách là cứ bước chân vào chơi rồi dựa trên sức ép tạo ra sẽ phải tự thay đổi.
Nếu muốn tiến nhanh và hưởng lợi thì không còn cách nào khác là phải học và thay đổi.
Điều quan trọng nhất như tôi đã nói là Việt Nam phải thực hiện cải cách mạnh mẽ về mặt hệ thống thể chế, phải công khai, minh bạch, tôn trọng các quy tắc của nền kinh tế thị trường, tôn trọng công ước luật pháp quốc tế.
PV:- Xin cảm ơn ông!