1,5m mới được xét vào sư phạm: Tuyển giáo viên hay người mẫu?

Quy định của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về chiều cao, cân nặng đối với thí sinh thi tuyển năm 2019 đang gây xôn xao dư luận, báo Vietnamnet bình luận.
Sputnik

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa đưa ra dự kiến điều kiện tuyển sinh 2019 với yêu cầu các ngành đào tạo giáo viên tuyển thí sinh nam cao 1,55 m trở lên, nữ cao 1,50 m trở lên. Riêng ngành Giáo dục Thể chất yêu cầu nam cao từ 1,65m, nặng 50 kg trở lên, nữ phải cao từ 1,55m, nặng 45 kg trở lên.

Giáo viên Toán "thách đố" Bộ trưởng Bộ Giáo dục dạy Toán lớp Một

Nhiều ý kiến cho rằng quy định nói trên nhằm "cải tổ" hình ảnh người thầy trong tương lai, khi trên thực tế có nhiều giáo sinh sư phạm hiện nay có chiều cao tương đối khiêm tốn.

Quy định có phần mới mẻ này đang gây tranh luận.

Tiêu chuẩn như vậy là hợp lý?

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô Trần Thị Ngọc, giáo viên ở Nghệ An, cho rằng có lẽ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có lý do riêng, nhưng Luật Giáo dục và Giáo dục Đại học hiện nay chưa có quy định nào về tiêu chuẩn chiều cao với giáo viên, nên quy định của trường rất khó nhận được sự đồng tình.

Theo cô Ngọc, hiện nay học sinh rất phát triển do các em được ăn uống đầy đủ, có điều kiện sống tốt. Tại các trường THPT, nhiều học sinh có chiều cao lớn hơn giáo viên, như vậy, nếu giao tiếp sẽ có trở ngại. Mặt khác, người thầy khi đứng trước học sinh, ngoài những yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, thì bề ngoài cao ráo, lịch thiệp sẽ có tác dụng nhất định khi giảng dạy.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Ngành giáo dục không quyết được giáo viên"
Còn ông Phạm Thái Sơn, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cũng nhận định tiêu chuẩn tuyển sinh cho sinh viên sư phạm như vậy là hợp lý, bởi ngoài những yêu cầu về kiến thức, nhân cách thì tác phong của giáo viên khá quan trọng. Hơn nữa, việc quy định nam cao 1,55 m trở lên, nữ cao 1,50 m trở lên không quá cao so với mức chung của phần lớn học sinh THPT hiện nay.

"Tôi cho rằng ngoài tiêu chuẩn về học lực việc tuyển chọn giáo viên cần thêm nhiều quy định về tác phong, thái độ, giọng nói… Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đưa ra tiêu chí như vậy hoàn toàn phù hợp. Với điều kiện dinh dưỡng như hiện nay, phần lớn học sinh nếu thi sư phạm đều đạt được yêu cầu này" — ông nói.

Chiều cao không quyết định nét đẹp người thầy

Nguyên hiệu trưởng Trường Sư phạm TP.HCM cho hay có lẽ, quy định này xuất phát từ việc sinh viên của nhà trường đa phần có hộ khẩu ở khu vực nông thôn. Về mặt thế chất, sinh viên ở nông thôn có cân nặng, chiều cao kém hơn so với sinh viên ở khu vực đô thị. Hiện nay, nếu vào trường sư phạm quan sát, bất kỳ cá nhân nào cũng nhận ra điều này.

"Những năm trước, chúng tôi đã nghĩ tới việc phải làm thế nào để những thầy, cô giáo đứng trên lớp "đẹp" trong mắt học trò. Trên thực tế, chúng tôi rất khó khắc phục điều này vì những em học tốt thi vào sư phạm đa phần ở khu vực nông thôn và không phải em nào muốn làm giáo viên cũng có chiều cao đối với nam từ 1,55m và nữ từ 1,50m trở lên, dù chiều cao này không phải cao so với chiều cao chung của người Việt" — ông nói.

Nực cười: Sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần mới đuổi học?
Theo ông, trong những tiêu chuẩn về giáo viên không có tiêu chuẩn nào về ngoại hình. Luật pháp hiện nay cũng không quy định có tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng ngoại trừ một số trường hợp đặc thù như người lái xe, hay một số ngành nghề khác như Quân đội, Công an.

"Trong giáo dục, việc đặt ra quy định về chiều cao đối với sinh viên sư phạm là thích hợp, nhưng cần chọn thời điểm và phù hợp với Luật. Nếu Luật không quy định thì đặt ra điều kiện này rất buồn cười vì không thể hiện sự công bằng và bình đẳng giữa các công dân. Hiện nay, trường sư phạm vẫn tuyển những thí sinh khuyết tật, vì vậy không nên từ chối cơ hội làm thầy đối với các công dân, những học sinh nghèo có năng lực giảng dạy, kiến thức, yêu nghề và muốn vào trường sư phạm" — ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần cân nhắc thật kỹ khi đưa ra quy định này ở thời điểm hiện tại, vì phải nhìn nhận số thí sinh thi vào sư phạm trong vài năm qua không tốt. Nhà trường tuy thu hút sinh viên sư phạm tốt so với những trường sư phạm khác trong cả nước, nhưng nếu quy định như vậy sẽ thêm một điểm khó cho tuyển sinh sư phạm.

Còn ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, người được mọi người nói đùa "người thầy có chiều cao khiêm tốn" thì bộc bạch trên trang cá nhân: "Mình vừa đủ chuẩn, yên tâm rồi".

Chia sẻ với VietNamNet, ông Lý cho rằng quy định nam cao 1,55m trở lên, nữ cao 1,50m trở lên mới được thi sư phạm là chưa hợp lý.

"Nhân cách con người làm sao có thể đánh giá qua vẻ bề ngoài được. Nhà giáo cần người giỏi, tâm huyết, có nhân cách, chứ đâu phải người mẫu mà cần chiều cao và ngoại hình. Hình ảnh người thầy khác hình ảnh showbiz" — ông Lý phản biện.

'Giáo viên đi thi chưa hẳn dạy giỏi mà diễn giỏi'
Theo ông Lý, xã hội đã ghi nhận nhiều người thầy, thậm chí lãnh đạo giáo dục có chiều cao rất khiêm tốn, nhưng kiến thức rất uyên thâm, nhân cách tốt được phụ huynh và học sinh, sinh viên kính trọng. Do vậy, không nên quá tập trung vào ngoại hình mà hãy quan tâm tới những tiêu chuẩn khác của người thầy.

Còn bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Quận 5, TP.HCM, nhận xét quy định của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ không khả thi và không phù hợp với môi trường đào tạo sư phạm.

"Trường sư phạm không phải là nơi tuyển người mẫu hay hoa hậu mà quy định như vậy. Trường sư phạm cần tuyển những người có tâm, yêu trẻ, thương trẻ. Có thể những người này có ngoại hình không đẹp nhưng có những chuẩn mực như vậy mới cần thiết. Do vậy, nếu cần thì nên quy định những điều này khi tuyển sư phạm" — bà Thu cho hay.

Cũng theo bà Thu, hiện nay chưa có Luật nào quy định về tiêu chuẩn chiều cao cho giáo viên và sẽ không bao giờ có quy định này. Ngành sư phạm rất cần người có tâm sáng, yêu trẻ, có kiến thức chứ không phải chiều cao. 

Trước ý kiến cho rằng ngoài những nét đẹp đến từ nhân cách, kiến thức, lòng yêu nghề, đức hy sinh và tâm sáng…, một giáo viên lên lớp nếu có hình ảnh sáng sủa, cao ráo sẽ là động lực cho học sinh học tập, bà Thu cho rằng vẻ bề ngoài của giáo viên được đánh giá qua sự tự tin, nghiêm túc về trang phục chứ không phải chiều cao hay sắc vóc.

"Một giáo viên có tâm sáng sẽ thể hiện được bề ngoài sáng như thế nào. Ngành sư phạm cần người "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", "Cái nết đánh chết cái đẹp". Cái đẹp này là đẹp tâm hồn, dù người thầy đó có sắc vóc không đẹp nhưng nếu đẹp trong tâm hồn thì học sinh cũng sẽ tả được đó là một người thầy đẹp. Trường sư phạm đừng đưa quy định này vào tiêu chí tuyển sinh, làm cho những người không đẹp bên ngoài nhưng đẹp cái tâm cảm thấy rất buồn và thấy ngành sư phạm mất đi sự thanh cao trong tâm hồn" — bà Thu kiến nghị.

"Giáo viên thấp mà giỏi thì sao?"

'Lương giáo viên không đủ sống lấy đâu nộp phạt đến 30 triệu đồng?'
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải phóng, đặt câu hỏi và cho rằng người có chiều cao thấp không có tội tình gì.

"Người thấp có nghĩa là không dài, không cao, chứ không có nghĩa là lùn trí thức, trí tuệ. Vì vậy, chiều cao không ảnh hưởng gì đến việc dạy học. Người giáo viên lên bục giảng chứ không phải sân khấu nên không cần người cao như người mẫu".

Mặt khác, chiều cao không bị luật cấm trong chuẩn giáo viên. Cụ thể, Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, thì các tiêu chí để đánh giá giáo viên không có tiêu chí về chiều cao.

Chiều cao có ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy?

Năm 2018, một nữ sinh Trung Quốc từng không thể nhận bằng tốt nghiệp trường sư phạm do có chiều cao dưới 1,5m, tờ Tin tức Thiểm Tây cho hay. Tiêu chí về chiều cao đối với sinh viên học ngành sư phạm vẫn đang được áp dụng ở nhiều tỉnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội ở nước này kịch liệt phản đối và cho rằng quy định này là phân biệt đối xử.Li, cao 1.4m, là sinh viên năm cuối ngành tiếng Anh ở ĐH Sư phạm Thiểm Tây, hệ 4 năm.

Thư gửi 114 học sinh ở Hà Giang
Tới năm cuối, Li mới được thông báo là sẽ không đủ tiêu chuẩn để nhận bằng tốt nghiệp (nữ cao trên 1,5m mới được nhận bằng tốt nghiệp sư phạm. Với những người thấp hơn quy định 5cm, nếu muốn dạy cấp mầm non thì có thể nộp đơn xin một tấm giấy xác nhận đặc biệt).

ĐH Sư phạm Thiểm Tây không có bất cứ phản ứng gì trước những phản đối của dư luận, tuy nhiên Thiểm Tây không phải là địa phương duy nhất có quy định này. Họ lập luận rằng, giáo viên cần đủ cao để với được khi dùng bảng. Trước những chỉ trích mạnh mẽ, một số tỉnh như Tứ Xuyên, Giang Tây, Quảng Tây đã gỡ bỏ quy định.Vấn đề quy định chiều cao giáo viên đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi ở Trung Quốc suốt 6 tháng từ cuối năm 2017.

Tuy vậy, cũng về vấn đề này, một nghiên cứu năm 2011 đăng trên tờ Education Tweak (EdTweak.com) đã đưa ra những bằng chứng cho rằng giáo viên càng cao thì dạy càng hiệu quả.Tờ The Washington Post ngày 19/4/2011 đưa tin rằng: Bằng cách sử dụng các kỹ thuật mô hình thống kê tinh vi, 2 nhà nghiên cứu Tom Able và Eric Fotushek đã chỉ ra rằng nếu những giáo viên có chiều cao thấp nhất được loại ra khỏi bảng xếp hạng giáo viên với tỷ lệ chỉ 7% mỗi năm và thay thế vào đó là những giáo viên có chiều cao trung bình, thì trong vòng một thập kỷ, chất lượng giáo viên Mỹ sẽ nằm trong số những quốc gia tốt nhất thế giới trên bảng xếp hạng.    

Thảo luận