Chuẩn bị cho một Trung Quốc mạnh lên: "Việt Nam không thể yếu đi!"

Muốn chơi với một nước lớn thì Việt Nam phải thay đổi cách chơi, phải lớn dần lên, báo Đất Việt bình luận.
Sputnik

TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cũng chia sẻ đồng tình với nhận định của GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) khi cho rằng: Trung Quốc đang mạnh lên và Việt Nam phải chuẩn bị cho điều đó.

Việt Nam và ‘cuộc cờ’ lợi ích dân tộc trong thế giới đang thay đổi

Vị TS phân tích, hiện nay, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới  và quốc gia này cũng cho thấy họ sẽ không dừng lại mà thậm chí còn tiến xa hơn để trở thành một nền kinh tế số 1 thế giới, thay thế Mỹ.

Đây là điều Mỹ không hề mong muốn, nhất là sau thời gian dài quốc gia này để Trung Quốc phát triển tự do. Phải nói rằng, tới thời điểm này Mỹ đã giật mình nhận ra khả năng phát triển rất nhanh của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Vì thế, Mỹ phải nhanh chóng đưa ra biện pháp nhằm kìm hãm tốc độ bùng nổ của Trung Quốc.

Nhận xét một cách sòng phẳng, TS Dương Đình Giám cho rằng, Trung Quốc chưa thể so sánh được với Mỹ cả về đẳng cấp chính trị, kinh tế cũng như trình độ khoa học công nghệ, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có được những gì mình muốn nhờ vào những chiêu trò, hoặc các chiêu thức xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ để tạo ra các sản phẩm khoa học cho mình.

Dây chuyền sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Công ty TNHH Chế tạo Canadian Solar Việt Nam, vốn đầu tư của của Canada tại khu công nghiệp VSIP (Hải Phòng).

Chính sách Biển Đông thời ông Trump: Mỹ làm được gì với Trung Quốc và Việt Nam sẽ ra sao?
Với cách đi như vậy, vị chuyên gia suy đoán, cuộc chiến tranh thương mại chưa thể dừng lại nhưng cũng không đi theo hướng sát phạt nhau mà thực chất là cả hai quốc gia đều đang thăm dò, tìm kiếm lợi ích từ nhau. Cuộc chiến có thể sẽ dừng lại khi cả hai bên thống nhất đi tới một số thỏa thuận nhất định.

Vì thế, TS Dương Đình Giám cũng đồng ý với nhận định của GS.TS Vũ Minh Khương khi cho rằng Trung Quốc là quốc gia có khả năng ứng đáp chiến lược rất tốt. Chắc chắn sau khi cuộc chiến thương mại dừng lại, trật tự thế giới sẽ tiến tới một nấc thang mới mà trong đó Trung Quốc cũng sẽ nắm giữ vị trí rất quan trọng.

Ông cho biết, Trung Quốc là quốc gia có sức ảnh hưởng rất lớn về thương mại, giao thương với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Do đó, khi vị thế của Trung Quốc thay đổi, mối quan hệ giao thương giữa các nước với Trung Quốc cũng sẽ có nhiều thay đổi.

Việt Nam cần làm gì?

Việt Nam là quốc gia đứng cạnh Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu rất nhiều tác động cả tiêu cực lẫn tích cực từ sự thay đổi của quốc gia này. Đặc biệt, trong bối cảnh mối quan hệ kinh tế hai chiều gắn kết, chặt chẽ nhưng phía bị phụ thuộc là Việt Nam thì khả năng tìm kiếm lợi ích của Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, TS Dương Đình Giám vẫn cho rằng, còn có nhiều cách Việt Nam có thể tận dụng, khai thác được từ người láng giềng khổng lồ để giúp cho nền kinh tế trong nước phát triển, quan trọng nhất vẫn là phải thay đổi "cách chơi".

Xưởng hàn khung xe ô tô tại Công ty TNHH Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương.

Biển Đông 2019: Trung Quốc buộc phải "suy nghĩ lại"
Ông nói rõ, Việt Nam không thể chơi với Trung Quốc theo cách như đang chơi mà cần phải chuẩn bị một tâm thế lớn khi chơi với một nước lớn. Do đó, việc Việt Nam phải làm là:

Thứ nhất, cần tận dụng lợi thế của mình, khai thác tốt thị trường đông dân, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao và đa dạng ở nhiều cấp chất lượng của Trung Quốc để bán hàng.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc vẫn được coi là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng, nhưng thực tế, chúng ta vẫn chưa tận dụng được lợi thế này.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ nhìn nhận thị trường Trung Quốc theo tầm nhìn ngắn hạn, "có lợi là làm, dễ làm khó bỏ"; chứ chưa xác định được chiến lược một cách bài bản để từng bước chinh phục thị trường này, chí ít là các thị trường ngách, các địa phương tây và nam Trung Quốc.

"Vấn đề chính của chúng ta là làm sao vươn lên được để có thể tận dụng, khai thác được lợi thế từ thị trường xuất khẩu vào nước này chứ không chỉ tìm cách bán hàng theo con đường tiểu ngạch vừa rủi ro, vừa thiệt thòi", TS Dương Đình Giám nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông cũng cho rằng, Việt Nam phải đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ trên mọi lĩnh vực, không ngừng nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế để tránh nguy cơ lệ thuộc hoàn toàn vào một thị trường, mà cụ thể ở đây là Trung Quốc.

Thứ hai, về nhập khẩu, ông cũng nhắc nhở doanh nghiệp trong nước phải thay đổi tư duy, tâm lý  ham rẻ, mua bán dễ dàng (nhập khẩu qua đường tiểu ngạch) để nhập hàng hóa, nguyên vật liệu chất lượng thấp từ thị trường Trung Quốc làm tổn hại đến người tiêu dùng cũng như bóp chết sản xuất trong nước.

Bắc Kinh biến Việt Nam thành "sân sau": Nguy cơ đáng sợ về hàng hoá, đầu tư từ Trung Quốc
Bản thân các doanh nghiệp trong nước phải xác định lại thị trường mục tiêu của mình theo cấp độ tăng dần…. Tuy nhiên, để mở rộng sang các thị trường khó tính (cả xuất khẩu và nhập khẩu), đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư KHCN để nâng cao phẩm cấp của hàng xuất khẩu; đồng thời nâng cao năng lực quản trị để tiết giảm chi phí, bù lại chi phí vận chuyển xa hơn đối với các thị trường này (so với xuất, nhập khẩu từ Trung Quốc), thì mới mong giảm được sự phụ thuộc và tránh được những rủi ro từ thị trường Trung Quốc.

Theo TS Dương Đình Giám, ngay cả khi xác định Trung Quốc là thị trường mục tiêu, Việt Nam cũng phải xác định làm sao để nâng cao được năng lực sản xuất, tận dụng được các lợi thế mà thị trường Trung Quốc mang lại, từ đó củng cố vị thế của DN Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Ông cho rằng, sự thay đổi này là bắt buộc bởi lẽ, Trung Quốc mạnh lên cũng đồng nghĩa với những yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa cũng cao hơn, khắt khe hơn. Khi đó, hàng hóa Việt Nam muốn vào được thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi phải đạt tới một trình độ, chất lượng nhất định, ngược lại với tình trạng tại thị trường nội địa, hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập. Nếu hàng hóa trong nước không bảo đảm sẽ không thể cạnh tranh được.

Với sự thay đổi tới đây, ông cho rằng cuộc cạnh tranh giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa Trung Quốc không chỉ dừng lại ở những chiêu trò như đội lốt hàng Việt, hàng nhái, hàng giả nữa mà sẽ là cuộc cạnh tranh công khai, rất khốc liệt. Do đó, nếu DN không thay đổi thì chỉ có thất bại và nhận thua.

Thế hệ thế chân Facebook và Google có thể đang ở Việt Nam
Từ nhìn nhận trên, vị TS cho rằng, nếu Việt Nam muốn tiến nhanh và có thể hưởng lợi được từ nước láng giềng thì cần phải thực hiện cải cách, thay đổi một cách toàn diện. Đặc biệt về khung khổ chính sách, phương thức phát triển, hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp trong nước có được điều kiện phát triển tốt nhất.

Tuy nhiên, hơn ai hết, bản thân các doanh nghiệp mới là người quyết định. Vấn đề thay đổi tư duy, tầm nhìn, tự thay đổi để trưởng thành lên

Tóm lại, vị chuyên gia cho biết, nếu Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì phải có sự thay đổi đồng bộ từ cả hai phía Nhà nước và DN. Quan trọng nhất, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong tương lai, đây chính là nền tảng thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển.

Thảo luận